Bài 2: Xử lý nước thải trong khu công nghiệp - tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư thứ cấp ngành công nghiệp hỗ trợ
Hiện, Quảng Ninh có 9 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, 8 KCN đã đi vào sản xuất; và đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung phù hợp quy hoạch phân khu. 6 KCN đã xây dựng và vận hành trạm xử lý nước, có hệ thống quan trắc nước thải tự động truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh để quản lý nguồn nước sau xử lý xả thải ra môi trường. Xây dựng cơ sở hạ tầng tốt là điều kiện góp phần thúc đẩy thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào ngành công nghiệp hỗ trợ.
Triển khai Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch thực hiện với những mục tiêu cụ thể: Vốn đăng ký giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 2,5-3 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 3-4,5 tỷ USD; vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 1,5-2 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 khoảng 2-3 tỷ USD.
Quảng Ninh cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sản xuất trong tỉnh tiến tới xuất khẩu ra nhiều nước, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng KCN xanh, sạch đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Các KCN thu hút đầu tư thứ cấp vào sản xuất, có nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và đời sống nội bộ; theo đó là xử lý nước thải đã qua sử dụng. Vấn đề đáng quan tâm là nước thải công nghiệp, nước thải ra từ các Nhà máy sản xuất công nghiệp, cơ sở chế biến lương thực - thực phẩm có tác động đến môi trường. Theo thông tin của Công ty nước sạch Quảng Ninh, các KCN hiện có nhu cầu sử dụng nước là 5.781.000m3/năm. 8 tháng đầu năm 2024, đã tiêu thụ 1.591.764m3 nước sạch.
Theo quy định pháp luật về môi trường, thì các KCN đã xây dựng Hệ thống xử lý nước thải tập trung; trong đó KCN Hải Yên, ở thành phố Móng Cái do Tổng Công ty Viglacera - CTCP làm chủ đầu tư. KCN Hải Yên diện tích sử dụng đất 182,42ha, Khu công nghiệp Hải Yên được định hướng là khu công nghiệp đa ngành, không gây ô nhiễm môi trường, trong đó tập trung thu hút dự án đầu tư thuộc các nhóm ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng; dệt may; lắp máy; cơ khí chính xác;…
Hệ thống xử lý nước thải tập trung theo hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường gồm 2 mô đun tổng công suất 5.500 m3/ngày/đêm. Đến nay, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng đạt công suất 5.500 m3/ngày/đêm. Mô đun 2.000 m3/ngày/đêm đã được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp phép xả nước thải vào nguồn nước số 3573/QĐ-UBND ngày 16/9/2020; lượng nước thải trung bình được xử lý (tính theo đồng hồ online KCN) khoảng 1.300 m3/ngày/đêm.
Dự án khu công nghiệp (KCN) Texhong Hải Hà được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cuối tháng 4/2014, với tổng vốn đăng ký 4.520,12 tỷ đồng (215 triệu USD), với quy mô giai đoạn I là 660 ha. KCN Texhong Hải Hà được xây dựng theo định hướng phát triển chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ. Chủ đầu tư hạ tầng là Công ty TNHH KCN Hải Hà Việt Nam.
Đến nay, KCN Texhong Hải Hà có 19 dự án thứ cấp, tổng diện tích đất và cơ sở hạ tầng đã cho thuê lại khoảng 262 ha. Tổng vốn đầu tư đã đăng ký của 19 dự án thứ cấp và 1 dự án hạ tầng là trên 1,4 tỷ USD. KCN đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 11.000 lao động, với thu nhập bình quân từ 9 đến 11 triệu đồng/tháng. Quy mô hệ thống xử lý nước thải theo quy hoạch là 175.200 m3/ngày/đêm, trong đó khu A công suất 60.000m3/ngày/đêm; khu B công suất 56.000m3/ngày/đêm; khu C công suất 26.700m3/ngày/đêm; khu D công suất 32.500m3/ngày/đêm. Hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN này gồm 3 mô đun, tổng công suất 70.000 m3/ngày/đêm.
Đến nay, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 2 mô đun (10.000 m3 và 20.000 m3/ngày đêm) tổng công suất 30.000 m3/ngày đêm, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp GPMT số 131/GPMT-BTNMT ngày 16/4/2024; lượng nước thải trung bình được xử lý khoảng 16.000 m3/ngày/đêm.
KCN Cái Lân, thành phố Hạ Long, diện tích sử dụng đất 69,28 ha, Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh là chủ đầu tư. Tập trung thu hút dự án đầu tư ở các nhóm ngành như đóng tàu, cơ khí lắp ráp, sản xuất bao bì …
Quy mô hệ thống xử lý nước thải theo quy hoạch là 22.000 m3/ngày/đêm, gồm 2 trạm xử lý nước thải tập trung. Hệ thống xử lý nước thải tập trung, theo hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường gồm 1 mô đun công suất 2.000 m3/ngày/đêm. Đã hoàn thành đầu tư xây dựng và hoạt động ổn định từ năm 2002, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép môi trường số 231/GPMT-BTNMT ngày 07/7/2023; lượng nước thải trung bình được xử lý khoảng 500 m3/ngày đêm.
Ngày 31/12/2014, Khu công nghiệp Việt Hưng được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho áp dụng chính sách đặc thù, trở thành khu công nghiệp chuyên sâu tương tự như mô hình tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với định hướng biến khu công nghiệp Việt Hưng trở thành một khu công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô.
KCN Việt Hưng, thành phố Hạ Long, diện tích sử dụng đất 300,93ha, Công ty Cổ phần Phát triển KCN Việt Hưng là chủ đầu tư. Khu công nghiệp Việt Hưng - Giai đoạn 2 (hay Khu công nghiệp tổ hợp công nghệ Thành Công Hạ Long): Có tính chất là khu công nghiệp có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với loại hình công nghiệp sản xuất xe ô tô thân thiện với môi trường gồm xe du lịch, xe thương mại và xe chuyên dụng, áp dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và khu vực
Quy mô hệ thống xử lý nước thải theo quy hoạch là 5.916.92 m3/ngày/đêm, gồm 2 trạm xử lý nước thải, mỗi trạm công suất 3.0000 m3/ngày/đêm.Theo hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường gồm 2 mô đun tổng công suất 6.000 m3/ngày/đêm. KCN đã hoàn thành đầu tư xây dựng, được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép môi trường số 230/GPMT-BTNMT ngày 7/7/2023 và hiện đang trong quá trình vận hành thử nghiệm theo quy định; lượng nước thải trung bình được xử lý khoảng 450 m3/ngày/đêm.
KCN Đông Mai, thị xã Quảng Yên, điện tích sử dụng đất 158,48ha. Về tính chất, Khu công nghiệp Đông Mai có tính chất là khu công nghiệp tổng hợp đa ngành có tính chất công nghệ kỹ thuật cao, công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Trong đó tập trung thu hút các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp cơ khí lắp ráp,…
Quy mô hệ thống xử lý nước thải theo quy hoạch là 3.720 m3/ngày/đêm; Giai đoạn 1 của trạm xử lý nước thải là 1.100 m3/ngày/đêm. KCN gồm 2 mô đun tổng công suất 3.720 m3/ngày/đêm. Đến nay, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 1 mô đun công suất 1.100 m3/ngày/đêm, đưa vào vận hành từ tháng 12/2019, đã được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp phép xả nước thải vào nguồn nước số 867/QĐ-UBND ngày 13/3/2020; lượng nước thải trung bình được xử lý khoảng 600 m3/ngày đêm.
KCN Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, diện tích sử dụng đất 714ha, Công ty Cổ phần Đô thị Amata Hạ Long là chủ đầu tư. Về tính chất, Khu công nghiệp Sông Khoai được định hướng xây dựng trở thành khu công nghiệp đa ngành theo hướng hiện đại, tập trung thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, tạo động lực phát triển mới cho tỉnh Quảng Ninh. Quy mô hệ thống xử lý nước thải theo quy hoạch là 24.000 m3/ngày/đêm; bố trí 2 trạm xử lý nước thải tập trung, mỗi trạm công suất 12.000 m3/ngày/đêm. KCN gồm 2 trạm xử lý nước thải tập trung, tổng công suất 36.000 m3/ngày đêm. Đến nay, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 4 mô đun thuộc trạm xử lý nước thải tập trung số 1 tổng công suất 16.000 m3/ngày/đêm, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép môi trường số 89/GPMT-BTNMT ngày 22/3/2024; lượng nước thải trung bình hiện được xử lý khoảng 12.000 m3/ngày/đêm.
KCN Nam Tiền Phong, thị xã Quảng Yên, diện tích sử dụng đất 487,4ha, Công ty Cổ phần KCN Tiền Phong là chủ đầu tư. Khu công nghiệp Nam Tiền Phong hoan nghênh nhà đầu tư trong lĩnh vực các nghành nghề cung ứng các dịch vụ cảng biển; Xây dựng các ngành công nghiệp gồm: công nghiệp yêu cầu về dịch vụ cảng biển, logistic, cơ khí; (tự động hòa, cơ điện tử, điện tử công nghiệp…), luyện kim; công nghiệp hỗ trợ…
Quy mô hệ thống xử lý nước thải theo quy hoạch là 10.000 m3/ngày/đêm. Theo hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường gồm 1 trạm xử lý nước thải tập trung tổng công suất 10.000 m3/ngày/đêm. Đến nay, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 1 mô đun công suất 300 m3/ngày/đêm; đang xây dựng 1 mô đun công suất 2.000 m3/ngày/đêm.
KCN Bắc Tiền Phong, thị xã Quảng Yên, diện tích 1.192 ha, Công ty Cổ phần KCN Bắc Tiền Phong là chủ đầu tư. Cung ứng các dịch vụ cảng biển; Xây dựng các ngành công nghiệp gồm: cơ khí (tự động hòa, cơ điện tử, điện tử công nghiệp…), luyện kim; công nghiệp hỗ trợ, và các ngành công nghiệp trung gian; Các ngành dịch vụ phục vụ khu công nghiệp;…
Quy mô hệ thống xử lý nước thải theo quy hoạch là 24.000 m3/ngày/đêm; bố trí 2 trạm xử lý nước thải tập trung; trạm xử lý nước thải 1 công suất 6.100 m3/ngày/đêm; trạm 2 công suất 17.900 m3/ngày/đêm. KCN gồm 2 trạm xử lý nước thải tập trung tổng công suất 24.000 m3/ngày/đêm. Đến nay, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 1 mô đun công suất 4.500 m3/ngày/đêm thuộc trạm xử lý nước thải tập trung số 1. Mô đun 4.500 m3/ngày/đêm, dự kiến đi vào vận hành thử nghiệm trong quý III/2024.
Tựu chung, hiện tỉnh Quảng Ninh có 8 KCN đã hoàn thành xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, gồm 15 mô đun với tổng công xuất xử lý 71.400 m3/ngày/đêm. Trong đó, 6/6 KCN có dự án thứ cấp đang hoạt động gồm: KCN Cái Lân, KCN Hải Yên, KCN Đông Mai, KCN Việt Hưng, KCN Texhong Hải Hà giai đoạn I và KCN Sông Khoai. Các KCN đã đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung và hoàn thành lắp đặt quan trắc môi trường tự động kết nối, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường. Công suất các trạm xử lý nước thải tập trung của các KCN đã được cấp Giấy phép môi trường hoặc Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Cụ thể: KCN Hải Yên 2.000 m3/ngày/đêm; KCN Texhong Hải Hà 36.000 m3/ngày/đêm; KCN Cái Lân 2.000 m3/ngày/đêm; KCN Việt Hưng 6.000 m3/ngày/đêm; KCN Đông Mai 1.100 m3/ngày/đêm và KCN Sông Khoai 12.000 m3/ngày/đêm.
Kết quả quan trắc môi trường nước thải của các KCN tại các trạm xử lý nước thải tập trung cho thấy, nước thải sau xử lý của các KCN đều nằm trong ngưỡng cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
Và với hạ tầng khu công nghiệp được quan tâm đầu tư sẽ là cơ sở tốt để thu hút, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sản xuất trong tỉnh tiến tới xuất khẩu ra nhiều nước, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.