Bài học kinh nghiệm nhìn từ cách huy động nguồn lực tài chính ở một số ĐH của Mỹ

Đa số đại học ở Mỹ đều đa dạng các hình thức huy động nguồn lực tài chính để đầu tư cho giáo dục, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Giáo dục đại học Việt Nam hiện nay vẫn phải đảm bảo yêu cầu mở rộng hợp lý quy mô, cơ cấu đào tạo, đồng thời, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn thiếu hụt các nguồn lực để phát triển giáo dục đào tạo, đặc biệt là nguồn lực tài chính.

Để có thể có thêm thông tin về kinh nghiệm huy động nguồn lực tài chính của một số đại học tại Mỹ, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Hồ Phạm Minh Nhật (hiện đang công tác tại Đại học Texas - Austin, một trong 10 đại học công lập hàng đầu của Mỹ về trí tuệ nhân tạo và khoa học công nghệ, theo US News) và nhà nghiên cứu giáo dục Lê Đình Hiếu - nghiên cứu sinh quản trị giáo dục và ứng dụng công nghệ trong giáo dục tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ).

Kinh nghiệm huy động nguồn lực tài chính tại Đại học Texas - Austin

Chia sẻ với phóng viên, Giáo sư Hồ Phạm Minh Nhật thông tin một số hình thức huy động nguồn lực tài chính tại Đại học Texas tại Austin.

Thứ nhất, huy động tài chính từ nguồn học phí sinh viên. Giáo sư Minh Nhật cho biết, mức học phí này thường sẽ phụ thuộc vào sinh viên có đang cư trú tại Texas hay ngoài Texas, đang là sinh viên quốc tế hay là công dân Mỹ. Đồng thời, tùy thuộc vào năng lực và điều kiện tài chính, trường cũng cung cấp nhiều loại học bổng và hỗ trợ tài chính cho sinh viên.

Thứ hai, huy động tài chính từ quỹ cựu sinh viên và nhà hảo tâm. “Đại học Texas - Austin là một trong những trường có quỹ từ cựu sinh viên và nhà hảo tâm lớn nhất nước Mỹ. Hàng năm, Đại học Texas - Austin nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cựu sinh viên và những người muốn đóng góp cho giáo dục, bao gồm Michael Dell - người sáng lập công ty Dell, Red McCombs - một doanh nhân và nhà từ thiện nổi tiếng”, Giáo sư Minh Nhật thông tin.

Thứ ba, nguồn thu từ nghiên cứu và hợp tác với doanh nghiệp, Chính phủ. Theo Giáo sư Nhật, Đại học Texas - Austin là một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu Mỹ với chi phí nghiên cứu vượt mức 1 tỷ USD (hơn 25 nghìn tỷ đồng) trong năm 2023. Trường quan tâm đến các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, quỹ từ các hợp đồng nghiên cứu với các doanh nghiệp và Chính phủ là một nguồn tài trợ quan trọng.

Thứ tư, đầu tư từ ngân sách nhà nước và liên bang. Giáo sư Nhật nhấn mạnh: “Đại học Texas - Austin là đại học công lập hàng đầu của bang Texas. Vì vậy trường nhận được nguồn tài trợ từ ngân sách nhà nước, hệ thống đại học Texas (UT System) và liên bang Hoa Kỳ để hỗ trợ hoạt động giáo dục và nghiên cứu”.

Thứ năm, huy động nguồn lực tài chính từ hợp tác quốc tế. Đại học Texas - Austin cũng nhận được nguồn tài chính từ các hợp tác quốc tế với các trường đại học và tổ chức nghiên cứu trên toàn thế giới, bao gồm việc nhận học sinh quốc tế, hợp tác nghiên cứu và các chương trình đào tạo phối hợp.

 Giáo sư Hồ Phạm Minh Nhật - Giáo sư bậc 1, Đại học Texas – Austin, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Giáo sư Hồ Phạm Minh Nhật - Giáo sư bậc 1, Đại học Texas – Austin, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Huy động các nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư cho giáo dục đại học là phổ biến ở các nước trên thế giới. Giáo sư Minh Nhật đánh giá: Đại học Texas - Austin nói riêng và các trường đại học ở Mỹ nói chung đều có khoản tài chính rất lớn từ quỹ từ cựu sinh viên và nhà hảo tâm. Đây là một nguồn tài trợ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động giáo dục và phát triển của các trường đại học tại Mỹ, bao gồm hỗ trợ tài chính cho sinh viên thông qua các học bổng khuyến khích thành tích học tập và nghiên cứu, hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu và phát triển của trường đại học, đồng thời xây dựng mối quan hệ vững mạnh giữa các thế hệ sinh viên - cựu sinh viên, tăng cường tinh thần đoàn kết và lòng tự hào về trường.

Theo Giáo sư Minh Nhật, việc huy động tốt các nguồn lực tài chính đối với trường đại học là một trong những nhiệm vụ và nền tảng giúp nhà trường phát triển và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo bởi nó mang đến nhiều tác động tích cực, cụ thể:

Thứ nhất, cải thiện chất lượng đào tạo. Khi nguồn lực tài chính tốt sẽ giúp cho trường đại học đầu tư vào cải thiện cơ sở vật chất, bao gồm phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện, cũng như cập nhật được những công nghệ giáo dục mới. Từ đó tạo ra một môi trường học tập tốt hơn, thu hút được những sinh viên giỏi và giảng viên có trình độ cao đến học, làm việc tại trường.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nghiên cứu và sáng tạo của trường. Một trong những yếu tố cốt lõi của trường đại học là nghiên cứu. Việc có nguồn lực tài chính dồi dào sẽ giúp cho trường có thể đầu tư vào các dự án nghiên cứu tầm cỡ và phát triển được nhiều công nghệ mới. Điều này cũng góp phần xây dựng và nâng cao thương hiệu của nhà trường.

Thứ ba, việc có nguồn tài lực tài chính tốt giúp trường cung cấp được nhiều gói hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Điều này giúp sinh viên không phụ thuộc quá nhiều vào tình hình tài chính cá nhân và có cơ hội tiếp cận được nền giáo dục tốt nhất.

Thứ tư, tăng cường sự phát triển bền vững của trường đại học. Việc có nguồn lực tài chính ổn định giúp cho trường đại học có thể đầu tư vào các dự án dài hạn trong đó chú trọng phát triển các chương trình đào tạo.

Thực tế tại Việt Nam, các hình thức huy động nguồn lực tài chính còn nhiều hạn chế, chưa được phổ biến, Giáo sư Nhật nhìn nhận: “Theo tôi tìm hiểu thì hiện tại ở các trường đại học Việt Nam, quỹ từ cựu sinh viên và nhà hảo tâm còn chưa nhiều. Để cải thiện vấn đề này, các trường đại học có thể tổ chức các sự kiện, hội thảo, hoặc buổi gặp gỡ, kết nối với cựu sinh viên hàng năm để tăng cường quảng bá và liên kết.

Ngoài ra, các trường đại học cũng có thể thiết lập các chương trình đóng góp dài hạn, như học bổng hoặc quỹ nghiên cứu hàng năm, nhằm tạo ra nguồn lực tài chính ổn định và liên tục. Bên cạnh đó, cũng cần minh bạch và rõ ràng về cách họ sẽ sử dụng tiền đóng góp từ cựu sinh viên và nhà hảo tâm”.

 Ảnh minh họa: The New York Times.

Ảnh minh họa: The New York Times.

Chưa kể, nguồn thu từ nghiên cứu và hợp tác với doanh nghiệp của các trường đại học ở Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Để tháo gỡ khó khăn này, Giáo sư Nhật cho rằng, các trường đại học cần thiết lập các chương trình hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điều này có thể bao gồm việc phát triển dự án nghiên cứu chung, cung cấp dịch vụ tư vấn và giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp.

Trường đại học cũng cần tập trung vào việc nghiên cứu, phát triển các giải pháp, sản phẩm và dịch vụ có giá trị thương mại cao. Điều này giúp tạo ra nguồn thu nhập từ việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Song song với đó, các trường đại học cần tăng cường hợp tác với Chính phủ và các tổ chức phi Chính phủ trong việc thực hiện các dự án và chương trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao, giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng của xã hội, từ đó tạo ra nguồn thu ổn định.

Vị này cũng đánh giá, hợp tác quốc tế của các trường đại học Việt Nam chưa đạt được hiệu quả. Muốn cải thiện vấn đề này thì các trường đại học cần tạo thêm điều kiện cho giảng viên và sinh viên tham gia vào các dự án nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mang tính quốc tế để thu hút được nhiều đầu tư từ các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp ở nước ngoài. Ngoài ra, các trường đại học cần liên tục cải thiện chất lượng đào tạo và nghiên cứu để đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, giúp tăng cường uy tín của mình trong mắt các đối tác trên thế giới.

Đại học Johns Hopkins huy động tài chính từ những nguồn nào?

Theo nhà nghiên cứu giáo dục Lê Đình Hiếu, Đại học Johns Hopkins cũng như đa phần các đại học khác ở Mỹ luôn huy động tài chính từ đa dạng các nguồn. Theo đó, ba nguồn huy động tài chính lớn thường thấy tại Đại học Johns Hopkins, bao gồm: Học phí từ sinh viên; các khoản tài trợ, hiến tặng, hợp tác với các đơn vị tư nhân và sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ.

Sự phân bổ nguồn thu từ ba nguồn này sẽ phụ thuộc vào việc đó là trường đại học công lập hay tư thục.

 Nhà nghiên cứu giáo dục Lê Đình Hiếu - Nghiên cứu sinh tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhà nghiên cứu giáo dục Lê Đình Hiếu - Nghiên cứu sinh tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Theo thống kê của Trung tâm thống kê giáo dục quốc gia của Mỹ (National center for education statistic), tại các trường đại học công lập, nguồn thu lớn nhất thường đến từ các khoản hỗ trợ tài chính của Chính phủ (chiếm 40% tổng nguồn thu ở năm học 2020-2021). Trong khi tại các trường tư thục, đặc biệt là các trường tư thục không vì lợi nhuận (private nonprofit university), các khoản quyên góp và hợp tác với tư nhân là nguồn thu lớn nhất (chiếm 46% tổng nguồn thu năm 2020-2021)”, nhà nghiên cứu giáo dục Lê Đình Hiếu thông tin.

Theo ông Lê Đình Hiếu, Đại học Johns Hopkins sử dụng nhiều hình thức huy động nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học.

Thứ nhất, nguồn thu từ học phí và lệ phí. Đại học Johns Hopkins áp dụng mức học phí khá cao nhưng cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính và học bổng để đảm bảo khả năng tiếp cận cho sinh viên.

Thứ hai, nguồn lực tài chính từ đóng góp của cựu sinh viên và nhà tài trợ. Đây chính là nguồn tài chính quan trọng giúp hỗ trợ các chương trình học thuật, nghiên cứu và phát triển cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó là các quỹ tài trợ được đóng góp bởi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận. Quỹ tài trợ của Đại học Johns Hopkins được quản lý chuyên nghiệp, giúp tạo ra nguồn thu ổn định hàng năm từ lợi tức đầu tư để hỗ trợ các hoạt động của trường.

Thứ ba, nguồn thu từ hợp tác nghiên cứu và hợp đồng. Theo đó, Đại học Johns Hopkins nhận được nhiều hợp đồng và tài trợ từ các cơ quan Chính phủ, tổ chức quốc tế để thực hiện nhiều dự án nghiên cứu. Trong lĩnh vực y học và khoa học kỹ thuật, đại học này thu hút được nhiều dự án có giá trị lớn, góp phần vào sự phát triển của trường.

Ngoài ra, Đại học Johns Hopkins còn có nguồn thu từ bệnh viện và các dịch vụ liên quan. Nghiên cứu sinh Lê Đình Hiếu lý giải: “Hệ thống y tế Johns Hopkins, bao gồm bệnh viện và các cơ sở y tế khác, đóng góp một phần quan trọng vào nguồn thu của trường. Nguồn thu từ các chương trình đào tạo liên tục, đào tạo chuyên sâu và các khóa học trực tuyến. Đại học Johns Hopkins phát triển mạnh mẽ các chương trình đào tạo chuyên sâu, đặc biệt trong các lĩnh vực y học, khoa học kỹ thuật và quản lý, thu hút đông đảo học viên quốc tế theo học".

Ông Lê Đình Hiếu cũng cho biết thêm: “Theo báo cáo tài chính năm 2023 của Đại học Johns Hopkins, nguồn thu cao nhất đến từ “Grants, Contracts” (Hợp đồng và các khoản tài trợ) - khoảng 1,8 tỷ USD (khoảng hơn 45 nghìn tỷ đồng), và “Applied Physics Lab contract” (Hợp đồng cho các hoạt động thí nghiệm vật lý ứng dụng) - 2,2 tỷ USD (khoảng hơn 56 nghìn tỷ đồng). Tổng nguồn thu năm 2023 của đại học này là 8,2 tỷ USD (khoảng 208 nghìn tỷ đồng)”.

 Ảnh minh họa: Johns Hopkins University.

Ảnh minh họa: Johns Hopkins University.

Là một trong ba hình thức huy động tài chính chủ yếu, các khoản đóng góp tư nhân đóng vai trò rất lớn cho sự phát triển của các trường đại học tại Mỹ.

“Cần phải nói thêm, không chỉ các trường đại học tư thục, mà các trường đại học công lập tại Mỹ cũng nhận được nguồn đóng góp tư nhân đáng kể (chiếm 12% tổng nguồn thu năm học 2020-2021).

Các khoản đóng góp tư nhân này thường đến từ các doanh nghiệp và đặc biệt là các cá nhân là cựu sinh viên của trường. Đối với các cựu sinh viên, việc quyên góp nhằm hỗ trợ các thế hệ kế cận là cách họ tri ân nhà trường. Đặc biệt, các khoản đóng góp tư nhân thường được thành lập dưới dạng quỹ đầu tư (investment fund). Một số trường hợp, trường đại học chỉ được sử dụng khoản tiền sinh lời từ quỹ đầu tư cho các hoạt động của trường mà không được dùng số tiền gốc.

Trong các trường hợp khác, các khoản đóng góp sẽ chỉ dành cho những mục đích cụ thể như hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ, xây dựng thư viện hay hỗ trợ tài chính cho một nhóm sinh viên yếu thế. Thông qua việc quản lý các quỹ đầu tư, nhà tài trợ và trường đại học sẽ cùng cộng tác để đảm bảo khoản tiền đóng góp được sử dụng cho sự phát triển lâu dài và bền vững”, ông Lê Đình Hiếu chia sẻ thêm.

Ông Hiếu dẫn chứng, Đại học Harvard là cơ sở giáo dục đại học có nguồn tài trợ lớn nhất Hoa Kỳ, đạt khoảng hơn 53 tỷ USD vào năm 2023. Phần lớn quỹ này đến từ các khoản đóng góp, hiến tặng của cựu sinh viên và nhà tài trợ.

Hay chiến dịch gây quỹ “The Harvard Campaign” đã giúp trường này huy động được hơn 9,6 tỷ USD từ các cựu sinh viên, nhà tài trợ. Có thể thấy, Đại học Harvard thường xuyên nhận được các khoản hiến tặng lớn, thậm chí có những khoản hiến tặng lên đến hàng trăm triệu USD từ các nhà hảo tâm. Chẳng hạn, John A.Paulson đã tặng 400 triệu USD cho Trường Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng Harvard vào năm 2015.

Điều này cũng khẳng định ý nghĩa của việc xây dựng các quỹ tài trợ, tăng nguồn thu để đầu tư, phát triển cho giáo dục. Đặc biệt, sự quyên góp tài chính từ cựu sinh viên giàu có của trường là một nguồn huy động rất quan trọng. Khi các quỹ tài trợ phát triển sẽ tạo ra nguồn tài nguyên liên tục, đảm bảo ổn định tài chính của nhà trường. Hơn thế nữa, các khoản hiến tặng, quyên góp cũng giúp cơ sở giáo dục đại học giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn thu từ học phí.

Theo ông Hiếu, việc huy động tốt các nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển của trường đại học trong tăng cường chất lượng giáo dục và nghiên cứu, giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước và tạo ra các cơ hội học tập và nghiên cứu đa dạng.

Ngoài ra, trường đại học còn có thể huy động các nguồn đóng góp khác như: cơ sở vật chất, công nghệ giáo dục, đội ngũ doanh nhân tham gia giảng dạy, doanh nghiệp cam kết việc làm đầu ra, doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo sinh viên và các chương trình học bổng, hỗ trợ tài chính do doanh nghiệp cung cấp trực tiếp đến cho các em.

Nhà nghiên cứu giáo dục Lê Đình Hiếu cũng chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến thực tế các hoạt động huy động nguồn lực tài chính ở một số trường đại học Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa được phổ biến.

Thứ nhất, hệ thống pháp lý và chính sách chưa hoàn thiện. Các chính sách khuyến khích đóng góp tư nhân và tài trợ cho giáo dục chưa được phát triển mạnh mẽ. Thiếu các ưu đãi về thuế và các biện pháp khuyến khích khác để thúc đẩy các doanh nghiệp, cá nhân đóng góp cho giáo dục. Ngoài ra, quy trình, thủ tục nhận tài trợ, đóng góp từ cựu sinh viên, các nhà hảo tâm còn phức tạp và thiếu minh bạch, gây khó khăn trong việc huy động nguồn lực tài chính.

Thứ hai, nhiều cá nhân và tổ chức chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc đóng góp cho giáo dục đại học. Văn hóa đóng góp từ thiện cho giáo dục chưa phổ biến và chưa trở thành một phần trong nhận thức cộng đồng tại Việt Nam.

Thứ ba, trường đại học vẫn còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước, thiếu sự chủ động trong việc tìm kiếm và huy động các nguồn tài chính ngoài ngân sách.

Bên cạnh đó, các trường đại học ở Việt Nam chưa xây dựng được mạng lưới cựu sinh viên mạnh mẽ, hiệu quả để kêu gọi sự đóng góp và hỗ trợ. Ngoài ra, còn nhiều hạn chế trong phát triển các chương trình gây quỹ và tài trợ tại các trường đại học.

Thứ tư, chưa đa dạng các mối quan hệ hợp tác quốc tế và các chương trình trao đổi học thuật, khiến việc huy động tài trợ và đóng góp từ các tổ chức quốc tế gặp nhiều khó khăn.

 Ảnh minh họa: Johns Hopkins University.

Ảnh minh họa: Johns Hopkins University.

Để thúc đẩy hoạt động huy động nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học ở Việt Nam một cách hiệu quả, dựa trên nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước tiên tiến, nghiên cứu sinh Lê Đình Hiếu có một số đề xuất.

Thứ nhất, cần có sự cải thiện chính sách và cơ chế khuyến khích. Xây dựng các chính sách ưu đãi thuế rõ ràng và hấp dẫn cho các cá nhân, doanh nghiệp đóng góp tài chính cho giáo dục đại học. Các khoản đóng góp này nên được khấu trừ thuế thu nhập để khuyến khích sự đóng góp từ phía xã hội.

Ngoài ra cần có chính sách hỗ trợ tài chính linh hoạt, tạo ra các quỹ hỗ trợ tài chính linh hoạt để hỗ trợ các trường đại học trong việc triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và các chương trình học bổng.

Thứ hai, thiết lập và duy trì mạng lưới cựu sinh viên một cách chuyên nghiệp, tạo điều kiện để họ có thể kết nối và đóng góp lại cho trường. Các trường đại học nên tổ chức các sự kiện kết nối và tạo ra các cơ hội giao lưu, hợp tác giữa cựu sinh viên và nhà trường.

Song song là mở rộng hợp tác với các trường đại học và tổ chức giáo dục quốc tế để thu hút tài trợ và đầu tư nước ngoài. Các chương trình hợp tác nghiên cứu và trao đổi sinh viên cũng giúp tạo ra nhiều cơ hội huy động tài chính.

Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính. Các trường cần đảm bảo minh bạch trong quản lý tài chính và trách nhiệm giải trình với các khoản tài trợ và đóng góp. Các báo cáo tài chính nên được công bố công khai và chi tiết để tạo niềm tin từ các nhà tài trợ.

Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo và phát triển đội ngũ nhân sự chuyên trách về gây quỹ và quản lý tài chính, nâng cao năng lực và kỹ năng trong việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng cần phát triển các chương trình gây quỹ sáng tạo và linh hoạt.

Thứ năm, tăng cường quan hệ với doanh nghiệp và xã hội. Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu với các doanh nghiệp để phát triển các dự án khoa học và công nghệ có ứng dụng thực tiễn. Các doanh nghiệp có thể tài trợ hoặc đồng tài trợ cho các dự án nghiên cứu này. Khuyến khích các doanh nghiệp thành lập các quỹ học bổng để hỗ trợ sinh viên trong các lĩnh vực liên quan đến ngành công nghiệp của họ.

Ngoài ra, theo ông Lê Đình Hiếu, việc thúc đẩy văn hóa đóng góp cho giáo dục cũng sẽ giúp các trường có thêm nhiều cơ hội huy động nguồn lực tài chính, góp phần vào sự phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng đào tạo.

Thi Thi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/bai-hoc-kinh-nghiem-nhin-tu-cach-huy-dong-nguon-luc-tai-chinh-o-mot-so-dh-cua-my-post243483.gd
Zalo