Bao giờ khắc phục xong 3 tuyến đường sạt lở?
Tỉnh Quảng Nam đã đầu tư gần 400 tỷ đồng để khắc phục 3 tuyến đường miền núi bị sạt lở ở huyện miền núi Phước Sơn do mưa bão, tuy nhiên đến nay sau 3 năm vẫn còn ngổn ngang, dang dở gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Đó là 3 tuyến đường DH1, DH2 và DH5 ở 4 xã vùng cao của huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nặng do bão lũ gây ra vào cuối năm 2020. Đến năm 2021, tỉnh Quảng Nam đầu tư gần 400 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục cho người dân đi lại. Thế nhưng đến nay 3 tuyến đường này vẫn còn ngổn ngang, dang dở.
Đầu tháng 12/2024, chúng tôi đã đi khảo sát tại các tuyến đường này, mới hiểu một phần về khó khăn mà người dân các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Công và Phước Lộc, huyện Phước Sơn phải chịu đựng trong hơn 3 năm qua.
Theo đó, từ thị trấn Khâm Đức đến xã xa nhất là Phước Lộc khoảng 45km, nếu người dân đi ô tô phải mất hơn 2 giờ mới vào đến nơi. Đó là lúc trời không mưa, còn khi trời mưa, kể cả ô tô và xe máy phân khối lớn cũng rất khó lưu thông vì đường trơn trượt, đất đá ngổn ngang, nhiều đoạn thi công dang dở.
Bà Hồ Thị Hảo - ở xã Phước Thành cho biết: “Những năm qua, các tuyến đường nối các xã Phước Chánh - Phước Lộc; Phước Lộc - Phước Thành và Phước Kim - Phước Thành vẫn còn dang dở khiến cho việc lưu thông và buôn bán của bà con gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, vào mùa nắng thì bụi bay mù mịt, mùa mưa thì lầy lội, quan trọng nhất là đường không ra đường, thi công dang dở khiến cho việc đi lại của người dân rất khó khăn”.
Ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho biết, hơn 3 năm kể từ khi có quyết định đầu tư đến nay, người dân địa phương vẫn chưa có đường đi, vì thế, người dân có công việc ra trung tâm huyện phải mất vài tiếng đồng hồ, chưa kể khi có người bị ốm đau nặng phải đưa ra Trung tâm Y tế huyện mất nhiều thời gian và đường vô cùng khó khăn. Trước sự việc này, tại các buổi tiếp xúc cử tri, bà con đã kiến nghị nhiều lần về việc phải hoàn thành tuyến đường này. Chính quyền xã rất mong muốn tỉnh, huyện kịp thời chỉ đạo sớm hoàn thiện tuyến đường để nhân dân đi lại thuận lợi, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Theo ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, sau khi bão lũ xảy ra, chính quyền địa phương đã gấp rút hoàn thiện hồ sơ để tái thiết những con đường này. Thế nhưng, từ khi hoàn thiện hồ sơ, rồi tổ chức đấu thầu công khai qua mạng cho đến thời điểm bắt đầu thi công thì cũng mất 1 năm. Còn lại, từ đó đến nay, đã thi công được 3 năm nhưng vì nhiều yếu tố nên những tuyến đường này vẫn chưa thể hoàn thành.
Nói về nguyên nhân chậm tiến độ, lãnh đạo UBND huyện Phước Sơn cho rằng, một số nhà thầu thi công năng lực tài chính gặp nhiều khó khăn do giá cả nguyên, vật liệu, nhân công tăng cao làm tăng vốn, thâm hụt nguồn tài chính không đủ khả năng thực hiện như cam kết trong hồ sơ dự thầu.
Ngoài ra, các nhà thầu chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý, tổ chức thi công các công trình ở địa bàn miền núi nên không có phương án thi công khi gặp thời tiết bất lợi, vì vậy việc tổ chức thi công cầm chừng, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ. Đồng thời nguồn vật liệu cát, đá xây dựng đang rất khan hiếm. Một số mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh không đủ tiêu chuẩn cho việc thi công công trình cầu.
Ông Trung cho biết, thời gian qua, thời tiết trên địa bàn huyện Phước Sơn diễn biến phức tạp, mùa khô thì sáng nắng chiều mưa, mùa mưa kéo dài liên tục trong nhiều tháng. Đặc biệt, năm 2022 và đầu năm 2023 thời tiết bất thường, mưa nhiều nên việc thi công các hạng mục đào đắp nền đường, cầu, cống rất khó khăn, công tác vận chuyển máy móc, thiết bị, vật liệu vào công trình thường xuyên bị gián đoạn.
Cùng với đó, giá vật liệu xây dựng tăng cao so với giá dự toán được phê duyệt; vật liệu cát, đá xây dựng rất khan hiếm; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng thi công cho nhà thầu cũng gặp nhiều khó khăn. Trong hành lang tuyến có một số cây gỗ lớn phải làm các thủ tục thu hồi tài sản, nhà thầu không có cơ sở chặt hạ, phải chờ ý kiến của các cơ quan chức năng ảnh hưởng đến việc thi công đào đắp nền đường…
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đã có buổi đi kiểm tra thực tế tại công trường của 3 dự án này. Sau khi khảo sát, ông Dũng cho biết, đã qua 3 năm nhưng tiến độ thi công các dự án còn rất chậm. Tại công trường, nhân lực và máy móc thi công rất ít, các nhà thầu chưa đảm bảo theo điều kiện hợp đồng và theo nhu cầu bức thiết của dự án này.
Ông Dũng cho biết, hiện nay người dân đi lại rất khó khăn, nhất là trường hợp đau ốm, đây là nỗi bức xúc lớn nhất của người dân ở đây. Để khắc phục tình hình này, ông Dũng đề nghị lãnh đạo địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn nữa.
“Đối với đơn vị chưa thi công hết mình, chưa dồn lực vào việc thi công, tôi đề nghị thời gian tới phải tập trung làm tốt. Về phía địa phương, cần phải quyết liệt hơn trong việc này, nhà thầu nào thiếu tích cực thì chấm dứt với nhà thầu đó để tìm nhà thầu khác, chứ không thể để chậm trễ” - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.