Bảo đảm hài hòa, công bằng giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước

Chiều 11.12, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh Hồ Long

Đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và thực tiễn

Tờ trình dự thảo Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc trình bày nêu rõ, Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội đã nêu: “Đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành...”.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư mới được sửa đổi trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám cũng đã quy định: “Chính phủ thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư...”; đồng thời cũng đã giao “Chính phủ quy định chi tiết mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, nguồn ngân sách...”.

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc trình bày tờ trình dự thảo Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Ảnh: Hồ Long

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc trình bày tờ trình dự thảo Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Ảnh: Hồ Long

Do đó, việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư đã có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và thực tiễn.

Dự thảo Nghị định có 6 Chương, 45 Điều, quy định về địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức quản lý của Quỹ; tổ chức và quyền hạn của Hội đồng quản lý Quỹ; Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản lý Quỹ; Cơ quan điều hành Quỹ. Hỗ trợ chi phí (phương thức, hạng mục, đối tượng, tiêu chí và điều kiện; mức hỗ trợ chi phí của các hạng mục); và hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu (đối tượng, tiêu chí, điều kiện và mức hỗ trợ)…

Đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với thông lệ quốc tế

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị định do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày nêu rõ, Thường trực Ủy ban tán thành việc ban hành nghị định của Chính phủ để bảo đảm công tác tổ chức thực hiện các nội dung đã được quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội để triển khai các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư trong bối cảnh mới về thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, duy trì tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, nội dung hỗ trợ tại dự thảo Nghị định hiện đang tập trung cho lĩnh vực công nghệ cao và để đáp ứng điều kiện và tiêu chí hỗ trợ, các đối tượng thụ hưởng hỗ trợ chủ yếu sẽ là các nhà đầu tư nước ngoài, đa quốc gia. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước từ nguồn lực của Quỹ là không rõ rệt.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị định. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị định. Ảnh: Hồ Long

Từ góc độ này, có thể dự thảo Nghị định chưa thực sự đáp ứng được mục tiêu của Nghị quyết về việc hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp trong nước cũng như việc khuyến khích đầu tư đối với các lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực công nghệ cao. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nộp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không được hưởng hỗ trợ từ Quỹ có thể sẽ có khiếu nại.

Tán thành với việc Chính phủ xây dựng Nghị định và các nội dung phù hợp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, tinh thần là đồng tình để tháo gỡ tối đa về thủ tục hành chính và nút thắt.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trước hết, cần rà soát nội dung chính sách trong dự thảo Nghị định bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, lưu ý những nội dung trái với luật hiện hành. Đồng thời, cần đối chiếu với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, tránh xung đột pháp lý, nhất là các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.

Hai là, xác định mục tiêu sử dụng quỹ là bảo đảm hài hòa, công bằng giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

Ba là, bảo đảm minh bạch về mức hỗ trợ, về đối tượng hỗ trợ. Dự thảo Nghị định đưa ra nhiều hình thức hỗ trợ với các tỷ lệ khác nhau, một số khoản hỗ trợ quy định theo mức tối đa. Do đó, cân nhắc quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định mức hỗ trợ doanh nghiệp, tránh phát sinh cơ chế xin cho dẫn đến khiếu nại.

 Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với việc quản lý, sử dụng quỹ. Theo dự thảo thì nguồn tài chính Quỹ có 2 nguồn là ngân sách trung ương và nguồn ngân sách nhà nước. Trong khi đó, quỹ vẫn thực hiện chi hỗ trợ cho các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện, tiêu chí nhưng bị lỗ, cũng như là các doanh nghiệp mới đầu tư không có số nộp vào ngân sách. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là một rủi ro mà Chính phủ cần tính toán, có phương án quản lý, phòng ngừa.

Năm là, việc quản lý hỗ trợ quỹ doanh nghiệp phải bảo đảm chặt chẽ, tránh tình trạng mất cân đối giữa khả năng đáp ứng của quỹ với tổng số tiền cần hỗ trợ. Nghiên cứu quy trình đánh giá để hỗ trợ chi phí để bảo đảm minh bạch, khách quan.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh Nghị định. Trong đó, lưu ý tiếp tục rà soát để bảo đảm Nghị định đáp ứng được các yêu cầu phù hợp với các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD); hài hòa các lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài và giữa các loại doanh nghiệp của nước ngoài ở các nước khác nhau.

Cùng với đó, bảo đảm lợi ích thu được phải tương xứng, lớn hơn chi phí bỏ ra, bảo đảm cân đối ngân sách, an ninh tài chính quốc gia rõ ràng, minh bạch trong các quyết định hỗ trợ, mức hỗ trợ; về trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước, quản lý nhà nước trong việc thực hiện chính sách…

T. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-dam-hai-hoa-cong-bang-giua-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-va-doanh-nghiep-trong-nuoc-post399039.html
Zalo