Bão lũ gây thiệt hại tại nhiều nước

Tân Hoa Xã hôm 3-7 đưa tin mưa lớn ở tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc, đã ảnh hưởng đến gần 1 triệu người, buộc 242.000 người sơ tán.

Theo Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp tỉnh An Huy, thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề tại 36 quận, huyện ở 7 thành phố, trong khi mực nước đoạn sông Dương Tử đi qua tỉnh này tiếp tục dâng cao.

Mực nước cũng vượt mức bảo đảm hoặc mức báo động ở 20 con sông và 6 hồ chứa. Những trận mưa lớn không ngừng đã khiến 3 thành phố Mã An Sơn, Vu Hồ và Đồng Lăng ở An Huy phải nâng mức ứng phó khẩn cấp với lũ lụt lên cấp độ III.

Lũ lụt còn tàn phá nặng nề các khu vực của TP Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, nhấn chìm nhiều khu dân cư, phá hoại cầu cống, nước lũ tràn bờ và đê bị đe dọa.

Mưa lớn cũng gây lũ lụt và lở đất ở miền Bắc và Đông Bắc Ấn Độ - theo Reuters hôm 2-7. Ít nhất 9 người thiệt mạng trong các sự cố liên quan đến mưa lớn tại bang Uttar Pradesh. Hai người khác thiệt mạng ở bang Assam, nơi hứng chịu đợt lũ lụt thứ 2 kể từ ngày 16-6, ảnh hưởng đến hơn 600.000 người ở 19 huyện và khiến hơn 8.000 người phải di dời.

Còn tại khu vực Đông Bắc của nước láng giềng Bangladesh, tình hình lũ lụt đang trở nên tồi tệ nhanh chóng do mưa liên tục và dòng nước chảy ngược từ Ấn Độ, khiến hàng chục ngàn người dân bị mắc kẹt.

Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân bị mắc kẹt do mưa lũ ở huyện Bình Giang, TP Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam - Trung Quốc hôm 2-7 Ảnh: REUTERS

Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân bị mắc kẹt do mưa lũ ở huyện Bình Giang, TP Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam - Trung Quốc hôm 2-7 Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, bão Beryl trong ngày 3-7 tiếp tục di chuyển về phía Jamaica sau khi quét qua vùng Đông Nam Caribe, gây ra sự tàn phá rộng lớn trên đường đi. Ít nhất 6 người thiệt mạng được ghi nhận ở Grenada, St. Vincent và Grenadines, Venezuela.

Riêng tại đảo quốc St. Vincent và Grenadines, Thủ tướng Ralph Gonsalves cho biết bão đã phá hủy khoảng 90% ngôi nhà trên đảo Union, đồng thời lo ngại các đảo Myreau và Canouan cũng hứng chịu mức độ tàn phá tương tự.

Dù đã suy yếu từ cấp 5 xuống cấp 4 (thang bão Saffir-Simpson) nhưng cơn bão vẫn được đánh giá là "cực kỳ nguy hiểm", đặc biệt khi nó đi qua gần Jamaica hôm 3-7 và gần quần đảo Cayman ngày 4-7, theo đài Al Jazeera.

Tại cuộc hội thảo do Tổ chức Khí tượng thế giới tổ chức hôm 2-7, các chuyên gia cảnh báo châu Mỹ Latin và vùng Caribe nên chuẩn bị sẵn sàng cho sự xuất hiện của hiện tượng La Nina. Hiện tượng thời tiết này đe dọa mùa bão ở Đại Tây Dương năm nay thêm đáng lo. Ngoài ra, La Nina có thể gây ra các đợt hạn hán lịch sử ở Nam Mỹ như giai đoạn 2020 - 2023.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bao-lu-gay-thiet-hai-tai-nhieu-nuoc-196240703210954111.htm
Zalo