Bão số 4 vẫn 'loanh quanh' ở Biển Đông, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo ứng phó mưa lớn
Lúc 4 giờ sáng nay, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 120,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây đảo Lu Dông (Philippines). Trên đất liền nước ta, mưa lớn vẫn còn diễn biến phức tạp.
Bão số 4 không đổ bộ vào đất liền nước ta song gây mưa lớn
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng sớm nay (25/7) bão số 4 (bão Cỏ mau) đã đổ bộ vào khu vực phía Tây đảo Lu Dông (Philippines). Hồi 4 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 120,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây đảo Lu Dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102km/giờ), giật cấp 12; di chuyển theo hướng Đông Bắc với tốc độ khoảng 10 km/h.
Vị trí và đường đi của bão số 4 lúc sáng nay.
Dự báo đến 4h ngày 26/7, bão di chuyển theo hướng Đông Bắc với tốc độ khoảng 20–25 km/h và có xu hướng suy yếu dần. Vị trí tâm bão lúc này ở khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc – 123,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc của đảo Lu Dông (Philippines). Cường độ bão ở mức cấp 6, giật cấp 8. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới nằm trong khoảng từ 15,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 119,5 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai đối với vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông là cấp 3.
Đến 16h ngày 26/7, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Đông Bắc với tốc độ khoảng 25–30 km/h và tiếp tục suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 24,0 độ Vĩ Bắc – 125,1 độ Kinh Đông. Cường độ dưới cấp 6.
Do ảnh hưởng của bão, ngày hôm nay (25/7) vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12; sóng biển cao 4,0-6,0m. Biển động rất mạnh.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Để ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 và rãnh áp thấp do bão số 4 gây nên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và một số tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn, lũ, ngập lụt. Dự báo từ tối 24/7 đến đêm 25/7, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, khu đô thị, khu công nghiệp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương huy động nguồn lực khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua; theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và thông tin kịp thời, đầy đủ cho các cấp chính quyền cơ sở và người dân để chủ động phòng tránh.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy những nơi bị tắc, nghẽn; tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn, nhất là những khu vực đã xảy ra mưa lớn những ngày vừa qua.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua nếu không bảo đảm an toàn, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Kiểm tra, rà soát, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình xung yếu, các công trình đang thi công, nhất là các vị trí đê điều đã bị sự cố, hồ chứa nhỏ đã đầy nước; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết hồ chứa và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Chủ động biện pháp tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung dân cư. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Nhiều tỉnh có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 6 giờ qua (từ 23 giờ ngày 24/7 đến 05 giờ ngày 25/7), khu vực các tỉnh Điện Biên, Sơn La và Tuyên Quang đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Mường Tùng 149,4mm, Lay Nưa 104,4mm (Điện Biên); Tân Lập2 144,8mm, Chiềng Lao2 123,4mm (Sơn La); Hồ Thâù2 80,2mm, Nấm Dẩn 63,8mm (Tuyên Quang);... Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến như sau: các tỉnh Điện Biên và Sơn La từ 20-50mm, có nơi trên 100mm; Tuyên Quang từ 10-30mm, có nơi trên 70mm.
Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều xã/phường. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1. Các điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất gồm:
Điện Biên: Mường Tùng; P. Mường Lay, Pú Nhung, Sáng Nhè; Chà Tở, Mường Chà, Nà Bủng, Nà Hỳ, Na Sang, Nậm Kè, Nậm Nèn, Pa Ham, Quảng Lâm, Si Pa Phìn, Sín Chải, Sính Phình, Tủa Thàng.
Sơn La: Chiềng Lao; Mường Chiên, Mường Giôn, Mường Khiêng, Mường La, Mường Sại, P. Mộc Châu, Quỳnh Nhai, Tân Yên; Bình Thuận, Bó Sinh, Chiềng Hặc, Chiềng Hoa, Chiềng Khương, Chiềng La, Chiềng Mai, Chiềng Mung, Chiềng Sại, Co Mạ, Đoàn Kết, Kim Bon, Long Hẹ, Lóng Phiêng, Lóng Sập, Mai Sơn, Muổi Nọi, Mường Bú, Mường Chanh, Mường É, Mường Hung, Mường Lầm, Nậm Lầu, Nậm Ty, P. Chiềng An, P. Chiềng Cơi, P. Chiềng Sinh, P. Mộc Sơn, P. Thảo Nguyên, P. Tô Hiệu, P. Vân Sơn, Phiêng Cằm, Phiêng Khoài, Phiêng Pằn, Phù Yên, Tà Hộc, Tạ Khoa, Tân Phong, Thuận Châu, Tô Múa, Tường Hạ, Yên Châu
Tuyên Quang: Hồng Thái; Bình An, Bình Xa, Côn Lôn, Đồng Yên, Hàm Yên, Hồ Thầu, Hùng An, Lâm Bình, Minh Quang, Nà Hang, Nấm Dẩn, Pà Vầy Sủ, Thái Sơn, Thượng Lâm, Thượng Nông, Tiên Yên, Yên Cường, Yên Hoa.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh, ứng phó.