Bài 3: Bài học chính sách đối với Việt Nam
Việc đào tạo năng lực số, kỹ năng sử dụng AI cho đội ngũ công chức đã trở thành điều kiện tiên quyết để xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả và sẵn sàng cho tương lai. Tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia tiên phong, Việt Nam có thể sớm xây dựng một chiến lược đào tạo AI cho khu vực công.
Tại sao công chức cần được học về AI?
AI đang mở ra một kỷ nguyên mới trong quản lý nhà nước với hàng loạt ưu điểm vượt trội: giúp tự động hóa xử lý văn bản, phát hiện bất thường trong dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định nhanh hơn và chính xác hơn. Các hệ thống chatbot, trợ lý ảo có thể trả lời thắc mắc của người dân 24/7, giảm tải áp lực cho bộ phận một cửa. Phân tích dữ liệu lớn còn giúp các cơ quan dự báo xu hướng, điều chỉnh chính sách linh hoạt hơn.

Nâng cao năng lực số cho công chức là đòi hỏi tất yếu để phát triển nền hành chính công hiện đại
Công chức là những người trực tiếp thực hiện chính sách, cung cấp dịch vụ công và xử lý thông tin từ người dân. Nếu không làm chủ các công nghệ AI, họ sẽ bị tụt hậu và bị đào thải trong khi công nghệ ngày càng chi phối mọi lĩnh vực. Việc được đào tạo bài bản về AI giúp công chức hiểu cách sử dụng các công cụ thông minh như phân tích dữ liệu lớn, trợ lý ảo, hệ thống tự động hóa để tăng tốc độ xử lý công việc, giảm sai sót, đồng thời nâng cao tính minh bạch và phục vụ người dân tốt hơn. Ngoài ra, hiểu biết về AI còn giúp công chức tham gia xây dựng và giám sát các hệ thống công nghệ một cách có trách nhiệm, bảo đảm yếu tố đạo đức, công bằng và bảo mật dữ liệu. Việc đào tạo AI để họ có sự thích nghi và chủ động phát triển từ công chức “đánh máy” sang công chức “học máy” không chỉ là thay đổi công cụ, mà là thay đổi tư duy, nâng tầm bộ máy công quyền trong thời đại số.
5 kinh nghiệm thiết thực
Bắt đầu từ lãnh đạo - lan tỏa xuống cơ sở: Ireland và Uttar Pradesh (Ấn Độ) đều chọn cách “đánh thẳng” vào đội ngũ ra quyết định đầu tiên. Khi lãnh đạo hiểu AI, họ sẽ biết cách phân bổ ngân sách, xây dựng quy trình và truyền cảm hứng cho cấp dưới. Việt Nam có thể học tập mô hình này bằng cách tổ chức khóa học ngắn hạn, thực tiễn cho cán bộ cấp vụ, cục, sở - tập trung vào kỹ năng ứng dụng AI vào điều hành và ra quyết định.
Xây dựng khung năng lực AI riêng cho khu vực công: UNESCO đã tạo ra một khung năng lực mẫu gồm: kỹ thuật AI cơ bản, tư duy phản biện số, đạo đức trong xử lý dữ liệu và năng lực điều phối chính sách có AI. Việt Nam nên xây dựng bộ khung kỹ năng AI dành riêng cho công chức, phân cấp theo trình độ (lãnh đạo - quản lý - chuyên viên) để thiết kế lộ trình học phù hợp.
Đào tạo theo mô hình “đại sứ công nghệ”: Malaysia cử 200 “đại sứ đổi mới” đi học AI, sau đó họ trở thành người huấn luyện lại đồng nghiệp. Mô hình này không tốn kém, tạo sức lan tỏa nội bộ và tăng cường năng lực tự chủ. Việt Nam có thể tuyển chọn công chức trẻ, năng động ở các sở/ngành để làm “đầu mối AI” và được đầu tư đào tạo sâu, từ đó lan tỏa kiến thức trong nội bộ đơn vị.
Ứng dụng thực tế để tránh lý thuyết suông: các quốc gia tiên tiến tích hợp việc học AI vào nhiệm vụ công, tạo mẫu báo cáo bằng AI, tổng hợp văn bản pháp luật tự động, phân tích dữ liệu dân sinh… Không phải học để biết, mà học để làm. Các khóa đào tạo AI cần tích hợp case study từ chính công việc hành chính, chẳng hạn như xử lý hồ sơ điện tử, trả lời công dân, phân tích báo cáo ngân sách…
Đánh giá hiệu quả sau đào tạo: bang New Jersey của Mỹ không chỉ đào tạo, mà còn đo lường: năng suất công việc tăng bao nhiêu, thời gian xử lý công văn giảm bao nhiêu, độ hài lòng của người dân thay đổi thế nào. Vì vậy, sau mỗi đợt đào tạo, Việt Nam nên có công cụ đánh giá hiệu quả bằng chỉ số định lượng, tránh kiểu học “cho có”, thi lấy chứng chỉ rồi bỏ quên kỹ năng.
Nhìn vào xu hướng hiện nay trên thế giới, dễ nhận thấy một thực tế: AI đã trở thành tất yếu khi các quốc gia đều chọn cách đầu tư vào con người, trước cả khi đổ tiền vào công nghệ. Với xu hướng này, hành chính công thành một sân chơi mới, nơi người nhanh sẽ có lợi thế, còn người chậm sẽ bị guồng máy vận hành bỏ lại. Việt Nam nếu muốn tiến nhanh trong chuyển đổi số, phải sớm có chiến lược đào tạo AI cho đội ngũ công chức, không chỉ là vài khóa học ngắn hạn, mà là hệ thống đào tạo liên tục, thiết thực và gắn với thăng tiến, hiệu quả công việc.
Hơn 3 triệu giờ lao động được tiết kiệm mỗi năm - đó không chỉ là con số từ Malaysia, mà có thể là tương lai của chính nền hành chính Việt Nam. Tương lai hành chính công không nằm ở những văn phòng tráng lệ, mà ở những con người biết cách điều khiển trí tuệ nhân tạo đúng hướng, đúng lúc và đúng đạo đức.