Bão lũ dữ dội ở loạt nước châu Á, thiệt hại lớn
Mưa bão hoành hành khắp châu Á, Hàn Quốc hứng trận mưa lũ lịch sử, nhiều nơi khác trong khu vực phải đương đầu với bão Wipha với sức tàn phá lớn.
Những ngày qua, mưa bão hoành hành tại nhiều khu vực châu Á, từ mưa lũ kỷ lục ở Hàn Quốc đến bão Wipha cường độ mạnh quét qua nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bão Wipha quét qua Hong Kong, tiếp tục tiến về Việt Nam, Lào
Trưa 20-7, Đài thiên văn Hong Kong (Trung Quốc) thông báo duy trì tín hiệu bão cấp 10 (mức cao nhất trong thang đo bão của Hong Kong) đối với bão Wipha đến 3 giờ chiều cùng ngày, do bão dự kiến sẽ bắt đầu rời khỏi TP vào khoảng thời gian này.
Tín hiệu cấp 10, mức cảnh báo cao nhất, đồng nghĩa với việc dự kiến có gió tốc độ trung bình từ 118 km/giờ trở lên. Đài thiên văn Hong Kong cho biết sẽ cân nhắc hạ mức cảnh báo xuống tín hiệu bão cấp 8 (tương đương gió mạnh hoặc bão) tùy theo mức độ suy yếu của gió tại địa phương.

Bão Wipha đổ bộ vào Hong Kong (Trung Quốc) vào ngày 20-7. Ảnh: HK01
Theo tờ South China Morning, tính đến trưa 20-7, bão Wipha đã làm hai người tại Hong Kong bị thương và hàng trăm người phải trú ẩn. Thời tiết xấu được còn tiếp diễn trong ngày, với mưa rào kèm gió giật mạnh.
Đặc khu hành chính Macao cũng phát tín hiệu bão cấp 10 vào 12 giờ 30 trưa 20-7 (giờ địa phương), theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.
Toàn bộ các phương tiện giao thông công cộng ở Macao đã bị tạm dừng, bao gồm cả giao thông trên bốn cây cầu vượt biển. Theo Cục Hàng không Dân dụng Macao, tính đến trưa 20-7, tổng cộng 140 chuyến bay đã bị hủy và 13 chuyến bị thay đổi lịch trình.
Chính quyền Macao tuyên bố bước vào “giai đoạn phòng ngừa khẩn cấp” vào sáng 20-7, đồng thời phát đi cảnh báo màu vàng với tình trạng nước dâng. Tín hiệu bão cấp 8 và cấp 9 lần lượt được phát lúc 4 giờ sáng và 11 giờ sáng cùng ngày theo giờ địa phương.
Tại Trung Quốc, hai tỉnh Hải Nam và Quảng Đông ở miền nam Trung Quốc được đặt trong tình trạng báo động cao đón bão Wipha đổ bộ vào chiều tối 20-7.
Tại TP Chu Hải (tỉnh Quảng Đông), sáng 20-7, giới chức địa phương đã nâng cảnh báo bão lên mức đỏ và kích hoạt ứng phó khẩn cấp cấp I đối với bão, Tân Hoa Xã dẫn thông báo của cơ quan khí tượng địa phương.
Lúc 8 giờ 30 sáng 20-7, tỉnh Hải Nam đã nâng mức ứng phó khẩn cấp đối với lũ lụt và bão từ cấp IV lên cấp III do dự báo gió mạnh và mưa lớn sẽ ảnh hưởng đến tỉnh đảo này trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 22-7, theo Cục quản lý tình trạng khẩn cấp của tỉnh.
Trước đó, Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc đã phát đi cảnh báo màu vàng đối với bão Wipha vào ngày 19-7. Trung Quốc áp dụng hệ thống ứng phó khẩn cấp gồm bốn cấp, trong đó cấp I là mức cao nhất. Hệ thống cảnh báo thời tiết cũng chia làm bốn cấp, với màu đỏ là mức nghiêm trọng nhất, tiếp theo là cam, vàng và xanh.
Bão được dự báo mang theo mưa lớn dọc theo bờ biển phía nam Trung Quốc và sau đó sẽ suy yếu khi tiếp tục di chuyển về phía tây, hướng tới Việt Nam và Lào.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Việt Nam dự báo rằng từ ngày 21-7 tác động của bão số 3 Wipha đến đất liền sẽ gia tăng rõ rệt, gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Trước đó, trong ngày 19-7, bão Wipha đã quét qua Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines. Dù đã di chuyển ra khỏi đảo Đài Loan nhưng các dải mây ngoài của bão vẫn tiếp tục gây mưa lớn tại khu vực phía đông và phía nam hòn đảo trong ngày 20-7.
Tại Philippines, cơn bão đã làm bốn người mất tích, ba người bị thương và hơn 100.000 người bị ảnh hưởng, theo Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai Quốc gia Philippines.
Tên bão Wipha là một từ tiếng Thái Lan, dùng để đặt tên cho phụ nữ và có nghĩa là “lộng lẫy” hoặc “rực rỡ”.
Mưa lũ “trăm năm có một” tại Hàn Quốc
Ngày 20-7, chính phủ Hàn Quốc đã thành lập một đội hỗ trợ phục hồi liên ngành sau nhiều ngày mưa lớn và lở đất trên toàn quốc khiến 10 người thiệt mạng, 9 người mất tích và gần 13.000 người phải di dời, hãng thông tấn Yonhap đưa tin.

Một ngôi làng bị tàn phá do trận lở đất sau mưa lớn ở huyện Sancheong, tỉnh South Gyeongsang (Hàn Quốc) ngày 19-7. Ảnh: YONHAP
Nhà chức trách đã ghi nhận 1.920 trường hợp đường ngập, sạt lở đất và cơ sở hạ tầng công cộng bị phá hủy, cùng 2.234 trường hợp thiệt hại đối với tài sản cá nhân, như nhà cửa và đất canh tác do mưa lớn ở Hàn Quốc.
Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc Yun Ho-jung ngày 20-7 cho biết chính phủ sẽ chuyển trọng tâm từ ứng phó mưa lũ sang khắc phục thiệt hại. “Bộ Nội vụ, các bộ liên quan và chính quyền địa phương bị ảnh hưởng sẽ huy động toàn bộ nguồn lực sẵn có để khẩn trương triển khai công tác khôi phục khẩn cấp” - ông Yun nói.
Theo ông Yun, chính phủ sẽ nhanh chóng khảo sát mức độ thiệt hại và đưa ra kiến nghị lên Tổng thống Lee Jae Myung về việc công nhận các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề là vùng thảm họa đặc biệt.
Cùng ngày, Thủ tướng Kim Min-seok đã chỉ đạo Bộ trưởng Nông nghiệp Song Mi-ryung đến huyện Sancheong ở miền Nam để khảo sát thực tế và xây dựng các biện pháp hỗ trợ, theo thông báo từ văn phòng Thủ tướng.
Thủ tướng Kim cũng yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc đến các khu vực bị ảnh hưởng vào ngày 21-7 để thăm hỏi người dân và đưa ra các kế hoạch hỗ trợ cụ thể.
Các phản ứng trên được đưa ra sau một đợt mưa lớn kéo dài bốn ngày, được các chuyên gia mô tả là hiện tượng thời tiết cực đoan hiếm gặp, chỉ xảy ra khoảng một lần trong 100 đến 200 năm.
Các chuyên gia nói với tờ Korea Times rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân đứng sau sự gia tăng về cường độ và tần suất của các trận mưa lớn đang ảnh hưởng đến bán đảo Triều Tiên, với những hiện tượng thời tiết cực đoan vốn hiếm gặp nhưng nay xuất hiện hằng năm ở nhiều khu vực.
Đợt ngập lụt lần này bắt nguồn từ hiện tượng gọi là “hệ thống đối lưu chuỗi” khi một dải mây vũ tích hẹp hình thành giữa hai khối không khí khác nhau. Dải mây dài và mỏng này lơ lửng trên một số vùng của đất nước, đổ xuống lượng hơi ẩm khổng lồ. Gió tây nam di chuyển dọc theo rìa hệ thống áp cao Bắc Thái Bình Dương đóng vai trò như băng chuyền, liên tục tiếp thêm hơi ẩm cho các đám mây mưa.
Mặc dù kiểu hình thái này không phải là hiếm trong mùa hè, nhưng các điều kiện gần đây khiến nó trở nên nguy hiểm hơn. Nhiệt độ biển tăng cao ngoài khơi bờ biển phía nam Hàn Quốc đã tạo ra môi trường giàu không khí nóng và ẩm. Khi khối không khí ẩm này gặp phải khí quyển bất ổn, nó tạo điều kiện cho các đám mây phát triển thẳng đứng mạnh mẽ với khả năng gây mưa lớn.
Thái Lan chuẩn bị ứng phó mưa lớn khi bão Wipha tiến gần
Trong bối cảnh bão Wipha được dự báo sẽ gây mưa lớn diện rộng trên khắp Thái Lan từ ngày 20 đến 24-7, giới chức Thái Lan ngày 20-7 kêu gọi người dân thận trọng trước nguy cơ lũ lụt và sạt lở đất, theo tờ Nation.
Cục Khí tượng Thái Lan đã phát đi cảnh báo đầu tiên về bão nhiệt đới Wipha.
Theo cơ quan này, trong ngày 21-7, bão Wipha được dự báo sẽ gây mưa ở thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận. Từ ngày 22 đến 24-7, bão được dự báo sẽ gây mưa kéo dài, với ảnh hưởng bổ sung tại các tỉnh các tỉnh phía nam vùng Đông Bắc Thái Lan như Chaiyaphum và Nakhon Ratchasima.
Thái Lan cũng đưa ra cảnh báo về sóng có thể cao đến 4 m và khuyến cáo tàu thuyền nhỏ không ra khơi.
Cục Khí tượng Thái Lan đưa ra một số khuyến cáo với người dân, bao gồm: Cảnh giác với lũ quét và nước dâng bất ngờ, đặc biệt tại các khu vực chân núi; Theo dõi sát sao các cập nhật thời tiết từ Cục Khí tượng; Chuẩn bị phương án sơ tán nếu tình hình xấu đi.