Bản tin trưa 23/7: Mỹ áp thuế Nhật Bản 15%, Philippines 19%; Ngân hàng Nhà nước nói về xu hướng lãi suất

Tin tức nổi bật trưa 23/7: Mỹ áp thuế Nhật Bản 15%, Philippines 19%, mở rộng thị trường cho hàng hóa Mỹ; Công chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm trước tháng 7/2027; Ngân hàng Nhà nước nói về xu hướng lãi suất; ADB hạ dự báo tăng trưởng, kinh tế Việt Nam vẫn giữ đà ổn định; Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam... và một số tin tức đáng chú ý khác.

Mỹ áp thuế Nhật Bản 15%, Philippines 19%, mở rộng thị trường cho hàng hóa Mỹ

Ngày 22/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đã đạt được “thỏa thuận thương mại lớn nhất lịch sử” với Nhật Bản, theo đó Mỹ sẽ áp thuế đối ứng mới ở mức 15%, thay vì 25% như công bố trước đó. Đổi lại, Nhật Bản cam kết đầu tư 550 tỷ USD vào Mỹ và mở cửa hoàn toàn thị trường cho ôtô, xe tải, gạo cùng nhiều nông sản Mỹ. Ông Trump khẳng định Mỹ sẽ thu về “90% lợi nhuận” từ khoản đầu tư này và tạo ra hàng trăm nghìn việc làm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Ngoài Nhật Bản, Mỹ cũng đạt thỏa thuận thương mại với Philippines với mức thuế ưu đãi 19%, giảm từ 20% trước đó. Philippines sẽ giảm thuế nhập khẩu về 0% và mở cửa thị trường cho hàng Mỹ, đồng thời tăng cường hợp tác quốc phòng với Washington. Tổng thống Trump đánh giá Tổng thống Ferdinand Marcos là một "nhà đàm phán cứng rắn và hiệu quả".

Trước đó, Nhật Bản bị áp thuế cao vì chưa đồng ý nhập khẩu gạo Mỹ. Tuy nhiên, dưới áp lực đàm phán và xuất khẩu giảm mạnh (đặc biệt là ôtô và linh kiện), Tokyo đã nhượng bộ. Xuất khẩu Nhật sang Mỹ trong tháng 6 giảm 11,4%, với xe hơi giảm gần 27% và dược phẩm giảm tới 41%.

Công chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm trước tháng 7/2027

Theo kế hoạch triển khai Luật Cán bộ, công chức năm 2025 vừa được ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thành việc bố trí vị trí việc làm và xếp ngạch lương tương ứng cho công chức trên toàn quốc trước ngày 1/7/2027.

Bộ Nội vụ được giao chủ trì soạn thảo ba nghị định quan trọng liên quan đến đánh giá, phân loại công chức, quy định vị trí việc làm, và tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, các cơ quan, địa phương phải cập nhật dữ liệu công chức đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia.

Hiện nay, công chức vẫn được trả lương theo hệ số nhân với mức lương cơ sở (2,34 triệu đồng/tháng từ tháng 7/2024). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và các yếu tố khách quan, lộ trình cải cách tiền lương bị trì hoãn.

Việc chuyển sang chế độ trả lương theo vị trí việc làm là bước tiến quan trọng, đảm bảo mức lương phản ánh đúng năng lực, trách nhiệm và kết quả công việc, tiến tới tiệm cận thu nhập khu vực tư nhân, hạn chế tiêu cực và thu hút nhân tài vào khu vực công.

Ngân hàng Nhà nước nói về xu hướng lãi suất

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tính đến nay, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay mới chỉ còn 6,23%/năm, giảm 0,7 điểm phần trăm so với cuối năm 2024.

Ở chiều huy động, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại nhìn chung ổn định, một số tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ để hỗ trợ thanh khoản. Trong tháng 7, nhiều ngân hàng như Bắc Á Bank, VIB, Bảo Việt, Lộc Phát và Quốc dân Bank đã giảm lãi suất huy động từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm ở nhiều kỳ hạn.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đẩy mạnh chuyển đổi số và điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.

ADB hạ dự báo tăng trưởng, kinh tế Việt Nam vẫn giữ đà ổn định

Theo báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 7/2025, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại, thuế quan gia tăng và môi trường kinh tế toàn cầu kém ổn định. ADB dự báo khu vực sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2025 và 4,6% trong năm 2026, giảm lần lượt 0,2 và 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục duy trì nền tảng vững chắc với mức tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,3% năm 2025 và 6,0% năm 2026, dù đã giảm so với mức 6,6% và 6,5% dự báo hồi tháng 4. Nguyên nhân chính là áp lực từ thuế nhập khẩu mới của Mỹ và nhu cầu xuất khẩu sụt giảm. Tuy nhiên, dòng vốn FDI tiếp tục tăng mạnh, cùng tiến độ giải ngân đầu tư công cao kỷ lục, đã góp phần duy trì đà phục hồi kinh tế trong nửa đầu năm.

ADB khuyến nghị các nền kinh tế trong khu vực cần đẩy mạnh cải cách, mở rộng thương mại và tăng cường hội nhập để ứng phó hiệu quả với các rủi ro toàn cầu ngày càng gia tăng.

Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm trong 6 tháng đầu năm 2025 tăng mạnh, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc (bao gồm Hong Kong) với kim ngạch gần 595 triệu USD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ. Lần đầu tiên, Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành thị trường lớn nhất của tôm Việt nhờ nhu cầu tiêu dùng cao và thiếu hụt nguồn cung nội địa.

Tôm chân trắng chiếm tỷ trọng cao nhất, trong khi nhóm “tôm loại khác” tăng trưởng tới 124%, phản ánh xu hướng đa dạng hóa sản phẩm và phân khúc.

Ngược lại, xuất khẩu sang Mỹ gặp khó do chính quyền Tổng thống Trump tăng thuế nhập khẩu tôm lên 20% từ tháng 8, chưa kể rủi ro thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp dự kiến áp dụng cuối năm.

Giá tôm trong nước tăng mạnh trong tháng 7 khi doanh nghiệp gấp rút giao hàng trước thời điểm áp thuế. Nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng chiến lược, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, và đầu tư vào sản phẩm chế biến sâu để duy trì tăng trưởng bền vững.

TP.HCM phân luồng giao thông để giảm ùn tắc tại nút giao Tân Vạn - Vành đai 3

Trước tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại nút giao Tân Vạn, nơi đang thi công tuyến Vành đai 3, Sở Xây dựng TP.HCM đã đề xuất loạt giải pháp nhằm giảm áp lực giao thông sau khi tỉnh lộ 743 bị đóng từ ngày 16/7 để phục vụ thi công.

Theo đó, phương án mới được thống nhất là chỉ rào chắn một nửa mặt đường bên hông cầu vượt thép tại nút giao Tân Vạn, phần còn lại cho phép xe tải, container lưu thông từ cầu Đồng Nai về tỉnh lộ 743, góp phần giảm ùn ứ cục bộ.

Song song, Sở đề nghị đẩy nhanh hoàn thiện tuyến đại lộ Đông Tây, nối với quốc lộ 1 gần Tân Vạn, dự kiến thông xe trước ngày 25/7. Tuyến này sẽ tạm thay thế cho các lộ trình bị gián đoạn trong quá trình thi công. Ngoài ra, đường song hành Vành đai 3 cũng cần hoàn tất trước 15/8 nhằm đảm bảo dòng xe lưu thông ổn định.

TP.HCM yêu cầu lắp đặt đầy đủ biển báo và tăng cường lực lượng điều tiết tại khu vực. Tình trạng ùn tắc càng nghiêm trọng khi cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đồng thời thi công, khiến lưu lượng xe dồn về quốc lộ 1 và khu vực Tân Vạn.

Đề xuất chế độ phụ cấp mới đối với nhà giáo từ 1/1/2026

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định quy định chế độ tiền lương, phụ cấp và chính sách thu hút, hỗ trợ nhà giáo khi Luật Nhà giáo chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

Theo dự thảo, nhà giáo sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề từ 25% đến 80% tùy theo cấp học, khu vực công tác và tính chất đặc thù. Mức thấp nhất 25% áp dụng cho nhà giáo giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học, học viện, cao đẳng và các trường chính trị, bồi dưỡng của Trung ương. Các mức từ 30% đến 50% dành cho nhà giáo ở các trường phổ thông, trung cấp, giáo dục thường xuyên, giáo dục mầm non và các trường ở vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo.

Mức phụ cấp cao nhất 80% áp dụng cho giáo viên mầm non công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Dự thảo cũng bổ sung cơ chế hỗ trợ chênh lệch phụ cấp trong trường hợp giáo viên công tác tại trường giáo dưỡng hưởng phụ cấp quốc phòng, an ninh thấp hơn 70%.

Thủ tướng yêu cầu khẩn cấp đảm bảo an toàn hồ thủy điện Bản Vẽ

Ngày 22/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Công điện số 119 yêu cầu ứng phó khẩn cấp với mưa lũ trên lưu vực sông Cả. Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, khu vực phía tây Nghệ An ghi nhận mưa lớn, nhiều nơi vượt 300 mm trong 24 giờ. Lưu lượng nước đổ về hồ thủy điện Bản Vẽ, công trình thủy điện lớn nhất Bắc Trung Bộ đã vượt mức thiết kế, gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống và sạt lở đất.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trực tiếp chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, đặc biệt là hồ thủy điện Bản Vẽ, đồng thời chuẩn bị phương án bảo vệ dân cư trong mọi tình huống khẩn cấp.

Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an được giao phối hợp chặt chẽ với địa phương để theo dõi tình hình, chủ động triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ ứng phó thiên tai.

Hiện hồ Bản Vẽ đang xả lũ xuống hạ du với lưu lượng 1.727 m³/s và dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhanh để giảm áp lực tích nước.

Đề xuất cấm sử dụng trang phục bác sĩ trong quảng cáo mỹ phẩm

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Quảng cáo, trong đó đề xuất cấm sử dụng hình ảnh, trang phục bác sĩ, dược sĩ và nhân viên y tế trong quảng cáo mỹ phẩm nhằm tránh gây hiểu nhầm sản phẩm là thuốc.

Dự thảo quy định nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải rõ ràng, bao gồm tên sản phẩm, công dụng, tính năng và thông tin đơn vị chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Việc quảng cáo không được gợi ý rằng mỹ phẩm có tác dụng như thuốc, đồng thời cấm dẫn chiếu ý kiến từ cơ sở y tế hay thư tín của bác sĩ.

Ngoài mỹ phẩm, dự thảo liệt kê 11 nhóm sản phẩm, dịch vụ có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và môi trường cần kiểm soát chặt chẽ khi quảng cáo, như: sữa và sản phẩm dinh dưỡng trẻ nhỏ, thiết bị y tế, hóa chất diệt côn trùng, thuốc thú y, thực phẩm bổ sung...

Bên cạnh đó, quảng cáo thực phẩm và sữa trẻ em phải kèm theo các cảnh báo rõ ràng, tuân thủ quy định pháp luật và hiệp định quốc tế. Dự thảo cũng điều chỉnh hoạt động quảng cáo trên báo, mạng xã hội, ngoài trời và quản lý đại diện quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam.

NH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/ban-tin-trua-23-7-my-ap-thue-nhat-ban-15-philippines-19-ngan-hang-nha-nuoc-noi-ve-xu-huong-lai-suat-320267.html
Zalo