Băn khoăn nguồn nhân lực xây dựng nông thôn mới
Nhân lực chất lượng cao chính là 'chìa khóa' để nâng tầm chương trình xây dựng nông thôn mới tại Bắc Trung Bộ cũng như ở các khu vực khác, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.
Nhân lực - yếu tố quan trọng xây dựng nông thôn mới
Trong những năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khu vực Bắc Trung Bộ, nơi có điều kiện tự nhiên và địa lý đặc thù với 6/6 tỉnh vừa có bờ biển vừa có biên giới, cùng địa hình đa dạng từ đồng bằng đến miền núi, đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong phong trào này.
Đến tháng 10/2024, toàn vùng có 1.111/1.380 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 80,5% tổng số xã. Trong số đó, 304 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (22%) và 61 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (4,4%). Bắc Trung Bộ cũng có 40 huyện được công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó huyện Thọ Xuân và Yên Định (Thanh Hóa) là hai trong số 14 huyện NTM nâng cao của cả nước.
Bên cạnh đó, huyện Nam Đàn (Nghệ An) cũng được chọn là một trong những địa phương thí điểm xây dựng huyện NTM kiểu mẫu gắn với phát triển văn hóa và du lịch. Bắc Trung Bộ còn đạt thành tựu nổi bật trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 1.666 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, chiếm 11,7% tổng số sản phẩm cả nước… Thành công này không chỉ khẳng định sự quyết tâm của các địa phương mà còn minh chứng cho tính hiệu quả của chính sách nông thôn mới trong việc thay đổi diện mạo vùng quê. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, việc xây dựng NTM tại Bắc Trung Bộ cũng đối mặt với nhiều thách thức lớn, mà một trong số đó là vấn đề nhân lực.
Nhân lực là yếu tố cốt lõi, đóng vai trò quyết định trong quá trình xây dựng NTM. Đội ngũ lao động nông thôn không chỉ là lực lượng sản xuất trực tiếp mà còn giữ vai trò tổ chức, quản lý và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhận thức được tầm quan trọng này, giai đoạn 2021–2024, các địa phương trong khu vực đã tổ chức gần 900 lớp tập huấn cho khoảng 43.000 lượt học viên nhằm bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ và cộng đồng. Các khóa đào tạo không chỉ tập trung vào kiến thức quản lý mà còn giúp chuyển đổi tư duy phát triển kinh tế, khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đẩy mạnh công tác đào tạo
Dù đã tăng cường công tác đào tạo, nhưng nhìn chung chất lượng nguồn nhân lực xây dựng nông thôn mới ở Bắc Trung Bộ nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo thống kê, phần lớn lao động nông thôn chỉ được đào tạo sơ cấp, chiếm hơn 50%, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành nông nghiệp công nghệ cao như logistics, chế biến sâu hay nông nghiệp tuần hoàn…
Ví dụ điển hình là huyện Thanh Chương (Nghệ An), nơi có 3.554 cán bộ tham gia xây dựng NTM, nhưng chỉ 30,67% đạt trình độ đại học trở lên, trong khi 52,9% chưa qua đào tạo bài bản. Phần lớn đội ngũ cán bộ cơ sở gặp khó khăn trong việc tiếp cận kiến thức mới, thiếu kỹ năng quản lý và không được trang bị đầy đủ để ứng dụng công nghệ hiện đại vào công việc.
Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương chia sẻ rằng, nguồn nhân lực là yếu tố mang tính quyết định trong quá trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, hiện nay, việc thiếu hụt lao động trẻ có trình độ cao đang trở thành thách thức lớn đối với các địa phương. Nhiều lao động trẻ rời bỏ quê hương để tìm kiếm cơ hội ở thành phố, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực năng động và sáng tạo tại nông thôn. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của các chương trình NTM mà còn gây khó khăn trong việc duy trì phát triển bền vững.
Trước yêu cầu ngày càng cao của chương trình xây dựng NTM trong thời gian tới, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ cấp bách. Để khắc phục tình trạng này, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, bao gồm mở rộng các lớp đào tạo chuyên sâu dành cho cán bộ cấp tỉnh, huyện; tổ chức các khóa bồi dưỡng dành riêng cho cán bộ cấp xã, thôn, đặc biệt là những địa phương vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ cơ sở cũng cần được chú trọng, nhằm thích ứng với xu thế công nghệ 4.0.
Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng chính sách hỗ trợ thu hút nhân lực trẻ, có trình độ cao về làm việc tại nông thôn. Những chính sách này có thể bao gồm hỗ trợ tài chính, cấp đất xây dựng nhà ở, hoặc tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp dài hạn. Việc đảm bảo điều kiện làm việc tốt hơn cũng sẽ giúp giữ chân lao động có năng lực, tạo động lực để họ cống hiến cho quê hương. Bên cạnh đó, các địa phương nên phối hợp với các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu để cập nhật chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn, giúp lao động nông thôn nắm bắt nhanh các công nghệ và phương pháp sản xuất hiện đại…
Nhìn chung, nhân lực chất lượng cao chính là “chìa khóa” để nâng tầm chương trình xây dựng NTM tại Bắc Trung Bộ, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện. Việc đảm bảo nguồn nhân lực đủ về lượng, mạnh về chất không chỉ giúp chương trình NTM duy trì thành công mà còn góp phần xây dựng những vùng quê đáng sống, đáp ứng nguyện vọng của người dân và yêu cầu phát triển bền vững trong tương lai.