Bao giờ mới thực sự 'kinh doanh bảo tàng'?
Diễn đàn quốc tế 'Giám tuyển tương lai: Bước chuyển mình của Bảo tàng tại Việt Nam' vừa diễn ra tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM quy tụ nhiều bảo tàng, viện nghiên cứu, trường đại học, hội nghề nghiệp, không gian nghệ thuật.

Du khách tham quan bảo vật quốc gia trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM
Đây là dịp để nhìn lại vai trò của bảo tàng trong bối cảnh văn hóa, xã hội thay đổi nhanh chóng và tìm lời giải cho câu hỏi: Làm sao để bảo tàng “sống tốt”, thu hút công chúng, phát huy giá trị văn hóa và phát triển bền vững.
Sự kiện do Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phối hợp với Trường ĐH Văn hóa TP.HCM và Viện ĐH Sydney Việt Nam tổ chức, tiếp nối phiên thảo luận đầu tiên ở Hà Nội (11.2024), nhằm thúc đẩy đối thoại liên ngành, nâng cao năng lực giám tuyển và tăng cường hợp tác giữa bảo tàng công lập và tư nhân.
“Mở khóa” bằng kết nối và sáng tạo
Theo ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, bảo tàng hiện nay không chỉ dừng ở vai trò lưu giữ ký ức, mà còn cần trở thành không gian sáng tạo, nơi khơi gợi đối thoại và kết nối cộng đồng. Đây cũng là cơ hội để bảo tàng phát huy vai trò lãnh đạo có tầm nhìn, hòa nhịp với xu thế phát triển văn hóa hiện đại.
Bảo tàng phải kết hợp hài hòa giữa truyền thống và đổi mới, giữa ký ức và công nghệ, biến những yếu tố đó thành “chất liệu sống” để bảo tàng thực sự hấp dẫn công chúng. Chúng tôi tin rằng việc kết nối giữa các nhà nghiên cứu, các nhà làm công tác văn hóa, nghệ sĩ và giám tuyển từ khu vực công đến tư, từ địa phương cho tới quốc tế chính là “chìa khóa” để xây dựng một hệ sinh thái văn hóa linh hoạt, đa chiều và bền vững.
(GS NGUYỄN THU ANH, Viện trưởng Viện ĐH Sydney Việt Nam)
GS Nguyễn Thu Anh, Viện trưởng Viện ĐH Sydney Việt Nam, đặt vấn đề, bảo tàng phải kết hợp hài hòa giữa truyền thống và đổi mới, giữa ký ức và công nghệ, biến những yếu tố đó thành “chất liệu sống” để bảo tàng thực sự hấp dẫn công chúng.
“Chúng tôi tin rằng việc kết nối giữa các nhà nghiên cứu, các nhà làm công tác văn hóa, nghệ sĩ và giám tuyển từ khu vực công đến tư, từ địa phương cho tới quốc tế chính là “chìa khóa” để xây dựng một hệ sinh thái văn hóa linh hoạt, đa chiều và bền vững”, GS Thu Anh khẳng định.
PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM nhấn mạnh, giá trị văn hóa chỉ thật sự được “mở ra” khi có sự tương tác, chia sẻ và hợp tác. Ông Lâm cho rằng, bảo tàng và các điểm đến di sản luôn chứa đựng nhiều ký ức, giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học. Những giá trị này chỉ thật sự được “mở ra” khi có sự tương tác và kết nối chặt chẽ giữa các bên.
PGS.TS Lâm Nhân dẫn lại quan niệm, “kinh tế là khóa, văn hóa là chìa”, đồng thời nhấn mạnh văn hóa không chỉ là chìa khóa mở ra kinh tế, mà còn mở ra nhiều lĩnh vực khác trong xã hội, góp phần mang lại thành công, thịnh vượng và hạnh phúc cho cộng đồng.
Phải “đứng vững trong lòng công chúng”
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia tập trung thảo luận về cách để bảo tàng “sống tốt”, thu hút công chúng và phát huy giá trị văn hóa. Đại diện các bảo tàng công lập và tư nhân đã cùng chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp và mô hình hoạt động phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài, nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, yếu tố tiên quyết để bảo tàng tồn tại và phát triển chính là tự chủ tài chính. Bà nhấn mạnh, bảo tàng phải “đứng vững trong lòng công chúng”, bởi công chúng chính là “nguồn sống” thực sự.
Khi còn giữ vai trò lãnh đạo tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, bà Vân đã
Bảo tàng công lập có lợi thế về vị trí, không gian, nhưng lại bị ràng buộc bởi cơ chế quản lý và tâm lý “an toàn”, khiến nhiều nơi thiếu sự linh hoạt, ngại đổi mới. Trong khi đó, bảo tàng ngoài công lập linh hoạt hơn nhưng lại thiếu vốn và dễ rủi ro. Vì vậy, chìa khóa để bảo tàng “sống tốt” là không ngừng sáng tạo và luôn giữ sợi dây gắn bó chặt chẽ với công chúng, từ đó mới có thể “kinh doanh bảo tàng” thành công.
(Bà HUỲNH NGỌC VÂN, Giám đốc Bảo tàng Áo dài)
mạnh dạn chuyển sang cơ chế tự chủ toàn phần từ năm 2014. Nhờ lượng khách tham quan luôn dẫn đầu TP.HCM và nằm trong nhóm đông nhất cả nước, nguồn thu chính của bảo tàng từ bán vé luôn ổn định, cho phép tái đầu tư vào nội dung trưng bày và các hoạt động phục vụ công chúng.
Tiếp nối mô hình này, khi tiếp quản Bảo tàng Áo dài (cuối năm 2017), bà Huỳnh Ngọc Vân đối diện với khó khăn lớn khi lượng khách ban đầu rất ít. Tuy nhiên, nhờ kiên trì phát triển nội dung chuyên đề, kết hợp các dịch vụ mới như cho thuê áo dài, tổ chức sự kiện, workshop, dịch vụ ẩm thực, bảo tàng đã tự chủ tài chính chỉ sau hai năm, lượng khách tăng vượt bậc.
Theo bà Vân, bảo tàng công lập có lợi thế về vị trí, không gian, nhưng bị ràng buộc bởi cơ chế quản lý và tâm lý “an toàn”, khiến nhiều nơi thiếu sự linh hoạt, ngại đổi mới. Trong khi đó, bảo tàng ngoài công lập linh hoạt hơn nhưng lại thiếu vốn và dễ rủi ro. Vì vậy, chìa khóa để “sống tốt” là không ngừng sáng tạo và luôn giữ sợi dây gắn bó chặt chẽ với công chúng, từ đó mới có thể “kinh doanh bảo tàng” thành công.
Ở góc nhìn khác, bà Kiều Đào Phương Vy, Trưởng phòng Giáo dục, Truyền thông và Quan hệ công chúng (Bảo tàng TP.HCM) cho biết, công tác giáo dục và truyền thông luôn là nền tảng giúp bảo tàng gắn kết chặt chẽ với cộng đồng, đặc biệt giới trẻ.
Theo bà Phương Vy, ngoài việc đón khách tham quan, bảo tàng còn chủ động tìm đến công chúng thông qua các chương trình giáo dục di sản trực tuyến, triển khai từ năm 2022 sau đại dịch Covid-19. Mỗi năm, bảo tàng tổ chức 50-60 buổi dạy trực tuyến, thu hút hơn 1.000 học sinh, sinh viên khắp cả nước, từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và thậm chí là đến mũi Cà Mau. Những buổi học này không chỉ tạo cầu nối bền chặt với các em mà còn khơi gợi sự quan tâm của phụ huynh, góp phần lan tỏa hình ảnh bảo tàng.
Trong lĩnh vực truyền thông, Bảo tàng TP.HCM đang nỗ lực tiếp cận giới trẻ qua các clip, vlog và phát triển mạnh các kênh mạng xã hội. Song song đó, bảo tàng vẫn duy trì các bài viết chuyên môn để giữ tính khoa học, đồng thời phát triển nội dung gần gũi, sinh động và dễ tiếp cận hơn cho giới trẻ.
Bảo tàng cũng xây dựng đội ngũ tình nguyện viên từ học sinh các trường chuyên như Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Phổ thông năng khiếu (TP.HCM)…, hỗ trợ khách tham quan và lan tỏa thông tin. Từ 15 bạn ban đầu, đến nay đội ngũ đã tăng lên khoảng 50 tình nguyện viên, hoạt động hiệu quả và nhận được phản hồi tích cực.
“Chúng tôi tin rằng, mỗi bạn trẻ, mỗi khách tham quan đều có thể trở thành “đại sứ truyền thông” cho bảo tàng. Nếu nội dung và trải nghiệm đủ hấp dẫn, chính họ sẽ giúp bảo tàng đến gần hơn với cộng đồng, góp phần tránh nguy cơ tụt hậu và bắt kịp xu hướng mới”, bà Vy chia sẻ.

Những người làm công tác bảo tàng tham quan Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (TP.HCM)
Không gian mở và vai trò kết nối nghệ sĩ
Với khối tư nhân, ông Nguyễn Thiều Kiên, Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Quang San, nhấn mạnh ba tiêu chí quan trọng: Bảo tồn, lan tỏa và kết nối. Bảo tàng Nghệ thuật Quang San ra đời từ niềm đam mê nghệ thuật của gia đình và mong muốn chia sẻ di sản với cộng đồng, biến bảo tàng thành không gian sống động cho nghệ sĩ, nơi giới trẻ có thể khám phá, thực hành, học hỏi và giao lưu.
Ông Kiên cho rằng, bảo tàng không thể chỉ “trưng bày và cất giữ”, mà phải trở thành nơi nuôi dưỡng sáng tạo, kết nối các thế hệ nghệ sĩ, giám tuyển, nhà nghiên cứu, người yêu nghệ thuật. Các hoạt động triển lãm cá nhân, tập huấn bảo quản tranh, chương trình đối thoại nghệ thuật đều hướng đến mục tiêu đưa nghệ thuật Việt Nam gần gũi hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Trong dài hạn, Bảo tàng Nghệ thuật Quang San mong muốn kể lại câu chuyện hội họa Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử, mở ra đối thoại giữa các thế hệ và khẳng định nghệ thuật không phải là lĩnh vực xa vời mà là một phần tất yếu trong cuộc sống hằng ngày. Đây cũng chính là cách để bảo tàng “sống khỏe”, trở thành một phần không thể thiếu của cộng đồng nghệ thuật và xã hội.
Các ý kiến tại diễn đàn đã cho thấy, để “sống tốt” trong bối cảnh mới, bảo tàng Việt Nam cần hội tụ nhiều yếu tố cốt lõi, bao gồm tự chủ, sáng tạo, kết nối… Tự chủ giúp bảo tàng duy trì hoạt động bền vững, giảm phụ thuộc ngân sách, tăng tính linh hoạt trong phát triển nội dung và dịch vụ.
Sáng tạo giúp bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn, mang đến trải nghiệm mới mẻ và nuôi dưỡng cảm hứng cho công chúng. Kết nối giúp bảo tàng không bị cô lập, mà trở thành “không gian mở” gắn kết cộng đồng, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và các thế hệ công chúng.
Quan trọng hơn, bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ ký ức, mà phải là nơi thổi hồn vào ký ức, để di sản tiếp tục “sống” trong đời sống đương đại. Khi đó, bảo tàng không chỉ “tồn tại”, mà thực sự “sống”, lan tỏa và phát triển cùng cộng đồng.