Bài toán khó cho Ukraine

Sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine đang đối mặt với không ít rào cản.

Sự ủng hộ của phương Tây với chiến dịch phản công của Ukraine đang đối mặt với nhiều khó khăn. (Nguồn: New York Times)

Sự ủng hộ của phương Tây với chiến dịch phản công của Ukraine đang đối mặt với nhiều khó khăn. (Nguồn: New York Times)

Tuần qua, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã khép lại. Bất chấp ủng hộ chính trị, bao gồm cam kết loại bỏ Kế hoạch hành động thành viên (MAP) cho Ukraine cùng nhiều cam kết viện trợ quân sự khác, Hội nghị vẫn chưa thể đưa ra một lộ trình với điều kiện và khung thời gian cụ thể để Kiev gia nhập NATO. Mọi thứ chưa dừng lại ở đó.

Tranh cãi nhỏ…

Cụ thể, bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã có tuyên bố gây tranh cãi khi cho rằng Ukraine cần “tỏ lòng biết ơn” đối với các viện trợ quân sự từ phương Tây. Tuyên bố trên xuất hiện ít lâu sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky bày tỏ không hài lòng khi Kiev chưa nhận được lộ trình cụ thể gia nhập NATO.

Song ông Wallace không hề đơn độc. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nêu rõ: “Mỹ đã nỗ lực bảo đảm rằng các binh sĩ dũng cảm của Ukraine có đủ đạn dược, hệ thống phòng không, xe chiến đấu, cùng các trang thiết bị rà phá bom mìn khác… Về khía cạnh nào đó, người Mỹ cần nhận được sự biết ơn”.

Đáp lại tuyên bố trên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định nước này “đã luôn tỏ ra biết ơn” và kêu gọi ông Wallace “hãy chỉ cho tôi cách để bày tỏ lòng biết ơn đó”. Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng (NSDC) Ukraine, ông Oleksiy Danilov nhấn mạnh: “Tôi không quan tâm nhiều đến những gì ông ấy (Wallace) nói. Người ta có thể nói điều gì đó trong trạng thái xúc động và sau đó phải hối hận. Đây chắc chắn không phải là quan điểm thực sự của ông ấy”.

Bất đồng này không kéo dài lâu. Hơn một tuần sau, ông Wallace cho biết sẽ từ giã chính trường sau cuộc cải tổ chính phủ tới. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan vẫn tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của nước này với Ukraine, bao gồm khởi động chương trình huấn luyện phi công sử dụng F-16 cùng viện trợ bom chùm, quyết định gây tranh cãi ngay cả đối với đồng minh của xứ cờ hoa.

Khó khăn lớn

Tuy nhiên, tuyên bố bất ngờ từ quan chức an ninh - quốc phòng cấp cao của Anh và Mỹ, hai nước đi đầu trong viện trợ cho Ukraine, cho thấy sự ủng hộ chính trị cùng viện trợ quân sự của phương Tây dành cho Ukraine không phải là vô hạn, đặc biệt là khi cân nhắc những yếu tố sau.

Đầu tiên, đó là vấn đề sản lượng quốc phòng. Phát biểu tuần trước, Tướng James Hecker, chỉ huy Không quân Mỹ tại châu Âu, cảnh báo dự trữ vũ khí của NATO, sau khi viện trợ cho Ukraine, đang “thấp đến mức đáng báo động” và sẽ “không sớm được cải thiện”. Kể từ khi xung đột bùng phát, NATO đã gửi tới Kiev 359 xe tăng, 629 xe thiết giáp vận chuyển cùng 8,214 tên lửa phòng không tầm ngắn. Từ tháng 1/2021, Mỹ đã dành tới 42 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine.

Trong bối cảnh đó, tăng cường sản lượng quốc phòng, bảo đảm nguồn cung hỗ trợ Ukraine trong “cuộc đua sức bền” với Nga đang là ưu tiên của phương Tây. Chủ đề này là trọng tâm thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng NATO, đồng thời liên tục xuất hiện trong Hội nghị thượng đỉnh khối và cuộc gặp lãnh đạo Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa qua.

Mặc dù vậy, hiện chưa rõ nỗ lực này đáp ứng được nhu cầu của Kiev hay không. Ông Mark Cancian, Cố vấn cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), “số lượng đạn dược họ (Ukraine) đang sử dụng trong một tháng tương đương với sản lượng của chúng tôi (Mỹ) trong vòng một năm”.

Thứ hai, sự ủng hộ chính trị cho Ukraine đứng trước ẩn số không hề nhỏ từ bầu cử Mỹ. Năm 2024, cả Nga, Ukraine và Mỹ đều sẽ tổ chức bầu cử. Trong bối cảnh hiện nay, kết quả tại Moscow và Kiev nhiều khả năng không tạo nên bất ngờ.

Tuy nhiên, những gì diễn ra ở Washington có thể là câu chuyện khác. Khảo sát mới đây của Ipsos/Reuters cho thấy tỷ lệ ủng hộ đương kim Tổng thống Joe Biden chỉ là 41%. Con số này tăng nhẹ so với mức thấp kỷ lục nhiệm kỳ (40%) hồi tháng trước, song chắc chắn không bảo đảm ưu thế tuyệt đối cho ông Biden.

Trong khi đó, hai ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, đều thận trọng trong việc coi xung đột tại Ukraine là ưu tiên hàng đầu của xứ cờ hoa nếu họ nắm quyền.

Ngay cả giới chức Mỹ cũng không giấu nổi sự lo lắng. Ông William Taylor, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine dưới thời Tổng thống George H.W. Bush và Tổng thống Barack Obama, thừa nhận: “Tất nhiên, tôi có lo lắng. Sự lãnh đạo của Mỹ trong vấn đề này đóng vai trò then chốt và nó cần tiếp tục được lưỡng viện ủng hộ”.

Những tuyên bố lặp đi lặp lại của ông Joe Biden về cam kết dài hạn đối với Ukraine rõ ràng là chưa đủ để trấn an các đồng minh và đối tác phương Tây.

Trong ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Czech Petr Pavel nhận định Ukraine cần có bước tiến lớn trên thực địa “cuối năm nay”. Bởi theo ông, vào năm sau, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể dẫn đến “sự sụt giảm trong nỗ lực tiếp tục gửi lượng lớn trang thiết bị, vũ khí tới Ukraine”.

Trong bối cảnh hiện nay, liệu Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) có thể đạt được bước tiến đáng kể vài tháng tới hay không, vẫn còn khó nói. Song, chắc chắn tình hình xung đột Nga-Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bai-toan-kho-cho-ukraine-235165.html
Zalo