Bằng chứng mới về tư duy biểu tượng của người Neanderthal

Trong một khám phá từ hang đá San Lázaro, gần thành phố Segovia ở miền Trung Tây Ban Nha, các nhà khảo cổ học đã khai quật được thứ có thể là dấu vân tay của con người sớm nhất được biết đến, thách thức những giả định lâu đời về khả năng biểu tượng và nghệ thuật của người Neanderthal.

Phát hiện về một viên đá granit nhuộm màu đất son với dấu vân tay được xác định rõ ràng và các đặc điểm khuôn mặt được sắp xếp là bằng chứng mới nhất về khả năng tư duy biểu tượng của con người có thể đã có từ cách đây... 43.000 năm.

Chấm đỏ bí ẩn

Nghiên cứu do một nhóm nhà khoa học đến từ Đại học Complutense Madrid, Viện Địa chất và Khai thác Tây Ban Nha, Đơn vị Cảnh sát Khoa học của Cảnh sát Quốc gia Tây Ban Nha và Đại học Salamanca thực hiện, đã được công bố trên tạp chí Khoa học Khảo cổ học và Nhân học. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra viên đá granit bằng nhiều công cụ khoa học, bao gồm quét 3D bằng tia laser, hình ảnh đa phổ và kính hiển vi điện tử (SEM)… cuối cùng phát hiện dấu vân tay người không thể nhầm lẫn được nhúng trong sắc tố đỏ đất son.

Nghiên cứu mới còn cho thấy, nhiều người hiện đại có khoảng 2% ADN của người Neanderthal trong mã di truyền và những ADN này có thể đóng một chức năng hữu ích. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở London, Anh.

Nghiên cứu mới còn cho thấy, nhiều người hiện đại có khoảng 2% ADN của người Neanderthal trong mã di truyền và những ADN này có thể đóng một chức năng hữu ích. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở London, Anh.

Báo cáo nghiên cứu có đoạn viết: “Đây là một phát hiện lớn cho sự hiểu biết của chúng ta về khả năng trừu tượng của người Neanderthal và cũng có thể đó là một trong những biểu tượng sớm nhất của con người trong thời tiền sử". Đáng chú ý là các chuyên gia pháp y cũng xác nhận dấu vân tay vẫn giữ nguyên các hoa văn, gờ, điểm phân nhánh và điểm hội tụ - bằng chứng rõ ràng về việc sử dụng có chủ ý của con người, có thể là một người đàn ông Neanderthal.

Tờ Archaeologymag thông tin, viên đá nói trên dài 21cm, không nhất quán về mặt địa chất với môi trường hang động lân cận mà dường như đã được vận chuyển từ sông Eresma cách đó khoảng 5 km. Viên đá này cũng không có dấu hiệu tiện dụng và kích thước cùng hình dạng độc đáo của nó khác biệt hẳn so với các công cụ khác thời Mousterian (chủ yếu liên quan đến người Neanderthal ở châu Âu và một số người Homo sapiens sớm ở Bắc Phi và Tây Á; đại diện cho phần sau của thời kỳ đồ đá cũ giữa và kéo dài từ khoảng 300.000 - 40.000 năm trước), được phát hiện trong cùng một khu vực.

Chưa hết, điểm đặc biệt lớn nhất là: hai vết lõm nhỏ, đối xứng phía trên một vết lõm lớn hơn ở giữa, với một chấm đỏ đất son nằm chính xác ở giữa chúng. Các mô phỏng thống kê Monte Carlo (kỹ thuật toán học dự đoán kết quả có thể xảy ra của một sự kiện không chắc chắn) cho thấy, chỉ có 0,31% khả năng sự sắp xếp của chấm đỏ trùng với các vết lõm xảy ra ngẫu nhiên. Mặc dù có nhiều cách giải thích khác nhau, vì một số nhà khoa học đang tự hỏi rằng, liệu tác phẩm này có thực sự được coi là nghệ thuật tượng trưng hay không, các nhà khoa học khác lại tin rằng, vị trí của sắc tố và việc lựa chọn đá cho thấy đây là hoạt động biểu trưng.

Các nhà nghiên cứu còn nhấn mạnh: "Nó không chỉ là dấu vân tay; đó là chữ ký của một cá nhân đã chế tác vật thể này với ý tưởng vượt ra ngoài mục đích thực dụng".

A: vật thể trước khi được khai quật hoàn toàn; B: sau khi khai quật, có thể đánh giá được ba khoang chính và vị trí trung tâm của chấm đỏ. Ảnh: Archaeol Anthropol Sci.

A: vật thể trước khi được khai quật hoàn toàn; B: sau khi khai quật, có thể đánh giá được ba khoang chính và vị trí trung tâm của chấm đỏ. Ảnh: Archaeol Anthropol Sci.

Phát hiện thay đổi sự hiểu biết về người Neanderthal

Gonzalo Santonja, một lãnh đạo ngành văn hóa ở Tây Ban Nha đã ca ngợi khám phá này tại một cuộc họp báo hồi tháng 5, gọi viên đá là "vật thể di động lâu đời nhất từng được vẽ trên lục địa châu Âu" và "vật thể nghệ thuật di động duy nhất do người Neanderthal vẽ". Ông Gonzalo Santonja còn cho rằng, phát hiện này góp phần làm tăng thêm bằng chứng về nghệ thuật hang động La Pasiega và Maltravieso; rằng người Neanderthal, trước đây được cho là không có khả năng suy nghĩ trừu tượng hoặc thể hiện nghệ thuật, có thể có một nền văn hóa biểu tượng phức tạp hơn so với những gì người ta từng tin.

Tất nhiên, viên đá này không thể so sánh với những bức tranh hang động tao nhã của Homo sapiens thời kỳ đầu tại hang Chauvet của Pháp, nhưng nó lại là một ví dụ về sự thay đổi lớn trong hiểu biết của các nhà khoa học về nhận thức của người Neanderthal. “Cho dù là nghi lễ, đồ trang trí hay dấu hiệu đầu tiên của chữ ký người Neanderthal, viên đá có dấu vân tay này là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy trí tưởng tượng, biểu tượng và sáng tạo không chỉ dành riêng cho con người hiện đại”, ông Gonzalo Santonja nhấn mạnh.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy, người Neanderthal xuất hiện cách đây khoảng 250.000 năm từ các quần thể châu Âu cổ hơn được gọi là tiền Neanderthal nhưng di sản cổ xưa của họ có niên đại hơn 40.000 năm, nghĩa là vào cuối thời kỳ bị tuyệt chủng. Các nhà khoa học đã tranh luận rất nhiều về cách đa dạng di truyền của người Neanderthal thay đổi theo thời gian cũng như việc họ từng sống sót qua một số điều kiện khắc nghiệt nhất ở Âu-Á nhưng cuối cùng lại biến mất một cách bí ẩn. Trước khi phát hiện về viên đá có dấu vân tay được công bố, đầu năm 2025, một nghiên cứu khác được dẫn đầu bởi nhà nghiên cứu Alessandro Urciuoli từ Viện Cổ sinh vật học Catalan Miquel Crusafont, Đại học Tự trị Barcelona (Tây Ban Nha) cũng đã đưa ra nhiều giả định về dân số và cuộc ép di truyền sớm của người Neanderthal.

Bằng chứng từ các hóa thạch ở Tây Ban Nha và Croatia chỉ ra rằng, các nhóm đầu tiên của người Neanderthal có sự đa dạng đáng kể về hình thái. Điều này được thể hiện qua các ống bán khuyên, các cấu trúc giúp giữ thăng bằng. Những thay đổi trong các ống xương đó đóng vai trò là manh mối về biến động dân số. Dân số càng đa dạng thì sự biến đổi trong hình dạng ống bán khuyên của người Neanderthal càng nhiều. Và sự suy giảm tính đa dạng được quan sát thấy giữa mẫu Krapina và người Neanderthal cổ.

A: quang cảnh hang đá San Lázaro trong quá trình khai quật; B: hang đá San Lázaro khi kết thúc cuộc khai quật năm 2022. Ảnh: Archaeol Anthropol Sci.

A: quang cảnh hang đá San Lázaro trong quá trình khai quật; B: hang đá San Lázaro khi kết thúc cuộc khai quật năm 2022. Ảnh: Archaeol Anthropol Sci.

“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng người tiền Neanderthal từ Sima de los Huesos thể hiện mức độ đa dạng về hình thái tương tự như người Neanderthal thời kỳ đầu từ Krapina. Những hiểu biết về hình thái gần đây hơn đã xác nhận rằng, chỉ có người Neanderthal sau này mới trải qua sự mất mát nghiêm trọng về khả năng biến đổi”, nhà nghiên cứu Alessandro Urciuo nhận xét. Theo nhóm nghiên cứu của Viện Cổ sinh vật học Catalan Miquel Crusafont, nút thắt này dường như trùng với những biến động khí hậu cực đoan đã tác động mạnh đến Âu-Á. Khả năng di cư mới từ các khu vực khác hoặc sự tuyệt chủng cục bộ có thể giải thích cho sự thu hẹp đột ngột trong mức độ đa dạng về hình thái của người Neanderthal.

Được biết, từ đầu thế kỷ 20, ngày càng có nhiều mẫu khảo cổ về người Neanderthal được phát hiện giúp xác lập H.neanderthalensis như một loài chính thống trong đó phải kể đến mẫu vật mang tên La Chapelle-aux-Saints 1 (biệt danh "Lão già") được phát hiện tại La Chapelle-aux-Saints, Pháp. Đến giữa thế kỷ 20, với nhiều khám phá mới, cộng đồng khoa học bắt đầu tái xây dựng bức tranh về người Neanderthal. Những ý tưởng như hành vi, trí thông minh và văn hóa của người Neanderthal bắt đầu được thảo luận và hình ảnh "giống người hơn" cũng dần xuất hiện.

Năm 1939, nhà nhân học người Mỹ Carleton Coon đã phục dựng người Neanderthal mặc quần áo công sở hiện đại nhằm nhấn mạnh rằng họ và người hiện đại không khác nhau là mấy. Đến đầu những năm 2000, một số mẫu vật được cho là lai giữa hai dòng người đã được phát hiện: Lagar Velho 1 và Muierii 1. Năm 2010, gen của người Neanderthal trong các quần thể hiện đại lần đầu tiên được xác định với việc lập bản đồ trình tự bộ gen người Neanderthal dựa trên 3 di cốt trong hang Vindija tại Croatia, chứa gần 4% DNA cổ , cho phép các nhà khoa học giải trình gần như hoàn chỉnh bộ gen.

Chu Nguyễn

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/bang-chung-moi-ve-tu-duy-bieu-tuong-cua-nguoi-neanderthal-i774337/
Zalo