Bán rừng với giá 20 triệu đồng vì... 'không biết đây là rừng phòng hộ'
Hơn 2,5 ha rừng keo chức năng phòng hộ ven biển tại thôn An Lộc, phường Phong Quảng (TP Huế) vừa bị chặt hạ không phép, để lại hiện trường tan hoang với hàng nghìn gốc cây bị cưa sát gốc, gỗ đã bị vận chuyển khỏi hiện trường. Chính quyền địa phương thừa nhận đã bán rừng với giá 20 triệu đồng vì 'không biết đây là rừng phòng hộ'.
VIDEO: Rừng phòng hộ ven biển TP Huế bị chặt phá tan hoang.

Ngày 11/7, Phòng Pháp chế Thanh tra Chi cục Kiểm lâm TP Huế phối hợp Hạt Kiểm lâm khu vực phía bắc Huế tiến hành làm việc với UBND phường Phong Quảng nhằm làm rõ vụ chặt phá rừng xảy ra tại tiểu khu 89.

Trước đó, lực lượng kiểm lâm Huế trong quá trình kiểm tra thực địa đã phát hiện hàng loạt cây keo tại các lô 152 và 161, khoảnh 1, bị đốn hạ trắng. Khu vực rừng bị triệt phá thuộc xã Quảng Công (huyện Quảng Điền cũ), nay là phường Phong Quảng, TP Huế, với chức năng phòng hộ ven biển.

Tại hiện trường, hàng nghìn cây rừng phòng hộ có đường kính từ 6 đến 30 cm đã bị cưa sát gốc, phần lớn được di chuyển đi nơi khác, chỉ còn sót lại một số cành cây khô và thân cây sâu bệnh.

Qua kiểm đếm, cơ quan chức năng xác định có tổng cộng 1.461 cây keo lưỡi liềm bị chặt hạ, trên diện tích 3,1 ha. Trong đó, hơn 2,5 ha thuộc rừng phòng hộ ven biển và gần 0,6 ha là rừng sản xuất.

Các khu vực bị chặt nằm sát khu dân cư tái định cư thôn An Lộc - nơi từng chịu thiệt hại nặng do sạt lở bờ biển, nên việc mất rừng phòng hộ được cho là làm gia tăng nguy cơ xâm thực, gây nguy hiểm đến đời sống dân sinh.

Làm việc với cơ quan chức năng, ông Nguyễn Đình Thông - Phó Chủ tịch UBND phường Phong Quảng (nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Công cũ), thừa nhận chính quyền địa phương đã ra quyết định thanh lý khu rừng keo này vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5/2025 với giá 20 triệu đồng.

Ông Thông cho biết, sau mưa bão năm 2024, nhiều cây rừng bị gãy đổ nên xã đã kiểm đếm, xin ý kiến huyện Quảng Điền (cũ) để cải tạo rừng, tạo kinh phí trả công người dân trông coi và trồng rừng lại. Vị Phó Chủ tịch UBND phường Phong Quảng phân trần rằng, xã không biết đây là rừng phòng hộ mà nghĩ là rừng sản xuất. “Nếu Hạt Kiểm lâm có thông báo hay cắm mốc cụ thể thì xã đã không xử lý như vậy,” ông Thông biện minh.

Trong khi đó, đại diện Hạt Kiểm lâm khu vực phía bắc TP Huế cho biết, vào cuối tháng 4, đơn vị đã phối hợp với UBND xã Quảng Công cũ và Phòng Nông nghiệp – Môi trường huyện Quảng Điền (cũ) đi kiểm tra thực địa tại tiểu khu 89, bao gồm cả lô 152 - nơi xảy ra hành vi chặt phá cây rừng phòng hộ hàng loạt. Tại thời điểm đó, trong biên bản kiểm tra của lực lượng chức năng đã lưu ý địa phương phải tăng cường bảo vệ rừng, chưa phát hiện dấu hiệu khai thác trái phép.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Ngọc Tuấn - Chi cục trưởng Kiểm lâm TP Huế, cho biết, vụ chặt hạ rừng phòng hộ ven biển tại phường Phong Quảng hiện được cơ quan kiểm lâm và lực lượng chức năng phối hợp điều tra, làm rõ.

“Theo quy định, dù rừng nghèo hay giàu, nếu muốn thanh lý, chính quyền địa phương phải lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và phải tổ chức đấu giá công khai. Việc tự ý bán rừng với giá 20 triệu đồng là hoàn toàn sai quy trình”, ông Tuấn khẳng định.