Ban Đối ngoại Trung ương đóng góp tích cực vào việc nâng cao vị thế quốc gia
Trải qua nhiều thập kỷ, công tác đối ngoại của Ban Đối ngoại Trung ương đã trở thành một trong những yếu tố cốt lõi, không chỉ giúp củng cố vị thế chính trị mà còn tạo đà phát triển kinh tế bền vững.
Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, Ban Đối ngoại Trung ương đã ghi dấu ấn sâu đậm trong hành trình phát triển đối ngoại của đất nước, đóng góp tích cực vào việc nâng cao vị thế quốc gia và thúc đẩy quan hệ quốc tế của Việt Nam, qua đó tạo dựng nền hòa bình, ổn định, đưa đất nước phát triển và hội nhập.
Đóng góp tích cực vào việc vận động nhân dân thế giới ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi vừa mới giành được độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, thù trong giặc ngoài đe dọa chính quyền non trẻ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã tìm mọi cách đấu tranh ngoại giao với mục tiêu kéo dài thời gian hòa bình để củng cố chính quyền. Trên kênh ngoại giao chính thức, Việt Nam đã có những bước đi khôn khéo, linh hoạt, thể hiện qua Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946), Tạm ước Việt-Pháp (14/9/1946)…
Tuy nhiên, mọi nỗ lực của chúng ta không ngăn được thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Trước tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta nhận thấy phải tăng cường quan hệ với các nước, các tổ chức, các chính đảng tiến bộ… trên thế giới để tranh thủ sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta. Trước hết là tăng cường quan hệ đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau với hai nước láng giềng Lào và Campuchia.
Do đó, ngày 1/11/1949, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập Phòng Lào-Miên Trung ương với nhiệm vụ giúp Trung ương Đảng theo dõi, nghiên cứu cách mạng Miên-Lào, lo ăn ở, học tập cho cán bộ nước bạn. Đây chính là tổ chức tiền thân của Ban Đối ngoại Trung ương.
Thời kỳ này, dấu ấn của sự lãnh đạo của Đảng thể hiện qua kênh đối ngoại Đảng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn đàm phán của Hội nghị Geneva năm 1954, chấm dứt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau năm 1955, kênh đối ngoại Đảng có chức năng và nhiệm vụ được mở rộng hơn trước. Đó là giúp Ban Chấp hành Trung ương nghiên cứu, theo dõi tình hình các đảng anh em để học tập kinh nghiệm về cách mạng vô sản và xây dựng chủ nghĩa xã hội; giúp liên lạc với các đảng anh em ở các nước chưa giành được chính quyền để tùy khả năng mà giúp đỡ, xử lý quan hệ với các đảng khác trên thế giới.
Qua các tên gọi khác nhau theo từng thời kỳ cách mạng như Ban Lào-Miên Trung ương (1955), Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương (1958), Ban Công tác Đối ngoại (1960), Ban Đối ngoại Trung ương dần được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ.
Thời kỳ này, mặt trận ngoại giao nước nhà là sự kết hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đối ngoại Đảng luôn đi tiên phong trước mỗi quyết định quan trọng về đường lối, chính sách đối ngoại. Nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương là thực hiện quan hệ đối ngoại Đảng; thực hiện sự phối hợp và giúp đỡ hai nước Lào, Campuchia anh em và duy trì quan hệ với phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Á, Phi, Mỹ Latinh.
Có thể nói, từ ngay những ngày đầu thành lập cho đến khi cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược, thống nhất đất nước, Ban Đối ngoại Trung ương đã có những đóng góp tích cực vào việc vận động nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; chống lại chính sách bao vây cấm vận của Mỹ và các thế lực thù địch; củng cố và tăng cường quan hệ với Lào; giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng; tăng cường quan hệ với Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa, với các đảng cộng sản, công nhân, các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới.
Thúc đẩy quan hệ quốc tế, nâng cao vị thế quốc gia
Sau chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, một kỷ nguyên mới đã mở ra trên đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, công cuộc khắc phục các hậu quả chiến tranh và xây dựng đất nước của nhân dân ta diễn ra trong những điều kiện hết sức khó khăn: đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, xuất phát điểm về kinh tế rất thấp, cơ cấu kinh tế lạc hậu, kết cấu hạ tầng yếu kém…; lại bị bao vây, cấm vận...; sau đó lại phải tiếp tục chiến đấu trong 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc. Từ cuối thập niên 70 của thế kỷ 20, đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng.
Trong bối cảnh đó, Ban Đối ngoại Trung ương đã theo dõi, tổng hợp tình hình thế giới để giúp Trung ương đề ra chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; đồng thời, trực tiếp triển khai các mối quan hệ của Đảng ta với các đảng và phong trào cách mạng trên thế giới, qua đó, tranh thủ sự hỗ trợ của các nước bạn bè quốc tế để giúp Việt Nam từng bước vượt qua khó khăn.
Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó đã tiến hành điều chỉnh đường lối đối ngoại sang thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ; từng bước hình thành và phát triển đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác theo tinh thần “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực."
Hiện nay, Ban Đối ngoại Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực đối ngoại; tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại của Đảng; giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại nhân dân và quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trong hệ thống cơ quan đảng, đoàn thể, tổ chức nhân dân (theo Quyết định số 36-QĐ/TW ngày 22/10/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Đối ngoại Trung ương).
Ban Đối ngoại Trung ương đã trực tiếp tham gia xây dựng và phát triển đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển qua nghị quyết các Đại hội: VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII của Đảng.
Trải qua gần 40 năm đổi mới, đặc biệt từ năm 2011 đến nay, công tác đối ngoại đảng được triển khai một cách tích cực, chủ động, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm và có những đột phá, cả song phương và đa phương, đóng góp hiệu quả vào kết quả chung của hội nhập quốc tế.
Trên bình diện song phương, các mối quan hệ đối ngoại Đảng được phát triển khá sâu rộng. Đảng ta đã mở rộng quan hệ với các đảng cầm quyền, tham chính, các đảng đối lập lớn ở các nước đối tác quan trọng. Đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ với 253 chính đảng ở 115 quốc gia. Hình thức, nội dung quan hệ kênh Đảng ngày càng phong phú và thực chất hơn, như: gặp gỡ cấp cao, hội thảo lý luận, đối thoại chính sách, tham vấn chính trị, đào tạo cán bộ, ký kết các thỏa thuận hợp tác với các đảng…
Trên bình diện đa phương, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia, phát huy tốt vai trò tại các diễn đàn đa phương chính đảng, ở cả cấp độ khu vực và cấp độ quốc tế.
Ở cấp độ khu vực, Đảng Cộng sản Việt Nam tham gia tích cực vào cơ chế Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP) và được bầu làm Ủy viên thường trực và là thành viên chủ chốt của ICAPP trong suốt nhiều năm.
Ở cấp độ quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam là thành viên có uy tín tại cơ chế Cuộc gặp quốc tế thường niên của các đảng cộng sản và công nhân (IMWCP). Đây là cơ chế đa phương quan trọng nhất của các đảng cộng sản, công nhân trên thế giới.
Nhờ những đóng góp quan trọng tại các diễn đàn đa phương chính đảng, uy tín, vị thế và sự tin cậy của Đảng đối với các chính đảng ngày càng được nâng cao. Hầu hết các chính đảng trong và ngoài khu vực đánh giá tích cực về vai trò và đóng góp của Đảng ta trong nỗ lực thúc đẩy sự đoàn kết, đồng thuận, định hướng phối hợp trong hoạt động của các diễn đàn theo hướng năng động, thực chất hơn.
Trên cơ sở đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ ngày càng rộng rãi của các đảng đối với nhiều vấn đề có ý nghĩa đối với lợi ích quốc gia-dân tộc.
Về triển khai hội nhập quốc tế qua công tác đối ngoại nhân dân, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các đoàn thể và tổ chức nhân dân đã tích cực tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, là thành viên của nhiều cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực; hợp tác trên nhiều lĩnh vực đa dạng: kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, môi trường...
Các hoạt động song phương và đa phương trên kênh đối ngoại nhân dân góp phần tăng cường hiểu biết, hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân ta với nhân dân các nước, góp phần xây dựng nền tảng xã hội hữu nghị hỗ trợ cho triển khai đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Trải qua nhiều thập kỷ, công tác đối ngoại của Ban Đối ngoại Trung ương đã trở thành một trong những yếu tố cốt lõi, không chỉ giúp củng cố vị thế chính trị mà còn tạo đà phát triển kinh tế bền vững cho đất nước. Những hoạt động đối ngoại chiến lược của Ban Đối ngoại Trung ương góp phần duy trì môi trường hòa bình và ổn định trong nước, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, các mối quan hệ đối ngoại rộng mở của Ban Đối ngoại Trung ương đã giúp Việt Nam phá vỡ thế bao vây, cấm vận, từng bước tham gia vào các tổ chức kinh tế quốc tế như ASEAN, APEC, WTO... Nhờ đó, Việt Nam ngày càng nhận được sự ủng hộ và hợp tác về kinh tế, đầu tư từ nhiều quốc gia lớn, tạo nền tảng vững chắc để nâng cao đời sống nhân dân.
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm.
Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 193 nước; là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên hợp quốc; xây dựng các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới và khu vực. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ.
Với những thành tích xuất sắc trong công tác đối ngoại Đảng, Ban Đối ngoại Trung ương đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều danh hiệu cao quý khác; Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng Bức trướng với nội dung “Tuyệt đối trung thành, chủ động, sáng tạo, phấn đấu vì sự nghiệp đối ngoại của Đảng.”
Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập là dịp để nhìn lại những đóng góp quan trọng của Ban Đối ngoại Trung ương đối với sự nghiệp đối ngoại của Đảng và dân tộc.
Truyền thống vẻ vang 75 năm qua sẽ tiếp tục là động lực để Ban Đối ngoại Trung ương nỗ lực hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ, góp phần vào sự phát triển bền vững và nâng cao uy tín của Việt Nam trong thời kỳ mới./.