Bão Côn Sơn chưa đổ bộ, đường Đà Nẵng đã thành sông, hàng chục mái nhà ở Huế bị tốc mái
Ngày 11/9, Bão Cơn Sơn áp sát gây mưa lớn kéo dài từ đêm qua đến nay khiến các tuyến đường Đà Nẵng ngập sâu, xe cộ chết máy hàng loạt. Bên cạnh đó mưa lớn và gió giật mạnh đã khiến cho hàng chục nhà dân ở Thừa Thiên Huế bị tốc mái.
Đường Đà Nẵng đã thành sông, xe chết máy la liệt
Cơn mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 5 (Conson) kéo dài từ chiều qua (10/9) đến nay vẫn chưa có dấu hiệu ngớt khiến nhiều đoạn đường tại TP Đà Nẵng bị ngập sâu. Mưa kèm gió giật khiến chốt kiểm soát dịch bị tốc bạt, ngập nước.
Tại đường Phạm Văn Đồng, nước ngập sâu ngang thân xe khiến nhiều phương tiện chết máy. Ảnh: TL
Đến sáng 11/9, Đà Nẵng có mưa rất lớn, nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Sơn Trà, Hải Châu, Thanh Khê bị ngập.
Trên đường Yết Kiêu nối về cảng Tiên Sa (quận Sơn Trà) một số phương tiện đã phải quay đầu vì có đoạn ngập gần 1 mét.
Theo ghi nhận, trưa 11/9, các tuyến đường trung tâm thành phố như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Hàm Nghi, Hùng Vương... bị ngập nặng nhất.
Tại đường Hàm Nghi, đoạn gần bờ hồ, nước ngập sâu khiến nhiều xe máy không thể di chuyển. Không chỉ xe máy mà cả xe cứu thương của lực lượng y tế làm nhiệm vụ cũng chết máy.
Đến chiều 11/9, nhiều tuyến đường trong thành phố vẫn ngập sâu khiến xe máy không thể di chuyển qua, nhiều người phải dắt bộ lên vỉa hè.
Ô tô chết máy phải nhờ đến cứu hộ. Ảnh: TL
Đến 15h ngày 11/9, tại Đà Nẵng tiếp tục có mưa lớn, công nhân đang khẩn trương khơi thông hệ thống thoát nước trên các tuyến phố.
Hàng chục nhà dân ở Thừa Thiên Huế bị tốc mái
Chiều 11/9, ông Nguyễn Đình Bách - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, dù bão số 5 chưa đổ bộ nhưng ảnh hưởng của bão đã gây mưa to kèm gió giật mạnh khiến nhiều nhà dân bị tốc mái.
Tính đến 15h ngày 11/9, toàn huyện Phong Điền có 21 nhà bị tốc mái. Trong đó, 10 nhà ở xã Điền Hòa; 7 nhà ở xã Phong Hải; 2 nhà ở xã Phong Xuân và 4 nhà ở xã Phong Hiền.
Người dân đang cố gắng lợp lại mái nhà trước khi bão số 5 đổ bộ. Ảnh: TL
Theo ông Nguyễn Đình Bách, sau khi nắm được thông tin, chính quyền địa phương lập tức cử lực lượng đến hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả và chằng chống lại nhà cửa chuẩn bị đón bão.
Người đứng đầu chính quyền huyện Phong Điền cho biết thêm, tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân - nơi xảy ra vụ sạt lở hồi tháng 10/2021 khiến 17 công nhân chết và mất tích) hiện còn 40 công nhân.
Nhà máy thủy điện này có công trình kiên cố (khu vực nhà máy) nhưng để đảm bảo an toàn, UBND huyện yêu cầu công ty chỉ để lại vài người trực, còn lại phải di chuyển xuống thủy điện Rào Trăng 4 hoặc ra ngoài trước 17h ngày 11/9.
Trước đó, sáng 11/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế (PCTT và TKCN) có thông báo yêu cầu người dân hạn chế ra đường khi có gió mạnh trong chiều và đêm 11/9. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh này cũng sẽ ban hành lệnh cấm ra đường khi có gió mạnh, dự kiến trong đêm 11 và sáng 12/9.
Tính đến thời điển hiện tại, mưa lớn kèm theo gió giật mạnh đã khiến 21 ngôi nhà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bị tốc mái. Ảnh: TL
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế, lượng mưa đo được các trạm từ 19 giờ ngày 10-9 đến 15 giờ ngày 11-9 phổ biến từ 100-300mm; mực nước các trạm trên sông Hương, tại trạm Kim Long mực nước là +0,36m dưới báo động I là 0,64m, sông Bồ là +0,42m dưới báo động I là 0,98m.
Hiện nay mực nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đang ở mức thấp và đảm bảo an toàn nếu lũ về. Dự báo, từ ngày 11 đến ngày 13-9 tại tỉnh này có thể xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng với tổng lượng mưa khoảng 150-300mm, có nơi trên 400mm, cần đề phòng ngập úng cục bộ, lũ quét, sạt lở đất.