Báo Thế giới và Việt Nam: Định vị chính mình trên con đường phát triển!

Trong không khí kỷ niệm 35 năm Ngày ra số báo đầu tiên, phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam đã có cuộc trò chuyện đặc biệt với Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Thứ trưởng đã chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về chặng đường phát triển của tờ báo, từ một tạp chí nghiên cứu chuyên ngành đến một tờ báo có uy tín và vị trí trong lòng bạn đọc cũng như trong làng báo.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng thăm gian trưng bày của Báo Thế giới và Việt Nam tại Hội báo Xuân toàn quốc năm 2023. (Ảnh: Chu Văn)

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng thăm gian trưng bày của Báo Thế giới và Việt Nam tại Hội báo Xuân toàn quốc năm 2023. (Ảnh: Chu Văn)

Thứ trưởng có thể chia sẻ đánh giá về chặng đường 35 năm của Báo Thế giới và Việt Nam, từ một tạp chí nghiên cứu của Bộ Ngoại giao đến tờ báo thường xuyên được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp trong top năm tờ báo có độ lan tỏa trên toàn quốc?

Trước tiên, xin cho phép tôi chúc mừng Báo Thế giới và Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập. So với các báo lớn khác trong cả nước, 35 năm không phải là một chặng đường dài nhất, nhưng tôi tin rằng, 35 năm qua là một giai đoạn đặc biệt, là câu chuyện đầy cảm hứng về sự hình thành, phát triển của một tạp chí nghiên cứu thuộc phạm vi một ngành, cho tới vị thế tờ báo có mức độ lan tỏa hàng đầu trên toàn quốc.

35 năm qua chính là giai đoạn đất nước tiến hành công cuộc Đổi mới, mở ra nhiều cơ hội, dư địa rộng lớn cũng như đặt ra những thách thức không nhỏ trong đổi mới báo chí. Đổi mới cho phép báo chí được thay đổi cách thức tuyên truyền, đi thẳng vào đời sống, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong khuôn khổ của pháp luật. Đổi mới từ trong tư duy đối ngoại, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập cùng với yêu cầu thông tin đối ngoại, giới thiệu cho bạn bè quốc tế biết về một Việt Nam cải cách, mở cửa, vươn lên, muốn là bạn, là đối tác tin cậy trong quan hệ quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Ngược lại, Đổi mới cũng đặt ra những thách thức về phương thức hoạt động, quản trị như tự chủ tài chính, về lấy thu bù chi, về duy trì tờ báo trong thời đại kinh tế thị trường. Trong 35 năm đó, chúng ta chứng kiến sự bùng nổ và thu hẹp dần của báo giấy, sự phát triển mạnh mẽ của báo điện tử và sự vươn lên không ngừng của mạng xã hội.

Đối mặt với cả những cơ hội và thách thức đó, Báo Thế giới và Việt Nam với lớp lớp thế hệ lãnh đạo, biên tập, nhà báo, phóng viên, những thế hệ tiền bối, những người anh, người chị, cho tới những người bạn đồng nghiệp của tôi và cả những bạn trẻ thế hệ Gen-Z ngày nay, đã ngày đêm không ngừng nỗ lực, không ngừng phấn đấu, không ngừng hoàn thiện, để đến ngày hôm nay, nếu được lựa chọn, tôi sẽ chọn “không ngừng đổi mới” làm khẩu hiệu đánh giá chung cho sự phát triển của Báo.

Lễ hòa mạng báo Quốc Tế, ngày 29/11/2000. (Ảnh tư liệu TGVN)

Lễ hòa mạng báo Quốc Tế, ngày 29/11/2000. (Ảnh tư liệu TGVN)

Sự “không ngừng đổi mới” đó thể hiện ở việc ngay từ những năm 1990, Báo đã có hợp tác với Tập đoàn Ringier (Thụy Sỹ) trong công tác xuất bản và quảng cáo; rồi việc cuối năm 2000, khi khái niệm báo trực tuyến còn xa lạ với người dân, bản điện tử của Báo đã xuất hiện trên Internet; hay gần đây nhất, Báo được Microsoft chọn làm một trong những nguồn tin quốc tế đáng tin cậy cho trang tin tức msn.com.vn. Bất cứ ai sử dụng các trình duyệt của Microsoft sẽ đều nhìn thấy thông tin của Báo trên trang khởi động.

Sự “không ngừng đổi mới” của Báo đã góp phần hoàn thành tốt những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao giao phó, đóng góp tích cực, quan trọng vào công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại; thông tin kịp thời, toàn diện đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đất nước, con người Việt Nam, hoạt động của Bộ Ngoại giao và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; giúp dư luận trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong đó thành tựu của đối ngoại đã góp phần củng cố uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam.

Ngày nay, tôi tin rằng những người thường xuyên theo dõi thông tin về đối ngoại Việt Nam đều coi Báo là một kênh đáng tin cậy. Thông tin của Báo còn lan tỏa đến độc giả của hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Định vị thương hiệu và uy tín trong làng báo chưa khi nào là dễ dàng. Theo Thứ trưởng, “đặc sản” hay lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của Báo là gì?

Sự phát triển của Internet, mạng xã hội và các phương thức truyền thông mới đang khiến môi trường truyền thông quanh ta thay đổi hàng ngày. Người dân ngày nay có rất nhiều cách khác nhau để tiếp nhận, thụ hưởng thông tin, theo sở thích, theo nhu cầu và theo thị hiếu. Vì vậy, định vị được “đặc sản” của mình là một nhiệm vụ mà bất kỳ tờ báo nào cũng phải làm nếu muốn tiếp tục phát triển.

Tôi tin rằng thông tin về đối ngoại là thế mạnh quan trọng nhất của Báo. Dù đài truyền hình nào, tờ báo nào, mạng xã hội nào cũng có thể đưa tin về các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhưng không phải đơn vị truyền thông nào cũng có thể có điều kiện, thông tin và nguồn lực để triển khai các tuyến bài một cách có hệ thống, đầy đủ và toàn diện như Báo Thế giới và Việt Nam, với lực lượng phóng viên chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm đối ngoại, sự hỗ trợ của đông đảo đồng nghiệp trong Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện ở nước ngoài. Đó là lợi thế cạnh tranh của Báo.

Vì vậy, tôi cho rằng trong thời gian tới, Báo vẫn cần tiếp tục phát huy thế mạnh này, xây dựng những nội dung vừa có tính thời sự, vừa có tính chuyên sâu hơn nữa; phát huy những lợi thế của khoa học kỹ thuật, lắng nghe dư luận, xây dựng các tuyến bài vừa phù hợp với thị hiếu, vừa phù hợp với nhiệm vụ chính trị của mình. Tùy từng thời điểm cụ thể, ta có thể đi sâu, phân tích vào các chủ đề như các hoạt động đối ngoại đang diễn ra, các vấn đề quốc tế, công tác bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ, công tác bảo hộ công dân... Báo cũng có thể tính tới việc phát triển sang các trang mạng xã hội với những hình thức tương tác với khán giả một cách linh hoạt hơn. Tuy nhiên, cần chắc chắn rằng, thông tin về công tác đối ngoại phải là kim chỉ nam, là “bản sắc” không thể nhầm lẫn của báo.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chúc mừng Báo Thế giới và Việt Nam nhân dịp 21/6.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chúc mừng Báo Thế giới và Việt Nam nhân dịp 21/6.

Với cả sức ép và động lực đổi mới của báo chí hiện đại, Thứ trưởng kỳ vọng như thế nào về chặng đường phát triển tiếp theo của báo, song hành cùng sứ mệnh ngày càng lớn lao nhưng tự hào của Bộ Ngoại giao trong kỷ nguyên mới của đất nước?

Đứng trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, công tác đối ngoại của chúng ta sẽ phải chủ động hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, sáng tạo hơn nữa để đáp ứng được nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó, kỳ vọng của nhân dân. Là tờ báo duy nhất của Bộ Ngoại giao, Báo Thế giới và Việt Nam cần có những chuyển biến tương ứng, vừa đồng hành, đóng góp vào công tác chung của Bộ Ngoại giao, vừa hoàn thành những nhiệm vụ riêng, đưa tờ báo ngày càng phổ biến trong nước cũng như quốc tế. Đây là hai nhiệm vụ khó khăn, nhưng không phải đối lập mà có mối quan hệ mật thiết với nhau. Hoàn thành tốt nhiệm vụ này sẽ là tạo điều kiện cho nhiệm vụ kia được hoàn thiện và ngược lại.

Với tinh thần đó, tôi mong Báo tiếp tục khẩu hiệu “không ngừng đổi mới”, không chỉ trên các ấn phẩm truyền thống mà còn mở rộng sang các phương tiện truyền thông mới, truyền thông hiện đại. Tôi mong chờ một ngày được nhìn thấy những hình ảnh về công tác đối ngoại của Bộ Ngoại giao “viral” thông qua tài khoản của Báo trên TikTok, được xem những phóng sự chất lượng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài thông qua tài khoản của Báo trên YouTube cũng như được đọc những bình luận đầy hào hứng, tích cực của nhân dân về chủ quyền biển đảo quốc gia thông qua tài khoản của báo trên Facebook. Tôi mong chờ Báo không chỉ được thể hiện bằng tiếng Việt, tiếng Anh mà còn bằng những ngôn ngữ khác với những cách thể hiện phù hợp với từng ngôn ngữ, từng thị hiếu.

Nhân dịp kỷ niệm đặc biệt này, Thứ trưởng có điều gì muốn nhắn nhủ, “truyền lửa” cho các phóng viên, biên tập viên của Báo?

Trong suốt 35 năm xây dựng và trưởng thành, Báo đã đạt nhiều thành tích quan trọng, được Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao ghi nhận và đánh giá cao.

Nhân dịp này, trước hết, tôi muốn bày tỏ sự tri ân, đánh giá cao tới những cán bộ đi trước, những thế hệ đầu tiên đầu tiên đã đặt nền móng cho tờ báo, những lãnh đạo, biên tập viên, nhà báo, phóng viên tiền bối đã đặt nền móng cho tờ báo của chúng ta.

Tôi cũng đánh giá cao đội ngũ lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên và người lao động của báo về tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn và đặc biệt là sự “đam mê”, cống hiến cho tờ báo ngày càng phát triển.

Trong giai đoạn tới, tôi mong Báo tiếp tục giữ vững tinh thần quyết liệt, sự nỗ lực và đổi mới đó, kết hợp với bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ kiến thức sâu sắc, kỹ năng làm báo hiện đại và chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật để mở rộng phạm vi tiếp cận, thu hút sự tương tác với bạn đọc trong và ngoài nước.

Tôi tin tưởng rằng, được sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong Bộ, sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên tòa soạn, Báo sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ, lan tỏa rộng rãi hơn nữa, trở thành cầu nối gắn kết Thế giới với Việt Nam.

Phạm Hằng (thực hiện)

Phạm Hằng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-the-gioi-va-viet-nam-dinh-vi-chinh-minh-tren-con-duong-phat-trien-295452.html
Zalo