Bản tin sáng 17/7: Cấp sổ hồng lần đầu tại TP.HCM không quá 30 ngày làm việc

Tin tức nổi bật sáng 17/7: Cấp sổ hồng lần đầu tại TP.HCM không quá 30 ngày làm việc; Phó Thủ tướng yêu cầu Vinafood II tái cơ cấu theo hướng công nghệ cao, kinh tế xanh; Nghệ An phát huy truyền thống cách mạng, hướng tới trở thành cực tăng trưởng quốc gia; Điều chỉnh quy hoạch sân bay: Tăng công suất Gia Bình, giảm công suất Nội Bài; Hà Nội đề xuất hỗ trợ 3 - 5 triệu đồng để người dân chuyển sang xe máy điện... và một số tin tức đáng chú ý khác.

Cấp sổ hồng lần đầu tại TP.HCM không quá 30 ngày làm việc

Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM vừa ban hành cẩm nang hướng dẫn thủ tục cấp sổ hồng lần đầu và các thủ tục đất đai khác tại cấp xã. Theo đó, thời gian giải quyết việc cấp sổ hồng lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức tối đa không quá 30 ngày làm việc; riêng tại khu vực đô thị là không quá 20 ngày.

Việc tiếp nhận và trả kết quả được thực hiện tại trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã. Đối với tổ chức, quy trình gồm 4 bước: nộp hồ sơ; tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ; kiểm tra thực địa; trình UBND TP.HCM quyết định, xác định nghĩa vụ tài chính và cấp giấy chứng nhận.

Với hộ gia đình, cá nhân, quy trình đơn giản hơn với 3 bước: nộp hồ sơ; kiểm tra hồ sơ và chuyển cấp xã; nhận kết quả là sổ hồng hoặc thông báo đăng ký đất đai.

TP.HCM cũng đã đưa nhân sự từ chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai về 168 phường, xã nhằm hỗ trợ người dân hoàn thiện hồ sơ. Việc này góp phần đẩy nhanh tiến độ cấp sổ, đảm bảo minh bạch, đồng bộ trong quản lý đất đai tại địa phương.

TP.HCM tập huấn an toàn thực phẩm cho cán bộ 168 phường, xã và đặc khu

Từ ngày 15 - 31/7, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức chương trình tập huấn trực tuyến cho cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm tại 167 phường, xã và 1 đặc khu. Các buổi tập huấn được phát trực tiếp qua nền tảng Zoom từ trụ sở Sở An toàn thực phẩm đến 168 điểm cầu địa phương.

Nội dung tập huấn tập trung cập nhật văn bản pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm, hướng dẫn quy trình cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hồ sơ tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố và quảng cáo thực phẩm. Đồng thời, cán bộ cũng được hướng dẫn triển khai đề án truy xuất nguồn gốc, kỹ năng lấy mẫu giám sát mối nguy.

Song song đó, Sở phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức 7 lớp tập huấn trực tiếp cho lãnh đạo và nhân viên y tế tại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT, trường quốc tế và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Ngày 17/7, một buổi tập huấn chuyên biệt dành cho nhân viên bếp ăn và căng tin trong khu ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ diễn ra nhằm tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong sinh viên nội trú.

Hà Nội vận động mở cửa nhà vệ sinh miễn phí phục vụ du khách dịp 2/9

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành công văn phát động phong trào "Sáng - xanh - sạch - đẹp" nhằm phục vụ chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Trong đó, thành phố khuyến khích người dân, cơ quan, doanh nghiệp mở cửa nhà vệ sinh miễn phí cho du khách như một nét đẹp văn hóa đô thị.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao UBND các quận, huyện tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư tham gia hỗ trợ, đặc biệt tại các khu vực đông người và điểm tổ chức sự kiện. Việc này không chỉ áp dụng trong dịp lễ mà còn được khuyến khích duy trì lâu dài.

Trước đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp các đơn vị liên quan khảo sát và xây dựng phương án bố trí nhà vệ sinh lưu động, phục vụ khoảng 1 triệu người tham dự chuỗi sự kiện.

Dự kiến thành phố sẽ lắp đặt hơn 610 nhà vệ sinh lưu động và huy động thêm 400 nhà vệ sinh tại cơ quan, trường học, bệnh viện và hộ dân để sử dụng miễn phí, đảm bảo điều kiện vệ sinh và văn minh đô thị trong dịp lễ trọng đại này.

Phó Thủ tướng yêu cầu Vinafood II tái cơ cấu theo hướng công nghệ cao, kinh tế xanh

Ngày 16/7, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đại hội xác định các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chiến lược cho giai đoạn mới.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, Vinafood II đạt tổng sản lượng 5 triệu tấn, tương đương 141,72% kế hoạch. Doanh thu tăng bình quân 11,41%/năm, thu nhập người lao động tăng hơn 10%/năm, đạt bình quân 12,4 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp đã nộp ngân sách 967 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính phát biểu tại đại hội. Ảnh: Sơn Nhung

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính phát biểu tại đại hội. Ảnh: Sơn Nhung

Hiện Vinafood II kinh doanh khoảng 3 triệu tấn lúa mỗi năm, xuất khẩu gạo đạt kim ngạch trên 700 triệu USD, tổng doanh thu vượt 23.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp có mạng lưới đối tác tại nhiều quốc gia và sở hữu các thương hiệu uy tín như Safoco, Foodcosa, Colusa-Miliket.

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính biểu dương những kết quả đạt được và đề nghị Vinafood II tiếp tục tái cơ cấu mô hình sản xuất - xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, phát triển kinh tế xanh, nâng cao giá trị gia tăng và đóng vai trò dẫn dắt nông dân, hợp tác xã trong chuỗi giá trị ngành lúa gạo.

Nghệ An phát huy truyền thống cách mạng, hướng tới trở thành cực tăng trưởng quốc gia

Ngày 16/7, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cùng đoàn công tác dự Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại xã Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Ông đánh giá cao thành tích của địa phương trong phong trào bảo vệ an ninh trật tự, với hơn 3.600 mô hình tiêu biểu, góp phần đưa toàn bộ xã cũ ra khỏi diện trọng điểm về an ninh.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại xã Đô Lương. Ảnh: B. Phạm

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại xã Đô Lương. Ảnh: B. Phạm

Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, ông Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định Trung ương luôn hướng về cơ sở. Ông đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách cho vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số; chuẩn bị chu đáo cho Đại hội Đảng cấp cơ sở và bầu cử Quốc hội khóa XVI.

Ông nhấn mạnh yêu cầu chính quyền hai cấp phải lấy người dân làm trung tâm, thực hiện tận tâm, không gây phiền hà. Nghệ An được kỳ vọng phát huy truyền thống cách mạng, xứng đáng là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và trở thành cực tăng trưởng quốc gia như mong muốn của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Khánh Hòa đặt mục tiêu trở thành trung tâm bán dẫn và trí tuệ nhân tạo

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Nghị quyết đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt hai con số trong giai đoạn 2025 - 2030, với tham vọng đưa địa phương trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và trung tâm dữ liệu quốc gia, khu vực.

Tỉnh định hướng phát triển dựa trên bốn trụ cột: công nghiệp, năng lượng, du lịch - dịch vụ và đô thị - xây dựng. Trong đó, công nghiệp được xác định là động lực tăng trưởng chính, với tốc độ phát triển kỳ vọng đạt 15 - 20%/năm. Khánh Hòa đặt mục tiêu thuộc top 10 địa phương có thu ngân sách nội địa cao nhất cả nước, đồng thời dẫn đầu về năng lực cạnh tranh và cải cách hành chính.

Để hiện thực hóa mục tiêu, tỉnh ưu tiên đầu tư hạ tầng số, giao thông, khu công nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, hiệu quả thấp. Việc giải quyết 11 dự án theo Nghị quyết 170 của Quốc hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm khai thông nguồn lực phát triển.

Khánh Hòa cũng xác định phát triển đô thị Nha Trang và Phan Rang làm hạt nhân, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Điều chỉnh quy hoạch sân bay: Tăng công suất Gia Bình, giảm công suất Nội Bài

Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Xây dựng đề xuất điều chỉnh Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050 theo thủ tục rút gọn.

Theo đó, công suất sân bay Gia Bình được điều chỉnh tăng lên 30 triệu hành khách/năm vào năm 2030 và 50 triệu hành khách/năm vào năm 2050. Do sân bay này nằm gần Nội Bài (chỉ cách 43 km), việc tăng công suất tại Gia Bình đồng nghĩa phải giảm công suất Nội Bài để đảm bảo năng lực vùng trời, dự kiến chỉ còn 35 triệu hành khách/năm vào 2030 và 60 triệu hành khách/năm vào 2050.

Quy hoạch cũng điều chỉnh diện tích đất sử dụng cho Gia Bình lên khoảng 1.960 ha, làm thay đổi tổng diện tích đất và chi phí đầu tư toàn hệ thống sân bay cả nước, hiện ước tính khoảng 443.000 tỷ đồng đến năm 2030.

Bộ Xây dựng đã phê duyệt bổ sung Gia Bình vào danh sách sân bay quốc gia, đồng thời tiến hành rà soát, điều chỉnh các phụ lục quy hoạch liên quan nhằm đảm bảo đồng bộ, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh.

Hà Nội đề xuất hỗ trợ 3 - 5 triệu đồng để người dân chuyển sang xe máy điện

Theo dự thảo Nghị quyết của TP. Hà Nội, cá nhân chuyển đổi từ xe máy xăng, dầu sang xe máy điện (giá trị từ 15 triệu đồng trở lên) sẽ được hỗ trợ tài chính từ 3 đến 5 triệu đồng/xe, tùy đối tượng.

Cụ thể: cá nhân thường được hỗ trợ 3 triệu đồng, hộ cận nghèo 4 triệu đồng và hộ nghèo 5 triệu đồng. Mỗi cá nhân được hỗ trợ tối đa một xe đến hết năm 2030.

Thành phố cũng dự kiến hỗ trợ vay vốn ưu đãi (lãi suất 3 - 5%/năm, thời hạn tối đa 5 năm) cho các doanh nghiệp vận tải, thu hồi - tái chế xe cũ, đầu tư trạm sạc. Đồng thời, miễn 100% lệ phí trước bạ và đăng ký biển số với phương tiện xanh đến năm 2030.

Hà Nội sẽ từng bước hạn chế xe chạy xăng, bắt đầu thí điểm từ 2026, tiến tới cấm hoàn toàn trong các vành đai đến năm 2050. Thành phố cũng thúc đẩy lắp trạm sạc tại các công trình, ưu tiên đầu tư hạ tầng năng lượng sạch và mời gọi nhà đầu tư theo hình thức PPP, đảm bảo phát triển giao thông bền vững.

Cục Hàng không làm rõ vụ bánh mì 208.000 đồng tại sân bay Nội Bài

Liên quan đến phản ánh báo chí về ổ bánh mì có giá 208.000 đồng tại sân bay quốc tế Nội Bài, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và yêu cầu các đơn vị liên quan vào cuộc xác minh.

Theo kết quả rà soát, sản phẩm thuộc cửa hàng Bigbowl tại tầng 3 khu cách ly Nhà ga T2. Đây là chuỗi cửa hàng có thương hiệu đã đăng ký bảo hộ, sử dụng nguyên liệu nhập khẩu (thịt heo từ Brazil, 200 gram). Giá sản phẩm được niêm yết đầy đủ, công khai theo quy định hiện hành. Ngoài món bánh mì phản ánh, cửa hàng còn phục vụ nhiều sản phẩm với mức giá từ 2,1 USD.

Nhà ga T2 hiện có 24 quầy ăn uống, giá từ 20.000 đồng (khu công cộng) hoặc 1,5 USD (khu cách ly). Các đơn vị cung cấp dịch vụ đều tuân thủ quy định về chất lượng, niêm yết giá và hàng hóa thiết yếu.

Cục Hàng không đã yêu cầu Cảng vụ miền Bắc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động dịch vụ phi hàng không, đảm bảo minh bạch giá cả và quyền lợi hành khách. Đồng thời, chỉ đạo ACV rà soát, chấn chỉnh kịp thời những bất cập trong cung ứng dịch vụ tại các cảng hàng không.

Sân bay Liên Khương sẽ tạm đóng cửa từ tháng 3/2026 để nâng cấp

Chiều 16/7, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng làm việc với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về kế hoạch cải tạo sân bay Liên Khương. Theo đó, thời điểm tạm đóng cửa để thi công được điều chỉnh từ tháng 11/2025 sang tháng 3/2026, nhằm hạn chế tác động đến du lịch và kinh tế địa phương trong mùa cao điểm cuối năm.

ACV cho biết hạ tầng sân bay Liên Khương đã xuống cấp, ảnh hưởng đến tần suất khai thác. Việc nâng cấp là cần thiết để đảm bảo an toàn bay và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Dự kiến, quá trình sửa chữa kéo dài 6 tháng và sẽ hoàn thành trước mùa mưa năm 2026.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, sân bay đã phục vụ khoảng 1 triệu lượt khách, với tốc độ tăng trưởng dự kiến 10% mỗi năm, hướng tới 3,5 triệu lượt vào năm 2030. ACV dự kiến đầu tư 3.700 tỷ đồng để xây dựng nhà ga mới và các hạng mục hạ tầng đồng bộ, nâng công suất phục vụ lên hơn 5 triệu lượt khách/năm sau năm 2030. Việc nâng cấp được xem là bước đi chiến lược cho sự phát triển dài hạn.

TH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/ban-tin-sang-17-7-cap-so-hong-lan-dau-tai-tp-hcm-khong-qua-30-ngay-lam-viec-320005.html
Zalo