Bảo tồn những tiềm năng vốn có và các giá trị bản địa khu vực Làng đá cổ

Tại Lễ trao giải thưởng Loa Thành lần thứ 36 năm nay, sinh viên Phan Thị Thu Trúc, trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh là một trong hai sinh viên có đồ án tốt nghiệp xuất sắc giành được giải Nhất. Dưới sự hướng dẫn của TS.KTS Phạm Thị Ái Thủy, Trúc đã mang đến một thiết kế kiến trúc rất đặc biệt tại khu vực Làng đá cổ Bản Gun – Khuổi Ky tại tỉnh Cao Bằng.

Sinh viên Phan Thị Thu Trúc, trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh.

Sinh viên Phan Thị Thu Trúc, trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh.

Xuất phát từ sự yêu thích, muốn tìm hiểu các nền văn hóa dân tộc và các thể loại kiến trúc cổ, sinh viên Phan Thị Thu Trúc đã lựa chọn khu vực Làng đá cổ Bản Gun – Khuổi Ky tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng làm nơi thiết kế đồ án.

Làng đá cổ Bản Gun - Khuổi Ky là một ngôi làng đặc biệt, là nơi lưu trữ nền văn hóa “đá” truyền thống của người dân tộc Tày với kiến trúc độc đáo được xây hoàn toàn bằng đá tự nhiên, mái lợp bằng ngói âm dương.

Tuy nhiên, từ năm 2000, do sự khó khăn về tài chính và nhân lực, mà cảnh quan đá cổ bắt đầu dần bị xâm hại bởi những ngôi nhà hiện đại đầu tiên. Trong khi đó, để xây dựng được một căn nhà đá tự nhiên thì phải mất tới 2-3 năm mới hoàn thiện. Cho đến nay, tình trạng hiện đại hóa diễn ra tại Làng đá cổ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này đã làm phá vỡ đi nét cổ kính, nét đặc trưng riêng của khu vực. Bên cạnh đó, Làng đá cổ chưa có sự tổ chức và quy hoạch hợp lý cho các công trình kiến trúc và không gian xung quanh, dẫn đến sự nhếch nhác và mất đi tính thẩm mỹ.

Sơ đồ phân khu chức năng khu vực Làng đá cổ.

Sơ đồ phân khu chức năng khu vực Làng đá cổ.

“Chính vì vậy, đó là động lực duy nhất khiến tôi thực hiện đồ án tốt nghiệp với đề tài Quy hoạch thiết kế kiến trúc cảnh quan làng đá cổ Bản Gun - Khuổi Ky, tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng dựa trên du lịch cộng đồng giúp làng cổ phục hồi và bảo tồn di sản quý báu của dân tộc Tày, với sự hướng dẫn của TS.KTS.Phạm Thị Ái Thủy”, sinh viên Thu Trúc cho biết.

Theo đó, đồ án Quy hoạch thiết kế kiến trúc cảnh quan làng đá cổ Bản Gun - Khuổi Ky hướng đến mục tiêu bảo tồn và khai thác những tiềm năng vốn có, các giá trị bản địa, đồng thời đáp ứng các nhu cầu về phát triển quản lý, nâng cao, hiệu quả kinh tế và phát triển du lịch cộng đồng.

Bản đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan.

Bản đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan.

Ý tưởng thiết kế dựa vào câu chuyện về dòng chảy của đá với sự đối lập của dòng (mềm mại) và đá (cứng rắn) tượng trưng cho 2 biểu tượng suối và núi. Từ đó việc thiết kế kiến trúc cảnh quan bảo tồn Làng đá cổ sẽ tái hiện câu chuyện về ký ức, hiện tại và tương lai thông qua các khu vực được đặt tên theo quy tắc tiếng Kinh – tiếng Tày.

Thiết kế sẽ theo 5 nội dung gồm Khởi – Hoài – Tâm – Thịnh – Trải. “Khởi” sẽ là khu vực bắt đầu, giới thiệu lịch sử và cội nguồn của Làng đá. “Hoài” sẽ tái hiện khu Làng cổ được giữ nguyên với hình ảnh ban đầu của một ngồi làng chưa làm homestay, tái hiện ký ức, mang đến cho du khách trải nghiệm gần gũi với di sản văn hóa và lịch sử. “Tâm” chính là những căn nhà đá đầu tiên của Làng đá cổ. “Thịnh” có ý nghĩa phát triển, khu Làng đá được cải tạo thành khu homestay bằng nhà đá nhưng có phần cao cấp hơn để đáp ứng được nhiều đối tượng khách du lịch. “Trải” nghĩa là trải nghiệm với khu trải nghiệm làm nông, thám hiểm động Ngườm Ngao.

Để thực hiện thành công đồ án, sinh viên Thu Trúc đã gặp phải nhiều khó khăn, thử thách. Tác giả chia sẻ: “Điều khó khăn nhất khi tôi chọn Làng đá ở Cao Bằng là nơi tôi thực hiện đề tài chính là sự ngăn cản từ gia đình. Tiếp đến là vấn đề đi khảo sát thực địa một mình do khoảng cách địa lý rất xa và tài chính có hạn nên tôi chỉ có khả năng đi 1 lần.

Phối cảnh nhà đón tiếp của Làng đá.

Phối cảnh nhà đón tiếp của Làng đá.

Trước khi đi tôi phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng về kiến thức và danh sách những gì cần phải đo đạc, ghi chép trong thời gian ngắn một cách hiệu quả nhất. Sau đó tôi làm quen với một số anh chị trong Làng để khi về lại có thể hỏi thêm những thông tin phát sinh về Làng trong quá trình làm bài”.

Theo Hội đồng chuyên ngành, sinh viên Phan Thị Thu Trúc đã chọn một đề tài rất thiết thực trong bối cảnh hiện nay, đó là quy hoạch kiến trúc cảnh quan Làng đá cổ Khuổi Ky, Đồ án nhằm bảo tồn và khai thác những tiềm năng vốn có, các giá trị bản địa, đáp ứng các yêu cầu về phát triển, quản lý, nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển du lịch.

Phối cảnh khu homestay mới.

Phối cảnh khu homestay mới.

Đồ án có sự nghiên cứu sâu sắc và kỹ lưỡng về lịch sử hình thành, bối cảnh, các giá trị văn hóa địa phương cũng như các lý thuyết tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hiện đại. Từ đó đề xuất ra các giải pháp thiết kế, tổ chức không gian thích ứng với tính bản địa, hướng đến Làng đá cổ Bản Gun được bảo tồn và phát triển được du lịch bền vững.

Với cách tiếp cận tổng thể từ quy hoạch tới cảnh quan và kiến trúc công trình, đồ án đề xuất được giải pháp phát triển không gian cho làng đá cổ bản Gun, có sự kết hợp hài hòa giữa các không gian mới và cũ, trong đó không gian mới vừa học hỏi, vừa phát triển từ các giá trị bản địa.

Phối cảnh Làng đá cổ.

Phối cảnh Làng đá cổ.

Các yếu tố phát triển mới được lồng ghép hài hòa vào bối cảnh thiên nhiên rừng núi và làng xóm cũ, tạo thành một tổng thể toàn vẹn, duyên dáng, hấp dẫn đối với khách du lịch, nâng cao các giá trị cũng như cảnh sắc địa phương. Sinh viên cũng có kỹ năng trình bày đồ án mạch lạc, rõ ràng, vừa đủ, không bị sa đà quá nhiều vào phần dẫn luận, có sự cân đối giữa phần nghiên cứu với phần đề xuất các giải pháp, ý tưởng. Các đề xuất và giải pháp thiết kế đưa ra có sự nhất quán và giải quyết được những vấn đề đặt ra.

Yến Mai

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bao-ton-nhung-tiem-nang-von-co-va-cac-gia-tri-ban-dia-khu-vuc-lang-da-co-389704.html
Zalo