Bán lightstick, đồ fanmade, quà lưu niệm cần đăng ký kinh doanh khi nào?

Việc công ty giải trí của ca sĩ Jack J97 bán lightstick cho người hâm mộ khiến nhiều người đặt câu hỏi: Bán vật phẩm liên quan đến nghệ sĩ có cần đăng ký kinh doanh và nộp thuế không?

Vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết để hợp pháp hóa hoạt động bán lightstick, công ty của Jack – J97 bắt buộc phải đăng ký kinh doanh, kê khai, nộp các loại thuế phát sinh...

Cụ thể, việc công ty J97 Entertainment sản xuất hoặc đặt hàng sản xuất và rao bán lightstick nhằm mục đích thu lợi nhuận là một hoạt động kinh doanh thương mại theo quy định của Luật Thương mại 2005. Trong trường hợp này, Lightstick được xem là một loại hàng hóa.

Vì vậy, công ty của Jack – J97 bắt buộc phải đăng ký kinh doanh theo quy định, phải kê khai, nộp các loại thuế phát sinh từ hoạt động kinh doanh và các nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Trước thông tin trên, nhiều bạn đọc thắc mắc trong trường hợp nghệ sĩ, người hâm mộ (fan) tự sản xuất và bán sản phẩm fanmade (là những sản phẩm do người hâm mộ tự làm ra, lấy cảm hứng từ nghệ sĩ hoặc nhóm nhạc mà họ yêu thích) hay “quà lưu niệm”, có được miễn đăng ký kinh doanh không?

Trả lời vấn đề trên, luật sư Nguyễn Bá Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết theo quy định tại khoản 1 Điều 7 và khoản 2 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm, đồng thời có nghĩa vụ đăng ký doanh nghiệp, kê khai thay đổi nội dung đăng ký và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Bên cạnh đó, Điều 7 Luật Thương mại 2005 cũng quy định thương nhân – bao gồm cả tổ chức và cá nhân kinh doanh độc lập, thường xuyên phải đăng ký kinh doanh và chịu trách nhiệm về hoạt động thương mại của mình.

Như vậy, nếu công ty giải trí của nghệ sĩ được thành lập hợp pháp và có đăng ký ngành nghề liên quan, thì việc sản xuất, bán các sản phẩm như lightstick là hợp pháp, nhưng bắt buộc phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai và nộp thuế phát sinh, bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, lệ phí môn bài và thuế thu nhập cá nhân nếu là cá nhân kinh doanh, theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019.

Căn cứ Điều 29 và Điều 30 Luật Công nghệ thông tin 2006, Điều 5 Thông tư 47/2014/TT-BCT được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Thông tư 01/2022/TT-BCT, nếu công ty giải trí của nghệ sĩ là doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh hợp pháp, việc sản xuất và bán lightstick qua website, mạng xã hội là hợp pháp nhưng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai, nộp thuế và đăng ký nội dung hoạt động của website thương mại điện tử với Bộ Công Thương.

Việc rao bán, đặt hàng sản phẩm qua website, mạng xã hội không làm thay đổi nghĩa vụ đăng ký kinh doanh và kê khai, nộp thuế nếu thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Riêng với trường hợp nghệ sĩ, fan tự sản xuất và bán sản phẩm fanmade hoặc quà lưu niệm, nếu hoạt động này được thực hiện thường xuyên, liên tục, có địa điểm kinh doanh cố định và nhằm mục đích sinh lợi thì vẫn bị xem là hoạt động kinh doanh theo khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 và phải đăng ký hộ kinh doanh theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021.

Nếu không đăng ký, có thể bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng theo Nghị định 122/2021.

Tuy nhiên, nếu hoạt động mang tính thời vụ, lưu động, không có địa điểm cố định và thu nhập thấp (theo quy định của địa phương), thì có thể được miễn đăng ký kinh doanh theo khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021.

Ngoài ra, theo khoản 2, Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC, nếu doanh thu từ hoạt động bán sản phẩm trong năm dương lịch dưới 100 triệu đồng thì không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN.

Theo khoản 2, Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, cá nhân hoạt động thương mại thường xuyên nhưng không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh vẫn phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về sản phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hóa và chịu trách nhiệm nếu hàng hóa không đúng với thông tin đã công bố.

Như vậy, hoạt động sản xuất, bán sản phẩm như đồ fanmade hoặc quà lưu niệm dù dưới danh nghĩa nghệ sĩ, nhóm nhạc hay cộng đồng người hâm mộ, nếu có yếu tố sinh lợi và diễn ra thường xuyên, vẫn có thể phải đăng ký kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ngược lại nếu nghệ sĩ hoặc nhóm nhạc tự sản xuất và bán sản phẩm fanmade, quà lưu niệm không phải đăng ký kinh doanh nếu thuộc diện kinh doanh không thường xuyên, không có địa điểm cố định, hoặc có thu nhập thấp theo quy định của địa phương.

TUẤN ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-lightstick-do-fanmade-qua-luu-niem-can-dang-ky-kinh-doanh-khi-nao-post854019.html
Zalo