Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh – Nơi những bức ảnh 'biết nói'
Tọa lạc ở phường Xuân Hòa, TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh không chỉ là một địa điểm tham quan mà còn là 'nhân chứng sống' về lịch sử, là nơi lưu giữ hàng ngàn bức ảnh 'biết nói' đã và đang chạm đến trái tim của hàng nghìn du khách.
Để ghi lại những chứng tích anh hùng của quân và dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đồng thời tố cáo tội ác và hậu quả tàn khốc của chiến tranh xâm lược, ngày 4/9/1975, Nhà Trưng bày tội ác Mỹ - Ngụy đã được mở cửa phục vụ công chúng. Sau đó, vào ngày 10/11/1990, tên gọi của nhà trưng bày được đổi thành Nhà Trưng bày Tội ác Chiến tranh xâm lược, và đến ngày 4/7/1995, nơi này chính thức trở thành Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh như ngày nay.

Bức ảnh Rừng đước bị phá hủy bởi chất độc hóa học trong chiến tranh tại Cà Mau, do tác giả người Nhật ghi lại khoảng khắc vào ngày 6/5/1976, đang được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, phường Xuân Hòa, TP Hồ Chí Minh.



Hình ảnh về những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam đang trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, phường Xuân Hòa, TP Hồ Chí Minh.
Gần 50 năm kể từ khi thành lập, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đã và đang thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về những chứng tích tội ác và hậu quả của chiến tranh. Hiện tại, bảo tàng sở hữu hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, trong đó hơn 1.500 tài liệu, hiện vật đã được giới thiệu qua 8 chuyên đề trưng bày thường xuyên.
Các phòng trưng bày của bảo tàng lần lượt dẫn dắt người tham quan qua từng giai đoạn khác nhau của cuộc chiến tranh. Từ hình ảnh về cuộc sống thường ngày của người dân trong bom đạn, những khoảnh khắc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, đến những hậu quả tàn khốc chiến tranh để lại, tất cả đều được phản ánh chân thực qua những bức ảnh.
Em Vũ Hoàng Bảo Trân, đến từ Hà Nội chia sẻ: "Con đã tìm hiểu thông tin về Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh trên mạng xã hội, sau khi tham quan xong, con không ngờ hậu quả của chiến tranh lại nặng nề đến vậy. Là một người không sống trong chiến tranh, con cảm thấy rất trân trọng công sức mà ông cha ta đã bỏ ra để đổi lại nền độc lập, hòa bình cho đất nước".

Khách tham quan tìm hiểu thông tin về các hình ảnh, hiện vật về những chứng tích tội ác và hậu quả của chiến tranh.

Phòng trưng bày những hình ảnh về những tội ác trong chiến tranh luôn hút khách tham quan.
“Đây là lần đầu tôi tham quan bảo tàng, tôi rất ấn tượng với những hình ảnh được trưng bày về chiến tranh tại đây, chiến tranh rất tàn khốc. May mắn thay, hòa bình đã đến. Thật đáng suy ngẫm khi chứng kiến những lực lượng hủy diệt đã được sử dụng trong chiến tranh và chất độc da cam. Theo quan điểm của tôi, đó là một tội ác", ông Grahame Symon, một du khách New Zealand chia sẻ.
Đặc biệt, khu vực trưng bày về những hậu quả do chất độc hóa học gây ra trong chiến tranh luôn khiến người xem phải suy nghĩ, trong đó những bức ảnh về các em bé sinh ra với hình hài dị dạng, những nạn nhân mang di chứng nặng nề qua nhiều thế hệ vẫn hiện diện trong tâm thức của nhiều du khách trong nước và quốc tế khi đến tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.



Phòng trưng bày về hậu quả của chất độc hóa học trong chiến tranh luôn khiến du khách quốc tế phải suy nghĩ, trầm tư.


Phòng trưng bày các hiện vật, hình ảnh kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thu hút đông đảo khách tham quan.
Ngoài ra, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh còn là nơi để các thế hệ trẻ học tập về tinh thần đấu tranh bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, về ý thức chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình và tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc.
Mỗi năm, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đón khoảng 500.000 lượt khách tham quan, là một trong những địa chỉ văn hóa du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.