Bảo tồn nghề thủ công truyền thống tại các dân tộc thiểu số vùng ĐBSCL

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy vừa ký Quyết định số 2896/QĐ-BVHTTDL ngày 5/10, về tổ chức truyền dạy, bảo tồn nghề thủ công truyền thống các dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Chăm

Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Chăm

Đây là hoạt động nhằm mục tiêu thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước góp phần truyền dạy, bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số trong bối cảnh các ngành nghề này đang bị mai một trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đồng thời, tuyên truyền phổ biến trong đồng bào nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về các giá trị văn hóa của nghề thủ công truyền thống, động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số sáng tạo những sản phẩm thủ công phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội.

Tại văn bản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Vụ Văn hóa dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh: Trà Vinh, An Giang và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức truyền dạy, bảo tồn nghề thủ công truyền thống.

Nghề thủ công chế tác mão, mặt nạ của đồng bào Khmer tại tỉnh Trà Vinh.

Nghề thủ công chế tác mão, mặt nạ của đồng bào Khmer tại tỉnh Trà Vinh.

Cụ thể, địa phương tổ chức truyền dạy, bảo tồn các tri thức dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số về vai trò các ngành nghề này trong việc phát huy thế mạnh của địa phương và thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước thông qua việc bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống. Tuyên truyền phát huy giá trị văn hóa phi vật thể đối với nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số, lồng ghép vào Kế hoạch phát triển văn hóa, du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, thực hiện tổ chức đồng bộ giữa tập huấn truyền dạy và nâng cao năng lực bảo tồn 02 nghề thủ công truyền thống: “Chế tác mão, mặt nạ của đồng bào Khmer” tại tỉnh Trà Vinh và “Dệt thổ cẩm của dân tộc Chăm” tại tỉnh An Giang. Đảm bảo đúng thành phần, thời gian, thời lượng, nội dung chương trình hợp lý, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình địa phương.

Theo kế hoạch, lớp truyền dạy chế tác mão, mặt nạ của đồng bào Khmer sẽ diễn ra tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Thành phần tham gia hoạt động truyền dạy bao gồm: 02 nghệ nhân ưu tú dân tộc Khmer làm nghề chế tác mão, mặt nạ, các loại nhạc cụ và 54 học viên là đồng bào dân tộc Khmer tại huyện Châu Thành.

Tại thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang sẽ diễn ra lớp truyền dạy nghề thủ công dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Chăm với sự tham gia của 4 người tay nghề cao về kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống và 63 học viên là đồng bào dân tộc dân tộc Chăm tại thị xã Tân Châu.

Đồng bằng sông Cửu Long có 1,3 triệu người dân tộc thiểu số, chiếm 7,58% dân số của vùng và chiếm 9,28% số người dân tộc thiểu số cả nước, trong đó chủ yếu là dân tộc Khmer; có trên 220 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số ở 9/13 tỉnh, thành phố.

Nhiều năm qua, chủ trương của Đảng và Nhà nước là tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là đầu tư cho phát triển, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thu hẹp khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội...

Thực hiện chủ trương trên, đồng thời triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, các tỉnh khu vực ĐBSCL tập trung khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng...

Có chính sách đầu tư đúng, tạo điều kiện phát huy vai trò của chủ thể văn hóa – đồng bào các dân tộc trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng và phát triển đất nước.

Thùy Dương

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bao-ton-nghe-thu-cong-truyen-thong-tai-cac-dan-toc-thieu-so-vung-dbscl-post27991.html
Zalo