Bán đảo Triều Tiên: Đi để trở về?

Tăng cường ảnh hưởng cho em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên, bà Kim Yo-jong, đồng thời gây áp lực với Hàn Quốc và Mỹ có thể là dụng ý sau động thái mới đây nhất của Triều Tiên.

Triều Tiên đã cắt đứt các đường dây liên lạc giữa hai miền từ sáng ngày 9/6. (Nguồn: Yonhap)

Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các quốc gia. Biểu tình phản đối sự đối xử thiếu công bằng của lực lượng chấp pháp đối với cộng đồng người thiểu số, da màu trong xã hội lan rộng tới nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, với Triều Tiên, câu chuyện lần này không đơn thuần là chiếm lấy ánh đèn sân khấu. Trước đó ít lâu, ngày 4/6, Phó trưởng ban thứ nhất của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, bà Kim Yo-jong đã dọa hủy thỏa thuận về giảm căng thẳng quân sự với Hàn Quốc và ngưng các dự án trao đổi quan trọng song phương nếu Seoul không ngăn hoạt động rải truyền đơn của những người Triều Tiên đào tẩu, điều đã được thỏa thuận tại Thượng đỉnh liên Triều tháng 4/2018.

Không nhận được phản hồi, tuần vừa qua, Triều Tiên thông báo sẽ ngưng các đường dây nóng liên Triều, trong đó có đường dây liên lạc giữa quân đội và lãnh đạo hai bên, vốn được coi là cơ chế giảm thiểu khả năng xảy ra xung đột quân sự do hiểu nhầm. Sáng 9/6, lần đầu tiên kể từ năm 2018, phía Triều Tiên đã không trả lời bất cứ cuộc điện thoại nào qua đường dây nóng quân đội hai nước.

Gương mặt cũ, ảnh hưởng mới

Theo giới chuyên gia, động thái này có vài điều đáng chú ý. Một trong số đó chính là sự hiện diện của bà Kim Yo-jong, em gái của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Trong giai đoạn 2018–2019, bà đã nhận được sự chú ý khi dẫn đoàn Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa Đông năm 2018 tại Pyongyang, Hàn Quốc. Bà cũng đóng vai trò lên kế hoạch, đảm bảo các hoạt động của nhà lãnh đạo Triều Tiên diễn ra suôn sẻ như tại Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội năm 2019.

Tuy nhiên, trong năm 2020, sự hiện diện của bà Kim trở nên rõ ràng, công khai hơn thông qua các tuyên bố chính sách. Kể từ tháng Ba, bà đã liên tục đăng tải bài viết, thông cáo truyền thông đáp trả phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời chỉ trích Hàn Quốc. Theo nhà phân tích tình báo Triều Tiên trong chính phủ Mỹ Lee Min-young, các thông điệp của bà Kim mang phong cách đặc biệt, sử dụng khéo léo các từ ngữ cứng rắn, đi kèm ngữ điệu mỉa mai và mang tính chua cay khi cần thiết. Với quyền lực được trao, bà Kim sẽ sớm trở thành nhân vật quyền lực thứ hai tại Bình Nhưỡng, song tính cách độc lập của nhân vật này có thể khiến chính sách Triều Tiên thời gian tới khó đoán hơn.

Tạo áp lực

Tuy nhiên, mục tiêu rõ ràng hơn cả của Triều Tiên là gây áp lực lên Hàn Quốc và Mỹ. Theo ông Shim Beom-chul, Giám đốc Trung tâm An ninh và Ngoại giao thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Hàn Quốc, về ngắn hạn, Triều Tiên muốn chấm dứt các hoạt động gửi truyền đơn và gây sức ép với Hàn Quốc, song mục tiêu dài hạn là buộc Mỹ quay lại đàm phán để nới lỏng trừng phạt.

Điều này là có cơ sở, nếu xét hoàn cảnh hiện tại. Ở Hàn Quốc, đảng của ông Moon Jae-in vừa giành chiến thắng áp đảo trong bầu cử Quốc hội tháng Tư, khiến nội bộ đảng cho rằng thúc đẩy hàn gắn quan hệ liên Triều là chìa khóa để duy trì quyền lực. Ngày 9/6, ông Woo Won-shik, nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ Hàn Quốc đã hối thúc Seoul khôi phục quan hệ hợp tác liên Triều, tránh rơi vào cảnh căng thẳng như 3 năm trước.

Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đang chịu nhiều áp lực nội bộ liên quan đến cách xử lý đại dịch Covid-19 và phong trào đòi quyền lợi cho người da màu tại Mỹ, khiến uy tín và tỷ lệ ủng hộ suy giảm nghiêm trọng, trong khi chỉ còn chưa đầy năm tháng nữa là tới bầu cử. Phát biểu sau động thái bất ngờ của phía Triều Tiên, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: “Mỹ luôn ủng hộ tiến triển trong quan hệ liên Triều và chúng tôi thất vọng về các hành động gần đây của Triều Tiên. Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên quay lại con đường ngoại giao và hợp tác”.

Về lý, hướng sự chú ý ra bên ngoài để tranh thủ củng cố nội bộ, giảm nhẹ áp lực là phương án khả thi cho ông Trump. Tuy nhiên, trên thực tế ngay cả trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cũng không nói nhiều về Triều Tiên, có thể phần vì đàm phán chưa có tiến triển. Điều này đã khiến phía Bình Nhưỡng nổi giận, quyết có hành động nhằm buộc Washington quay trở lại.

Quan trọng hơn, việc cắt liên lạc chỉ là một phần trong chiến lược tổng thể, dài hạn nhằm gây áp lực cho cả Mỹ và Hàn Quốc. Ông Andrew O’ Neil, chuyên gia về hai miền Triều Tiên, giáo sư tại Đại học Griffith (Australia) chỉ ra rằng trong thông báo về cắt đứt liên lạc liên Triều, đài KCNA có đề cập đến ông Kim Yong-chol, người được cho là đứng đằng sau vụ tấn công tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc năm 2010 và công kích đảo Yeongpyeong cùng năm. Thêm vào đó, hành động này có thể là cái cớ để Triều Tiên triển khai một số hoạt động quân sự, dù khả năng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm là không nhiều nếu xét trên khía cạnh quan hệ với Trung Quốc.

Hai năm đã trôi qua kể từ khi Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tại Singapore và bán đảo Triều Tiên đang đứng trước nguy cơ trở lại quỹ đạo căng thẳng trong phần lớn chiều dài lịch sử của mình.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ban-dao-trieu-tien-di-de-tro-ve-117292.html
Zalo