'Ban cho mình quyền năng sáng tạo'
Tham dự và phát biểu tại Lễ trao giải Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ 2022-2024, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã 'truyền lửa' tới các cây bút trẻ.

Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (ngoài cùng bên trái) và ông Nguyễn Bình Phương - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi (ngoài cùng bên phải) trao Giải nhì cho tác giả Vũ Ngọc Thư và tác giả Ngô Tú Ngân. Ảnh: Báo Văn Nghệ.
Sáng nay, Lễ trao giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ 2022-2024 diễn ra tại Hà Nội. Tuy chưa tìm được truyện xứng tầm để trao giải nhất, song ở mùa giải này, cuộc thi uy tín bậc nhất về văn chương đã phát hiện ra nhiều cây bút trẻ cho văn đàn.
Các tác phẩm "nội dung có chiều sâu, chữ nghĩa có hồn vía"
Nhận xét về chất lượng các tác phẩm trong cuộc thi, nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng các tác phẩm đã khắc họa nhiều khía cạnh của đời sống xã hội bằng sự nhạy bén, sắc sảo và hết sức trách nhiệm.
Ở khía cạnh nghệ thuật thể hiện, nhà văn cho rằng “các tác phẩm phần nào cho thấy tính đa dạng, phong phú đến mức tự do, tự tại về nghề của người sáng tạo”. Bên cạnh những tác giả, tác phẩm kiên định với lối viết đậm chất truyền thống, có không ít tác giả, tác phẩm thể hiện rõ nét tinh thần tìm tòi, khám phá cách thể hiện mới, từ góc tiếp cận tới giọng điệu, từ bút pháp tới bố cục.
Nhà văn Bảo Ninh - thành viên Ban Chung khảo - bày tỏ niềm tự hào khi được tham gia Hội đồng, đồng thời chia sẻ niềm vui như một độc giả. Ông cho rằng các tác phẩm vào Chung khảo “chữ nghĩa có hồn vía, thể hiện tiếng Việt phổ thông của mọi miền đất nước một cách uyển chuyển, tinh tế và được chắt lọc”.
Ngoài yếu tố chất lượng và khía cạnh nghệ thuật, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cho rằng giải thưởng còn cân nhắc tới những yếu tố như tính cân bằng giữa giá trị truyền thống với giá trị sáng tạo mới, giữa giá trị vẻ đẹp văn chương thuần túy với giá trị giáo dục nhân tính, trong đó có cả tính cân bằng giữa các vùng chủ đề với nhau. Việc để trống hạng mục Giải nhất thể hiện rằng Hội đồng Giám khảo có những tiêu chuẩn, yêu cầu rất cao.
“Đó là lời nhắc ý vị rằng còn những bước hoàn thiện ở phía trước mà mỗi tác giả cần tiếp tục vươn tới nếu thực sự muốn chinh phục đỉnh cao của nghệ thuật truyện ngắn”, nhà văn Nguyễn Bình Phương chia sẻ.
Cuộc thi lần này không chỉ là “sân chơi” văn chương cho tác giả mà còn là dịp để cộng đồng tin rằng: tình yêu văn chương vẫn luôn âm ỉ cháy. Tình yêu ấy được xây dựng dựa trên lòng nhân ái, sự thấu cảm của tác giả trước các mảnh đời, trước những vận động của cuộc sống. Khi con người còn biết yêu thương, trân quý lẫn nhau, xót xa trước cảnh đau đớn của tha nhân, khi đó, dòng chảy văn chương vẫn sẽ dạt dào, sẽ thổn thức mãi.
Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định cuộc thi đánh thức những giá trị mà con người vô tình bỏ quên trong cuộc sống vội vã. “Khi con người đang rời xa khỏi những vẻ đẹp nghệ thuật, vẻ đẹp của đời sống thì những tác phẩm này đã đánh thức con người, làm cho tất cả phải dừng lại, phải suy nghĩ và tìm kiếm lại những giá trị chúng ta bỏ quên bởi một mục đích khác”, nhà thơ chia sẻ.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại Lễ trao giải Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ 2022-2024. Ảnh: Báo Văn Nghệ.
Đại lộ văn chương trọng người viết cần mẫn
Hai tác phẩm đạt Giải nhì năm nay là Bờ sông lặng sóng của Vũ Ngọc Thư và Trăm Ngàn của Ngô Tú Ngân. Tác giả Vũ Ngọc Thư gắn bó với văn chương, dù dưới tư cách là tác giả nghiệp dư, đã nhiều năm; còn tác giả Ngô Tú Ngân là một tác giả trẻ, mới bắt đầu sự nghiệp văn chương gần đây.
Bờ sông lặng sóng đề cập tới câu chuyện thời hậu chiến, với những éo le về số phận con người. Thảo - một người lính tưởng như đã hy sinh, đột nhiên trở về gia đình sau 3 năm đất nước im tiếng súng. Vợ anh, khi đó đã tái giá với Huấn - một người lính, cũng là bạn của Thảo. Chiến tranh đã qua đi nhưng cơn sóng lòng, cơn sóng nhân tình thế thái vẫn chưa bao giờ thôi quần thảo phận người. Để rồi, sự vị tha, tình yêu vẫn là ánh sáng con người tìm đến trong giông tố, để tha thứ cho nhau, để xóa bỏ hận thù.
Trăm Ngàn lại là một câu chuyện của nhân vật có cái tên nghe đã đủ thấy trái khoáy. Trăm Ngàn - tên nhân vật chính - gắn liền với một món tiền “phạt vạ”. Cuộc đời Trăm Ngàn sau đó trôi nổi theo đoàn hát, với những số phận chông chênh chẳng kém. “Ai có thể sống đời lành lặn trên đất mà chọn đời trôi nổi ghe xuồng xướng hát này đâu”, Ngô Tú Ngân đã viết như thế. Cơn sóng lòng nổi lên khi Trăm Ngàn muốn tìm mẹ, vì Trăm Ngàn “thèm khát tình cảm như cơn nắng hạn chờ cơn mưa đầu mùa”. Một cuộc tìm kiếm ròng rã từ lúc tóc xanh tới ngày tóc bạc…
Nhiều tác phẩm khác trong cuộc thi đã thể hiện vốn sống thâm sâu của tác giả về cả một vùng văn hóa. Chẳng hạn, truyện Đất ao của tác giả Đào Quốc Vịnh viết về nông nghiệp nông thôn ở miền Bắc; truyện Rượu hoa mất trí của tác giả Như Bình lại đề cập tới đời sống đồng bào Mông; truyện Người chăn sóng biển của Nguyễn Hiệp lại có bối cảnh làng chài ở Nam Trung Bộ.
Đáng chú ý, tác giả Lê Văn Thân lại khai thác đề tài nỗi cô đơn của người già theo con lên thành thị trong tác phẩm Thư viện người. Chủ đề và cách triển khai của tác phẩm cũng có những nét mới lạ.
Các tác phẩm dự thi được nhiều nhà văn khen ngợi. Tuy nhiên, cần công tâm nhận định không có tác phẩm Giải nhất chứng tỏ chất lượng văn chương dẫu có nhiều điểm sáng, vẫn chưa có sự đột biến sâu sắc. Bạn đọc càng ngày đòi hỏi càng cao, họ cần tìm thấy chính mình trong tác phẩm, lại cần thấy hơi thở của cuộc sống hiện đại trong câu chữ. Họ cũng cần tìm một tư tưởng, thông điệp mạnh mẽ gửi gắm trong đó. Đặc biệt trong bối cảnh cơn bão thông tin hiện nay, 3 yếu tố trên càng ngày càng cần thiết trong sáng tác mới.
“Sẽ tốt hơn nếu người viết mang đến cho bạn đọc một điều gì đó khác lạ hoặc khiến cho họ nghĩ đến một điều gì đó… Hầu hết tác giả viết theo lối truyền thống, còn thiếu vắng đột biến, cách tân hoặc có thể có những chưa đẩy tới”, nhà văn Cao Duy Sơn nhận xét.
Giữa nhiều cách nhìn khác biệt của bạn đọc, của các nhà phê bình, của đồng nghiệp, của bậc tiền bối, điều quan trọng là các nhà văn trẻ vẫn tiếp tục con đường của mình. Cuối lễ trao giải, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã có những lời khích lệ chân thành gửi tới các tác giả trẻ.
“Các tác giả, cho dù thế nào, cứ tiếp tục con đường của mình, tiếp tục cầm bút, tiếp tục khám phá đời sống và tiếp tục ban cho mình một quyền năng của sự tự do sáng tạo. Nếu không có sự tự do sáng tạo, không có sự tự tin thì không thể có tác phẩm.
Không phải tác phẩm không được trao giải là tác phẩm kém chất lượng. Nó còn có cái duyên nữa. Đôi khi số phận tác phẩm giống như số phận con người, ta đi trên cuộc đời này và có thể có những bước ngoặt bất ngờ, không lường trước được. Xin chúc các tác giả tham dự cuộc thi tiếp tục sáng tạo, tiếp tục cất tiếng trong sự tự tin, trong sự quả cảm, trong sự sáng tạo đầy trí tưởng tượng và tự do của mình”.
Giải thưởng là một dấu mốc đẹp với người viết, nhưng đại lộ văn chương vẫn luôn rộng mở với bất cứ ai cần mẫn sáng tạo mỗi ngày.
Theo quyết định của Ban biên tập Báo Văn Nghệ, cuộc thi không có Giải nhất, 2 Giải nhì, 2 Giải ba, 6 Giải tư. Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo - đánh giá các tác phẩm phản ánh đa dạng khía cạnh đời sống, thân phận, nhân phẩm và tình thế con người trong xã hội hôm nay.
Cuộc thi phát động từ ngày 6/9/2022 và kết thúc vào 6/9/2024, trong 2 năm cuộc thi nhận về 2.700 tác phẩm. Đặc biệt trong tuần cuối cùng, cuộc thi nhận về hơn 400 truyện ngắn. Thành phần tác giả tham dự rất đa dạng: có tác giả ngoài 90 tuổi, cũng có tác giả mới 10 tuổi; có tác giả chuyên nghiệp, đã thành danh trên văn đàn, có tác giả lần đầu sáng tác.