Báo động hiện tượng sống khép kín trong giới trẻ Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn sống thu mình trong căn phòng của chính mình, tách biệt với xã hội. Ẩn sau những cánh cửa đóng kín là cả một thế hệ đang vật lộn với áp lực học tập, thất nghiệp và cảm giác thất bại.

Những thanh thiếu niên sống khép kín tham gia một chương trình được thiết kế để giúp họ tái hòa nhập xã hội tại một Trung tâm hỗ trợ Dudug, Hàn Quốc. Ảnh: Dudug
Áp lực vô hình
Từ năm 2015 đến 2024, Hàn Quốc đã trải qua 3 lần chuyển giao quyền lực Tổng thống, các xu hướng văn hóa xoay vần không ngừng. Nhưng với Ahn (33 tuổi), mọi thứ như ngưng đọng.
“Tôi hầu như không ra ngoài trong gần một thập kỷ,” cô chia sẻ. “Tôi có thể đến những nơi gần nhà, nhưng không thể đi xa hơn. Tôi hầu như không nói chuyện với ai ngoài mẹ.”
Ahn là một trong khoảng 540.000 thanh niên Hàn Quốc sống thu mình, không tham gia vào các hoạt động xã hội hoặc kinh tế. Hiện tượng này đang dần trở thành vấn đề xã hội nghiêm trọng tại Hàn Quốc.
Một nghiên cứu của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc cho thấy, tính đến năm 2021, khoảng 5% người từ 19 đến 34 tuổi sống trong trạng thái cô lập kéo dài. Trong số này, gần 46% không thể nêu rõ lý do khiến họ rút lui khỏi xã hội.
Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, chỉ 46,2% người từ 15–29 tuổi có việc làm (tháng 5.2024). Số người trẻ "chỉ đang nghỉ ngơi", không học, không làm, không tìm việc, lên tới 421.000 người – tăng mạnh so với năm trước.
Trường hợp của Ahn là minh chứng rõ ràng cho gánh nặng mà giới trẻ Hàn Quốc đang mang. Sau khi dồn sức học để thi vào ngành dược, cô phải đối mặt với chi phí quá cao: trên 10 triệu won cho một khóa học hoàn chỉnh.
“Tôi cảm thấy vô cùng có lỗi khi phải nhờ bố mẹ giúp đỡ,” cô nói. Những áp lực tài chính và tinh thần khiến cô rơi vào trầm cảm. Tác dụng phụ của thuốc khiến cô ngủ suốt ban ngày, chỉ thức khi cả nhà đã đi ngủ.
Suốt thời gian dài, cô chỉ ăn uống một mình và hoàn toàn mất niềm tin vào bản thân. “Người khác đã thành dược sĩ rồi, còn tôi vẫn bế tắc như vậy. Tôi bắt đầu nghi ngờ chính mình.”
Trường hợp của anh Kwon (37 tuổi), một cựu lập trình viên, cũng trải qua 3 năm sống ẩn dật. Sau hai lần nghỉ việc, anh dần tách biệt với mọi người, chỉ đi ra ngoài để mua sắm thiết yếu.
“Sau một, hai năm, tôi bắt đầu nghĩ: "Chuyện này không ổn. Mình nên đi làm."" Nhưng rồi tôi chẳng làm gì cả,” anh nhớ lại. “Tôi cảm thấy xã hội sẽ không chấp nhận mình nữa.”
Cần nhiều hơn những cánh cửa mở
Bà Lee Eun-ae, người sáng lập Trung tâm Hỗ trợ thanh niên sống ẩn dật Dudug, cho rằng một nguyên nhân sâu xa là định nghĩa quá hẹp của xã hội về “thành công”.
“Nếu không học trường top, không làm công ty danh tiếng, người trẻ sẽ tự coi mình là kẻ thất bại,” bà nói. Theo Lee, nhiều người trẻ đối mặt với trầm cảm hoặc rối loạn lo âu xã hội sau những lần thất bại trong học tập, tìm việc.
Trung tâm Dudug, được thành lập năm 2022 với sự hỗ trợ từ chính quyền Seoul, cung cấp không gian và hoạt động giúp người trẻ từng bước quay lại với xã hội. Tuy nhiên, quy mô vẫn còn quá nhỏ so với nhu cầu.
Chỉ riêng ở Seoul đã có khoảng 130.000 người trẻ sống thu mình, trong khi mỗi trung tâm chỉ có thể hỗ trợ vài trăm người. Việc xây thêm trung tâm là cần thiết, nhưng không đủ.
Theo bà Lee, điều quan trọng hơn là xây dựng những hoạt động kết nối cộng đồng, mang tính hỗ trợ nhẹ nhàng, như các buổi giao lưu, chương trình văn hóa, để tiếp cận người trẻ mà không tạo thêm áp lực.
“Có người dành cả ngày trong thư viện để ôn thi, nhưng không nói chuyện với ai. Chúng ta phải giúp họ kết nối lại, không phải bằng bài giảng, mà bằng sự thấu cảm”, bà Lee cho biết.