Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Phật giáo trong thời kỳ hội nhập

Sáng 11/2, tại TP.HCM, Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) Việt Nam phối hợp cùng Chùa Minh Đạo, Quận 3 tổ chức khai giảng khóa bồi dưỡng kiến thức bảo tồn các giá trị di sản văn hóa Phật giáo cho chư tôn đức Tăng Ni, chức sắc, chức việc và trụ trì các cơ sở tôn giáo Phật giáo tại Thành phố.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Xuân, Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Bảo tồn Văn hóa Tôn giáo và Tín ngưỡng Việt Nam cho rằng, trong quá trình phát triển đất nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, rất cần có sự thống nhất về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống.

Do đó, khóa tập huấn này là cần thiết và có ý nghĩa đối với việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tôn giáo tín ngưỡng truyền thống trong đời sống đương đại.

Tham gia khóa bồi dưỡng có các chư tôn đức Tăng Ni, chức sắc, chức việc và trụ trì các cơ sở tôn giáo Phật giáo tại TP.HCM.

Tham gia khóa bồi dưỡng có các chư tôn đức Tăng Ni, chức sắc, chức việc và trụ trì các cơ sở tôn giáo Phật giáo tại TP.HCM.

Theo Thượng tọa Thích Quảng Minh, Phó Thư ký - Chánh Văn phòng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, công tác bảo tồn văn hóa Phật giáo có ý nghĩa quan trọng trong vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam.

Thời gian qua, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo bàn về phương hướng, giải pháp, đề án bảo tồn văn hóa Phật giáo trong cuộc sống hiện đại, về sắc phục Phật giáo, ngôn ngữ Phật giáo, kiến trúc Phật giáo và di sản văn hóa Phật giáo. Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Phật giáo trong tổng thế công tác bảo vệ, phát triển giá trị nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc của dân tộc cũng thể hiện tinh thần Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, góp phần lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp của các giá trị văn hóa trong đời sống xã hội.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, văn hóa là sức mạnh nội sinh để Việt Nam hội nhập mà không bị hòa tan trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thực trạng các di sản văn hóa, lịch sử cho thấy rất cần ý thức của toàn xã hội và từng cá nhân trong công tác bảo vệ di sản, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trước ảnh hưởng của thời gian và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tặng sách bảo vật quốc gia cho Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tặng sách bảo vật quốc gia cho Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Qua khảo sát, bên cạnh một số lượng di tích, di sản văn hóa Phật giáo đang được lưu giữ tại các bảo tàng của nhà nước và tư nhân, thì một phần lớn di sản Phật giáo tập trung tại các cơ sở Phật giáo. Vì vậy, rất cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, truyền thông về bảo tồn văn hóa Phật giáo; sự phối hợp đồng bộ giữa trụ trì các cơ sở tôn giáo Phật giáo là những người trực tiếp quản lý di sản và cơ quan quản lý nhà nước, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ, trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo.

Tại khóa học, các chư tôn đức Tăng Ni chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì các tự viện, cơ sở tôn giáo Phật giáo ở TP.HCM được các chuyên gia UNESCO, cán bộ Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam giới thiệu các nội dung về hợp tác và hòa bình theo tinh thần UNESCO; di sản văn hóa, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, di sản văn hóa Phật giáo. Đồng thời trao đổi về hiện trạng công tác bảo tồn các di sản, những thách thức và phương pháp tiếp cận tại Việt Nam hiện nay./.

Ngọc Xuân/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/bao-ton-phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa-phat-giao-trong-thoi-ky-hoi-nhap-post1001128.vov
Zalo