Bản tin chiều 18/7: Boeing hợp tác với Việt Nam nâng cao năng lực quản lý không lưu; TP.HCM sẽ phủ biển báo phát sáng khắp các tuyến đường
Tin tức nổi bật chiều 18/7: Boeing hợp tác với Việt Nam nâng cao năng lực quản lý không lưu; TP.HCM sẽ làm 176km đường ven sông; TP.HCM sẽ phủ biển báo phát sáng khắp các tuyến đường; Xuất khẩu chuối, dứa, chanh dây kỳ vọng đạt tỷ USD; Thép cuộn cán nóng của Hòa Phát không bị EU áp thuế chống bán phá giá... và một số thông tin đáng chú ý khác.
Thủ tướng giao quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1559/QĐ-TTg điều động ông Trần Đức Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng thanh tra Thường trực Thanh tra Chính phủ về công tác tại Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đồng thời giao quyền Bộ trưởng. Quyết định có hiệu lực từ ngày 17/7/2025.

Ông Trần Đức Thắng được Thủ tướng giao quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Ông Trần Đức Thắng sinh năm 1973, quê tỉnh Vĩnh Phúc (nay là tỉnh Phú Thọ), từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo tại Bộ Tài chính, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tỉnh ủy Hải Dương và Thanh tra Chính phủ.
Ông Thắng kế nhiệm ông Đỗ Đức Duy - người vừa bị Bộ Chính trị cảnh cáo ngày 17/7 do vi phạm trong thời gian giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng ngày, Chủ tịch nước cũng ký quyết định tạm đình chỉ chức vụ Bộ trưởng đối với ông Duy, chờ Quốc hội xem xét miễn nhiệm.
Boeing hợp tác với Việt Nam nâng cao năng lực quản lý không lưu
Ngày 18/7, Boeing và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) ký Biên bản ghi nhớ nhằm nghiên cứu các sáng kiến chiến lược nâng cao an toàn, hiệu quả hệ thống quản lý không lưu quốc gia, đặc biệt hỗ trợ đưa sân bay Long Thành vào khai thác.

Hai bên sẽ tập trung nghiên cứu các lĩnh vực trọng điểm như quản lý không phận vùng đô thị TP.HCM, chia sẻ dữ liệu thời gian thực, áp dụng công nghệ không lưu thế hệ mới theo lộ trình của ICAO và FAA. Hợp tác cũng bao gồm chương trình đào tạo về kỹ thuật và quản trị cho nhân sự ngành hàng không.
Theo ông Nguyễn Công Long - Tổng giám đốc VATM, hợp tác với Boeing sẽ giúp hiện đại hóa hệ thống quản lý không lưu của Việt Nam. Ông Mike Sinnett - lãnh đạo cấp cao của Boeing nhận định lưu lượng hành khách tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới và cam kết hỗ trợ ngành hàng không Việt phát triển bền vững, an toàn và hiện đại.
TP.HCM sẽ phủ biển báo phát sáng khắp các tuyến đường
Từ đầu tháng 7, TP.HCM bắt đầu lắp đặt thí điểm các biển báo giao thông phát sáng tại 5 vị trí nhằm tăng cường cảnh báo và đảm bảo an toàn cho người đi đường trong điều kiện ánh sáng yếu. Hệ thống này phát sáng vào ban đêm hoặc khi trời mưa, giúp phương tiện dễ quan sát, tránh va chạm.

Sau hơn 15 ngày triển khai, Sở Xây dựng đánh giá các biển báo mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao ý thức quan sát của người tham gia giao thông. Trong 11 biển báo có 10 biển sử dụng năng lượng mặt trời và 1 biển sử dụng nguồn điện lưới.
Ngoài ra, thành phố còn thí điểm đèn LED gắn trên vỉa hè đồng bộ với đèn tín hiệu, giúp người đi bộ dễ nhận diện vị trí qua đường. TP.HCM đang phối hợp với lực lượng chức năng theo dõi hiệu quả để từng bước phủ rộng mô hình biển báo phát sáng trên toàn địa bàn.
TP.HCM sẽ làm 176km đường ven sông
Sau khi hợp nhất với Bình Dương, TP.HCM sẽ phát triển trục đường ven sông Sài Gòn dài 176km, kết nối với các tuyến Vành đai và cao tốc, góp phần tăng cường liên kết vùng Đông Nam bộ.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, tuyến đường ven sông chia làm hai phần. Tuyến số 1 dài 78,2km, từ Tây Ninh đến Cần Giờ, quy mô 4-8 làn xe, đang được triển khai đoạn đầu tiên (cầu Ba Son - cầu Sài Gòn). Tuyến số 2 dài 98,2km thuộc khu vực Bình Dương cũ, định hướng đầu tư giai đoạn 2025-2030.

Tuyến đường này không chỉ giảm tải cho Quốc lộ 13, mà còn hình thành trục cảnh quan sông nước, thúc đẩy phát triển đô thị, dịch vụ và du lịch. Một số đoạn đã được khởi động đầu tư, riêng đoạn từ cảng An Sơn đến Vành đai 3 sẽ mở rộng nền đường lên 42m để phục vụ giao thông và logistics.
Đầu tư gần 5.000 tỷ đồng xây tuyến kết nối Thái Bình - Hưng Hà - Hưng Yên
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên vừa phê duyệt dự án tuyến đường kết nối TP. Thái Bình với huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) và địa phận tỉnh Hưng Yên, tổng vốn gần 4.928 tỷ đồng.
Tuyến dài khoảng 24,8km, điểm đầu tại phường Thái Bình, điểm cuối tại đầu cầu vượt sông Luộc (xã Ngự Thiện, Hưng Yên). Dự án gồm 8 cây cầu, 9 nút giao, chia hai giai đoạn, triển khai từ năm 2025 đến 2028 bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương.

Khi hoàn thành, tuyến sẽ góp phần hoàn thiện trục giao thông Đông - Tây, kết nối Hưng Yên với các vùng lân cận và Thủ đô Hà Nội, đồng thời liên kết với Vành đai 5 vùng Thủ đô, giảm tải cho Quốc lộ 10 và 39. Dự án cũng mở không gian phát triển mới, thúc đẩy sản xuất, dịch vụ, logistics cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Thép cuộn cán nóng của Hòa Phát không bị EU áp thuế chống bán phá giá
Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố quyết định cuối cùng về vụ điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ một số nước, trong đó sản phẩm của Tập đoàn Hòa Phát được miễn áp thuế.

HRC của Hòa Phát xuất sang EU sẽ chịu thuế 0%, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam khác bị áp thuế 12,1%, Nhật Bản từ 6,9-30,4% và Ai Cập là 11,7%. Đây là lợi thế cạnh tranh lớn giúp Hòa Phát duy trì xuất khẩu ổn định sang châu Âu.
Kết quả tích cực này đến từ năng lực sản xuất đồng bộ, hệ thống kế toán minh bạch và sự hợp tác chủ động của Hòa Phát với cơ quan điều tra EU. Tập đoàn hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, với công suất dự kiến đạt 16 triệu tấn/năm vào cuối năm 2025, trong đó có 9 triệu tấn HRC, đủ đáp ứng toàn bộ nhu cầu thị trường nội địa.
Xuất khẩu chuối, dứa, chanh dây... kỳ vọng đạt tỷ USD
Chuối, dứa và chanh dây đang nổi lên như những mặt hàng xuất khẩu chủ lực mới, được kỳ vọng sẽ mang về tỷ USD cho Việt Nam nếu được đầu tư bài bản, mở rộng vùng trồng và nâng chất lượng. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức sáng 18/7 tại TP.HCM

Các diễn giả chia sẻ tại diễn đàn sáng 18/7
Năm 2024, chuối đạt kim ngạch gần 380 triệu USD, xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật, Mỹ. Tuy vậy, thu nhập bình quân mới đạt 2.400 USD/ha. Các doanh nghiệp như Unifarm đang ứng dụng công nghệ cao, hướng đến chuẩn hóa toàn chuỗi để nâng giá trị.
Chanh dây cũng nổi bật với doanh thu hàng trăm triệu USD mỗi năm. Nếu Trung Quốc mở cửa hoàn toàn và ngành được quy hoạch tốt, kim ngạch có thể vượt mốc tỷ USD, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Nafoods.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo vẫn còn nhiều điểm nghẽn về giống, chất lượng, truy xuất và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Giải pháp đặt ra là tổ chức lại sản xuất, tăng giám sát và đầu tư công nghệ nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp
Theo Quyết định số 1548/QĐ-TTg ngày 17/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp được hợp nhất từ Ban Quản lý các khu công nghiệp Tiền Giang và Ban Quản lý Khu kinh tế Đồng Tháp (cũ). Cơ quan này trực thuộc UBND tỉnh Đồng Tháp, có chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghiệp, khu kinh tế (bao gồm khu kinh tế cửa khẩu) trên địa bàn.

Ban Quản lý còn thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ hành chính công và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Cơ quan này có tư cách pháp nhân, con dấu hình quốc huy, tài khoản riêng và được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước theo kế hoạch hằng năm, cùng các nguồn khác theo quy định.
UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ ban hành quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý. Quyết định này đồng thời bãi bỏ Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Miền Bắc lập đỉnh tiêu thụ điện mới do nắng nóng kéo dài
Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, tối 17/7, công suất tiêu thụ điện tại 17 tỉnh, thành miền Bắc (không gồm Hà Nội) đạt 18.242MW - mức cao nhất từ đầu năm, vượt kỷ lục cũ 18.084MW ghi nhận ngày 2/6.
Nguyên nhân chính là nắng nóng kéo dài, nhiều nơi nhiệt độ vượt 38°C, khiến nhu cầu sử dụng điều hòa, thiết bị làm mát tăng vọt, đặc biệt trong khung giờ cao điểm buổi tối.

EVNNPC cho biết đang huy động tối đa nguồn lực để bảo đảm cung ứng điện an toàn cho hơn 11 triệu khách hàng. Đồng thời, ngành điện kêu gọi người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm, tránh dùng thiết bị công suất lớn cùng lúc trong các khung giờ cao điểm (13-15 giờ và 20-23 giờ), duy trì điều hòa ở mức 26-27°C, ưu tiên thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Việc sử dụng điện hợp lý không chỉ giảm chi phí sinh hoạt mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng trong cao điểm mùa hè.
Dòng tiền tiếp tục vào thị trường chứng khoán, VN-Index sát mốc 1.500 điểm
Chốt phiên 18/7, VN-Index tăng 7,27 điểm, lên 1.497,28 điểm, với thanh khoản gần 36.000 tỷ đồng. Trong phiên, chỉ số nhiều lần vượt 1.500 điểm nhưng áp lực chốt lời cuối phiên khiến đà tăng thu hẹp. Sắc xanh lan tỏa toàn thị trường, đặc biệt tại nhóm VN30 với các mã STB, MSN, TCB, VPB… tăng mạnh.
Nhóm năng lượng dẫn đầu tăng trưởng nhờ giá dầu thế giới đi lên. Trong khi đó, công nghệ thông tin giảm sâu do áp lực điều chỉnh tại một số cổ phiếu vốn hóa lớn.

Khối ngoại bán ròng hơn 105 tỷ đồng trên HOSE, tập trung vào các mã FPT, VCB, GEX và VHM. Tuy nhiên, tại HNX, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 63 tỷ đồng. Trên UPCOM, khối ngoại bán ròng hơn 32 tỷ đồng.
Với dòng tiền dồi dào, tâm lý nhà đầu tư ổn định và kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II khả quan, VN-Index được dự báo có thể vượt mốc đỉnh lịch sử 1.535 điểm trong thời gian tới, mở ra cơ hội mới cho thị trường nửa cuối năm.