Bảo tàng 'lên đời'- Bài 2: Mang bảo tàng… đến trường, ra phố

Các bảo tàng ở Đà Nẵng luôn làm mới, hấp dẫn khán giả bằng các hoạt động, sự kiện mang tính tương tác, trải nghiệm gắn với các chủ đề triển lãm. Vượt ra khỏi không gian vật lý, bảo tàng giờ đây đã … đến trường, ra phố để phục vụ công chúng.

Ðến bảo tàng không chỉ để xem

Sáng cuối tuần, không gian học tập trẻ em của Bảo tàng Đà Nẵng rộn rã tiếng cười nói. Phụ huynh dắt theo con nhỏ, các bạn trẻ từng nhóm đến trải nghiệm workshop làm tiêu bản côn trùng. Căn phòng nhanh chóng kín người, một nhân viên bảo tàng bắt đầu hướng dẫn lý thuyết cho những người tham gia. Phía ngoài, những người khác chuẩn bị dụng cụ, sắp xếp trên chục chiếc bàn gỗ. Hộp tiêu bản với hàng chục con bướm đủ màu sắc cũng sẵn sàng để các học viên lựa chọn.

 Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ứng dụng mỹ thuật trong đời sống.

Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ứng dụng mỹ thuật trong đời sống.

Biết thông tin về workshop qua fanpage, Ngô Thủy Tiên (17 tuổi) cùng bạn đăng ký tham gia. Trước đó, tham quan triển lãm côn trùng ở bảo tàng, Tiên thấy thu hút và bắt đầu tìm tòi về việc làm tiêu bản. “Từ lần đầu tổ chức, em đã muốn đăng ký nhưng không kịp. Link đăng ký chỉ mở khoảng 5 - 10 phút là đã hết chỗ. Em thấy trải nghiệm này thực sự rất thú vị, em học được nhiều kiến thức mới mẻ và cũng lần đầu được tự tay làm một tiêu bản bướm”, Tiên cho hay.

Qua 5 lần tổ chức, workshop làm tiêu bản côn trùng thu hút đông đảo các bạn trẻ, các gia đình trẻ đăng ký. Mỗi buổi đều có 2 suất, mỗi suất nhận khoảng 30 học viên, mỗi lần mở đăng ký đều nhanh chóng kín suất. Đó cũng chỉ là một trong rất nhiều hoạt động mà Bảo tàng Đà Nẵng triển khai trong dịp hè năm nay. Mỗi hoạt động đều hướng đến các bạn học sinh, sinh viên và gắn với các hoạt động, triển lãm của bảo tàng như: Khám phá đại dương qua lăng kính Bảo tàng, Gametour Góc phố Tourance, Bảo tàng hạnh phúc, Hội chợ mùa hè, Workshop Trải nghiệm cà phê, Làm đèn lồng, Móc len…

 Các triển lãm giữa sân trường thu hút học sinh.

Các triển lãm giữa sân trường thu hút học sinh.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng ví von mùa hè như là mùa sự kiện của bảo tàng với hàng chục hoạt động lớn nhỏ gắn liền với các chủ đề triển lãm, các cuộc triển lãm được tổ chức song song. “ Bây giờ, giới trẻ có nhiều sự lựa chọn để giải trí, vui chơi, nếu không đủ hấp dẫn, thú vị thì không thể thu hút các bạn. Qua các chương trình đã được tổ chức, chúng tôi tự hào vì các bạn trẻ tham gia rất đông, lượt tham quan bảo tàng của các bạn trẻ cũng tăng lên đáng kể”, ông Thiện nói.

Thời gian qua, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cũng hấp dẫn giới trẻ bằng nhiều hoạt động workshop, sự kiện độc đáo gắn liền với thế mạnh chuyên môn của mình. Đến đây, các bạn trẻ được thỏa sức sáng tạo với những trải nghiệm mới lạ như: in tranh dân gian Đông Hồ, làm tranh đồ họa, vẽ tranh trên đá cuội, làm đồ chơi bằng vật liệu tái chế, nặn đất sét, trang trí túi vải, in tranh từ lá cây… Từng đến tham quan bảo tàng để chụp ảnh check-in, chị Nguyễn Hoài Như (30 tuổi, phường Sơn Trà) tình cờ tham gia workshop vẽ tranh trên đá cuội rồi từ đó trở thành khách quen của nơi này.

Theo bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, đơn vị chú trọng phát triển các chương trình giáo dục và trải nghiệm sáng tạo dành cho giới trẻ, đặc biệt là học sinh, thiếu nhi. “Chúng tôi cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến thanh thiếu niên có hoàn cảnh bất hạnh, khuyết tật, mồ côi, có năng khiếu nhưng khó có cơ hội tiếp cận nghệ thuật. Triển lãm “Nâng cánh ước mơ” được tổ chức từ năm 2018 đến nay với mục đích trên đã trở thành nhịp cầu nhân ái, góp phần khơi dậy niềm tin, tạo động lực phấn đấu trong các bạn trẻ kém may mắn”, bà Trinh chia sẻ.

Mang bảo tàng… đến trường, ra phố

Các em học sinh, sinh viên ở Đà Nẵng không còn xa lạ gì với những không gian triển lãm ở ngay sân trường hay sảnh các khối lớp học. Vượt ra khỏi không gian bảo tàng, những hiện vật mang theo giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật tiếp cận gần gũi với người trẻ, ở trong chính không gian quen thuộc của người trẻ để kể chuyện.

 Nhiều bạn trẻ tham quan triển lãm do Nhà trưng bày Hoàng Sa tổ chức ở Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi)

Nhiều bạn trẻ tham quan triển lãm do Nhà trưng bày Hoàng Sa tổ chức ở Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi)

Dịp kỉ niệm 50 năm Giải phóng Đà Nẵng, các em học sinh ở xã vùng núi xa xôi Hòa Bắc (huyện Hòa Vang cũ) háo hức khi một triển lãm hoành tráng được tổ chức ngay giữa sân trường. 30 phiên bản ký họa về Đà Nẵng sau ngày Giải phóng, 30 tác phẩm nhiếp ảnh tiêu biểu của nghệ sĩ Ông Văn Sinh ghi lại quá trình chuyển mình và vươn lên mạnh mẽ của thành phố bên sông Hàn được trưng bày giữa không gian núi rừng Hòa Bắc.

Đối với nhiều học sinh của trường THCS Nguyễn Tri Phương, đây có lẽ là lần đầu các em được thưởng lãm một triển lãm quy mô, được trò chuyện, giao lưu với chính các tác giả, được chứng kiến những lát cắt về quá khứ và hiện tại đầy hào hùng của quê hương. “Hoạt động đưa bảo tàng đến trường học được chúng tôi duy trì nhiều năm nay. Bên cạnh ý nghĩa giáo dục, đó còn là cầu nối để công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ biết đến Bảo tàng Mỹ thuật”, bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, cho hay.

Mới đây, Nhà trưng bày Hoàng Sa cũng phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi tổ chức triển lãm tại huyện đảo Lý Sơn (nay là đặc khu Lý Sơn) với chủ đề “Quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam”. Hơn 200 tư liệu hình ảnh, bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (nay là đặc khu Hoàng Sa) vượt hàng trăm cây số để đến với người dân Lý Sơn.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Nhà trưng bày Hoàng Sa đón khoảng 20 nghìn lượt khách đến tham quan và tìm hiểu, hơn một nửa trong số đó là các bạn trẻ. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ thay đổi cách thuyết minh, kể chuyện để phù hợp, gần gũi với giới trẻ. Bên cạnh đó, không gian trưng bày sẽ liên tục được làm mới để sống động, hấp dẫn, trẻ trung hơn”.

Ông Lê Tiến Công, Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa

Như Giám đốc Nhà Trưng bày Hoàng Sa Lê Tiến Công ví von đây là một cuộc hồi hương của tư liệu. Bởi mảnh đất này là quê hương của Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và cũng là nơi cung cấp nhiều tư liệu quý khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa cho bảo tàng.

Nhiều năm nay, Nhà trưng bày Hoàng Sa phối hợp với Thành Đoàn Đà Nẵng và Vùng 3 Hải quân đưa những triển lãm về chủ quyền biển đảo đến với hàng chục trường TH, THCS, THPT, ĐH và CĐ trên địa bàn. Những hiện vật lịch sử kể chuyện cho hàng nghìn người trẻ giữa sân trường. “Mỗi đợt triển lãm, chúng tôi cũng bổ sung, làm mới khoảng 20 - 30% các hiện vật, tài liệu trưng bày. Đó cũng là cách để Nhà trưng bày tiếp cận gần hơn đến các bạn học sinh, sinh viên, để các bạn biết và đến với Nhà trưng bày trong tương lai”, ông Công cho hay.

(Còn nữa)

Giang Thanh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bao-tang-len-doi-bai-2-mang-bao-tang-den-truong-ra-pho-post1760491.tpo
Zalo