Bảo tồn loài sao la trước nguy cơ tuyệt chủng
Bảo tồn loài sao la quý hiếm và phục hồi hệ sinh thái rừng là nội dung trọng tâm của 'Chiến lược bảo tồn Trung Trường Sơn giai đoạn 2026-2030' vừa được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) công bố tại Quảng Trị.
Ngày 19/7, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị thông tin WWF-Việt Nam vừa phối hợp với UBND tỉnh này tổ chức hội nghị công bố Chiến lược bảo tồn Trung Trường Sơn giai đoạn 2026-2030.
Chiến lược mới của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đặt mục tiêu phục hồi rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu thông qua các giải pháp dựa vào thiên nhiên.

Đặt bẫy ảnh tìm kiếm sao la tại Ban quản lý rừng đặc dụng Quảng Trị. Ảnh: T. Hoàng.
Các tỉnh thành nằm trong vùng dự án từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng, được WWF xếp hạng là một trong 200 khu vực sinh thái có tầm quan trọng toàn cầu.
Trung Trường Sơn, nơi có loài sao la từng được mệnh danh là "kỳ lân châu Á" được xác định là khu vực ưu tiên trong bảo tồn, với tầm quan trọng toàn cầu cả về sinh thái lẫn phát triển bền vững. Ở đây còn có sự hiện diện của nhiều loài nguy cấp, đặc hữu khác như thỏ vằn Trường Sơn, mang Trường Sơn...

Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp sao la vào nhóm cực kỳ nguy cấp. Ảnh: IUCN.
Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ký thỏa thuận hợp tác 5 năm với WWF vào tháng 10/2023. Sau gần 2 năm triển khai, WWF đã thực hiện 14 dự án với tổng ngân sách 163 tỷ đồng, trong đó có chương trình bảo tồn sao la tại Bắc Hướng Hóa, hỗ trợ sinh kế rừng và mô hình nông lâm kết hợp tại huyện Hướng Hóa (cũ), giảm thiểu rác thải nhựa tại Đông Hà và đảo Cồn Cỏ…
Trong đó với nội dung phát hiện và bảo tồn loài sao la trong tự nhiên, dự án đã hỗ trợ trang thiết bị (máy, dụng cụ bảo hộ), tập huấn và thiết lập bẫy ảnh ở 68 vị trí tiềm năng tại lâm phần của rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị. Hiện các cán bộ, nhân viên chờ thu bẫy ảnh.
Đặc biệt, chương trình Giải pháp thuận thiên trong lâm nghiệp và môi trường giai đoạn 2025-2030, với ngân sách hơn 114 tỷ đồng vừa phê duyệt vào tháng 6 được kỳ vọng đóng góp không nhỏ về bảo tồn rừng, đa dạng sinh học và phát triển cộng đồng.

Trồng cà phê dưới tán rừng là mô hình nông - lâm kết hợp gắn với phục hồi rừng tự nhiên tại xã Hướng Phùng, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: T.HOÀNG.
Theo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị, tại hội nghị công bố Chiến lược bảo tồn Trung Trường Sơn giai đoạn 2026-2030 tổ chức ở phường Đông Hà, ông Thibault Ledecq - Giám đốc Bảo tồn WWF-Việt Nam, đã chia sẻ: “WWF-Việt Nam mong muốn cùng các đối tác xây dựng Trung Trường Sơn trở thành cảnh quan kiểu mẫu, nơi các giải pháp dựa vào thiên nhiên không chỉ bảo tồn được những giá trị sinh học quý giá mà còn mang lại sinh kế bền vững và khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu cho cộng đồng địa phương”.