Bão số 3 khó lường, tuyệt đối không được chủ quan
Chiều 21/7, kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại Ninh Bình, quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng nhấn mạnh, bão số 3 (Wipha) diễn biến nhanh, khó lường, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Ông yêu cầu các tỉnh, thành phải chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi bão đổ bộ và mưa lũ sau bão.
Theo Báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình, tính đến 10h ngày 21/7/2025, Ninh Bình chưa ghi nhận thiệt hại về người, các phương án phòng chống, ứng phó bão số 3 (bão WIPHA) đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đảm bảo an toàn công trình, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình, ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành công điện khẩn, UBND tỉnh đã ban hành liên tiếp các công điện, văn bản chỉ đạo, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương triển khai các phương án ứng phó bão số 3 theo phương châm “4 tại chỗ”. Sở Nông nghiệp và Môi trường đã thành lập các đoàn công tác, kiểm tra các trọng điểm xung yếu, phương án hộ đê, bảo vệ công trình đang thi công, đảm bảo vận hành hệ thống thủy lợi sẵn sàng tiêu thoát nước.

Quyền Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng đã đến kiểm tra công tác phòng chống bão tại khu vực Cảng cá Quần Vinh và Khu neo đậu tầu thuyền tránh trú bão (xã Rạng Động); kè Thịnh Long (xã Hải Thịnh).
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.217 km đê các loại, 46 hồ chứa, gần 900 cống và hơn 1.600 trạm bơm sẵn sàng vận hành. Nhiều công trình đã được kiểm tra, gia cố, đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ. Hệ thống đê điều, hồ đập được giám sát chặt chẽ, bố trí lực lượng tuần tra, canh gác liên tục 24/24 giờ.
Về sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh đã gieo cấy hơn 110.620 ha lúa Mùa, 12.350 ha rau màu, đến nay chưa có diện tích bị ngập úng. Ngành nông nghiệp hướng dẫn các địa phương chủ động tiêu, rút nước đệm, đảm bảo an toàn cho diện tích lúa mới gieo sạ. Công tác chăn nuôi được kiểm tra, yêu cầu các trang trại, hộ chăn nuôi gia cố chuồng trại, dự trữ thức ăn, nước uống cho vật nuôi, hạn chế thiệt hại khi mưa bão kéo dài.
Đối với lĩnh vực thủy sản, toàn tỉnh có hơn 1.860 tàu cá với gần 5.700 lao động đã vào nơi tránh trú an toàn, đồng thời cấm biển từ 7h ngày 21/7 để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Lực lượng kiểm lâm rà soát 68 điểm có nguy cơ sạt lở, phối hợp địa phương lên phương án sẵn sàng sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
Ông Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, yêu cầu các địa phương chủ động chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân trước bão số 3; luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với bão, khi có tình huống phát sinh bất ngờ cần báo cáo ngay về sở chỉ huy của tỉnh để kịp thời triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Ông Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình (thứ 2 từ trái sang) báo cáo nhanh với quyền Bộ trưởng về công tác phòng chống bão ở Ninh Bình (Ảnh: Trần Hồng)
Đồng thời kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn lực nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê kè, công trình phòng chống thiên tai trọng yếu, xử lý các điểm sạt lở đê biển, tăng cường trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng nhấn mạnh:” Tôi từng chứng kiến cơn bão Yagi năm ngoái, thực sự khủng khiếp. Cơn bão đó đã nhấc bổng một mái nhà rộng khoảng 400 m², được lợp tôn rất kiên cố, ép sát vào bờ tường nhưng vẫn bị gió bão hất tung, ném văng ra xa 200 mét. Chứng kiến cảnh đó, ai cũng sợ, nhất là khu vực này lại không có dải tre chắn gió nên càng tiềm ẩn nguy hiểm, rủi ro cao khi bão đổ bộ. Tôi nhắc lại để các đồng chí, bà con nhân dân luôn chủ động các phương án phòng chống bão, mưa lũ, tuyệt đối không được chủ quan trong mọi tình huống”.