Bao giờ giáo viên mầm non được công nhận là nghề đặc thù nặng nhọc, độc hại?

Trước thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét đưa đối tượng giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nhiều giáo viên mầm non thực sự quan tâm vấn đề này.

Mới đây, tại Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách năm 2024 với chuyên đề “Những điểm mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn, vệ sinh lao động” do Báo Lao động Thủ đô phối hợp Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy tổ chức, đã có nhiều giáo viên bày tỏ quan tâm tới vấn đề này.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, Trường Mầm non Yên Hòa muốn biết, bao giờ giáo viên mầm non được công nhận là nghề đặc thù nặng nhọc, độc hại? Nếu được công nhận là công việc nặng nhọc, độc hại thì độ tuổi về hưu có được thay đổi như yêu cầu là 55 tuổi hay không? Nếu được công nhận là công việc nặng nhọc, mức lương sẽ được hưởng thế nào?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết: Tiền lương của người lao động hiện nay đang căn cứ trên hợp đồng lao động để đóng bảo hiểm. Do vậy tỷ lệ phần trăm đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế vẫn giữ nguyên, còn mức lương sẽ căn cứ trên hợp đồng lao động để thực hiện đóng.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, Trường Mầm non Yên Hòa muốn biết, bao giờ giáo viên mầm non được công nhận là nghề đặc thù nặng nhọc, độc hại?

Chị Nguyễn Thị Hạnh, Trường Mầm non Yên Hòa muốn biết, bao giờ giáo viên mầm non được công nhận là nghề đặc thù nặng nhọc, độc hại?

Nếu đến tháng 7/2024, thực hiện cải cách tiền lương, công chức, viên chức, Nhà nước không còn lương hệ số mà chuyển sang lương theo mức tiền nhất định thì sẽ thực hiện đóng theo hợp đồng lao động. Tùy thuộc theo bảng lương Nhà nước thực hiện như nào, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thu theo như vậy, đơn vị báo thay đổi theo mẫu của cơ quan bảo hiểm xã hội (mẫu D02).

“Hiện nay ngành giáo dục mới đang trình Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công nhận nghề giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Năm 2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư về ngành nghề nặng nhọc độc hại thì ngành giáo dục vẫn chưa công nhận giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại”, bà Dương Thị Minh Châu cho biết.

Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, nghề nặng nhọc độc hại có đặc điểm tùy thuộc đơn vị chủ quản công nhận trong cả hệ thống ngành nghề đó có nặng nhọc, độc hại hay không, sẽ nghiên cứu, đo đạc tất cả các yếu tố môi trường để rồi công nhận, sau đó ngành làm thủ tục đề nghị sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Khi nào Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có văn bản công nhận thì khi đó mới được công nhận là nghề nặng nhọc, độc hại. Khi được công nhận chức danh ngành nghề nặng nhọc độc hại thì được về hưu trước 5 tuổi không bị trừ tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu.

Bà Dương Thị Minh Châu cũng lưu ý, đối với các đơn vị có môi trường nặng nhọc độc hại cần ghi rõ chức danh nghề trong hợp đồng lao động, không được thay đổi để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Về tiền lương, khi được công nhận nghề nặng nhọc độc hại, nếu là công chức, viên chức thì theo thang bảng lương Nhà nước quy định, đối với các loại hợp đồng lao động thì do thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, nhưng không thấp hơn lương tối thiểu vùng.

Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định người "làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể nghỉ hưu trước không quá 5 tuổi”.

Như vậy, nếu được bổ sung là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi 57 với nam và 55 đối với nữ. Chưa kể, các giáo viên mầm non sẽ được hưởng chế độ nâng lương, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích khác theo quy định chung đối với người lao động làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (theo chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm được quy định tại Điều 103 Bộ luật Lao động 2019).

Ngoài ra, vấn đề mức lương mầm non sau cải cách tiền lương cũng được nhiều giáo viên ở quận Cầu Giấy quan tâm. Chị Nguyễn Thị Đông, Công đoàn Trường mầm non Nam Trung Yên hỏi: “Mức lương cao nhất của giáo viên mầm non hạng 3 sau khi cải cách tiền lương là bao nhiêu?”

Phó Viện trưởng Viện Quản lý và Phát triển năng lực tổ chức Vũ Hồng Ngọc cho biết, mức lương thấp nhất của giáo viên mầm non hạng III là 3,129 triệu đồng. Mức lương cao nhất của giáo viên mầm non hạng III là 7,286 triệu đồng.

Hiện nay, chính sách về cải cách tiền lương vẫn đang ở bước dự thảo, xây dựng văn bản do vậy chúng ta vẫn phải chờ hướng dẫn cụ thể của Chính phủ để xác định được thang bảng lương và mức lương của mỗi ngành nghề.

Tuy nhiên, mức lương của các chị sau ngày 1/7 về nguyên tắc có thể tăng, còn tăng bao nhiêu thì chưa có quy định rõ ràng. Bên cạnh đó, trong chế độ lương mới, các quy định về phụ cấp của một số ngành nghề sẽ bị bỏ, tuy nhiên, quan điểm khi thực hiện chính sách sẽ là lương mới sẽ không thấp hơn lương cũ.

Chị Phạm Thị Thanh Tâm, Trường Tiểu học Trung Hòa cũng băn khoăn: Đối với các đơn vị giáo dục sau khi thay đổi cách tính tiền lương, tiền thâm niên của giáo viên bị cắt thì liệu mức lương mới có đảm bảo bằng với mức cũ không?

Ông Vũ Hồng Ngọc cũng cho hay, thực tế hiện nay lương thâm niên là khoản thu nhập quan trọng đối với giáo viên. Theo dự thảo, chính sách cải cách tiền lương mới sẽ không còn quy định rõ ràng về lương thâm niên nữa.

Đây là câu chuyện chính sách và nhận được sự quan tâm lớn của đơn vị xây dựng pháp luật, đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, về cơ bản qua dự thảo có thể hiểu khi chuyển sang hưởng lương theo vị trí việc làm thì tiền thâm niên có được tính nhưng sẽ xác định theo yêu cầu của công việc, việc làm. Ví dụ như giáo viên cấp 1, cấp 2 sẽ phải đạt tối thiểu bao nhiêu năm… Để làm được việc này là rất khó khăn. Do vậy, mọi quy định cụ thể thì vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn sau ngày 1/7.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bao-gio-giao-vien-mam-non-duoc-cong-nhan-la-nghe-dac-thu-nang-nhoc-doc-hai-172533.html
Zalo