Bài 1: Vỉa hè chật xe và hàng quán, tràn lan vi phạm
Đầu tháng 7/2025, trên mạng xã hội lan truyền video clip về một cô gái bị người bán trà đá xua đuổi khi đứng trên vỉa hè Bến xe Mỹ Đình, TP Hà Nội. Vụ việc gây bức xúc trong dư luận và cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, xử phạt người bán trà đá 2,5 triệu đồng vì hành vi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, vi phạm trật tự công cộng.
Hay gần đây là một đoạn clip lan truyền trên mạng ghi lại cảnh tranh cãi giữa một phụ nữ trung niên và một nam thanh niên về việc trông giữ ôtô tại vỉa hè trước số nhà 133 Phùng Hưng.

Bất chấp hiểm nguy, các hộ kinh doanh cà phê phố đường tàu vẫn “bám” hành lang ATGT đường sắt để bày bán.
Vụ việc này cũng được Công an phường Hoàn Kiếm, TP Hà Nội xác minh, sau đó lập biên bản xử phạt hành chính người phụ nữ này về hành vi “sử dụng tạm thời lòng đường vào mục đích khác mà không có giấy phép” với mức phạt từ 10-15 triệu đồng. Đây chỉ là những vụ việc đơn lẻ đã được xử lý và được người dân quan tâm. Hà Nội còn rất nhiều vỉa hè, đường phố bị lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán, đẩy người đi bộ phải đi xuống lòng đường tồn tại dai dẳng rất nhiều năm qua.
Kinh doanh trà đá, nước giải khát, hàng ăn uống, trông giữ xe... ngay trên vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường- những hình ảnh này chúng ta có thể bắt gặp ở rất nhiều tuyến phố trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Thậm chí, ở khu vực “phố cà phê đường tàu” thuộc phường Hoàn Kiếm, nhiều hộ dân còn bất chấp cả hiểm nguy đến tính mạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường sắt để kinh doanh.
Trà đá, taxi “bủa vây” bến xe
Đường Phạm Hùng, khu vực cạnh Bến xe Mỹ Đình từ lâu đã được biết đến là nơi tập trung nhiều hàng quán “bám” vỉa hè như trà đá, bánh mỳ.... Chỉ cần một chiếc bàn nhựa bày chút ít nước uống đóng chai, hộp kẹo lạc, bao thuốc lá... cùng chục chiếc ghế nhựa là đã trở thành nơi kiếm sống của gần chục hàng trà đá bán xung quanh khu vực Bến xe Mỹ Đình.
Lấn chiếm vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị, tạo ra cảnh nhếch nhác, lộn xộn nơi cổng Bến xe Mỹ Đình- những hình ảnh không đẹp này đã tồn tại nhiều năm qua mà không bị xử lý triệt để. Người đi bộ buộc phải di chuyển xuống lòng đường, đối mặt trực tiếp với nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) hoặc rơi vào cảnh "lời qua, tiếng lại" với những người đang lấn chiếm vỉa hè.
Cùng với đó, mỗi lần đi qua khu vực Bến xe Mỹ Đình, chắc hẳn ai cũng cảm thấy bức xúc vì tình trạng xe taxi, xe ôm đỗ ngay dưới lòng đường chờ đón khách. Ngay trước cổng Bến xe Mỹ Đình, trên đường Phạm Hùng - tuyến đường huyết mạch có mật độ phương tiện đông đúc, nhiều xe ôm, taxi không vào bến vì muốn né tránh phí gửi xe. Lái xe thản nhiên dừng phương tiện giữa đường để đón trả khách, mở cốp bốc xếp hàng hóa, gây cản trở, mất an toàn cho các phương tiện đang lưu thông. Tấm biển "cấm các phương tiện dừng, đỗ xe dưới lòng đường" trở nên vô hình trong mắt các lái xe thiếu ý thức.
Tình trạng trà đá, taxi “bủa vây” khu vực Bến xe Mỹ Đình sẽ trở thành quen thuộc nếu như không xuất hiện video clip về cô gái đứng trên vỉa hè bị bà bán nước xua đuổi. Ngay sau khi video clip này phát tán trên các trang mạng xã hội, Công an phường Từ Liêm, TP Hà Nội đã tổ chức xác minh làm rõ theo quy định của pháp luật và đã xử phạt người bán hàng nước 2,5 triệu đồng về hành vi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, vi phạm trật tự công cộng.
Nói về vấn đề này, đại diện Công an phường Từ Liêm cho biết, đơn vị thường xuyên duy trì 5 tổ công tác để xử lý vi phạm về trật tự đô thị trên địa bàn phường. Riêng khu vực Bến xe Mỹ Đình, Công an phường vẫn duy trì 1 tổ công tác để đảm bảo ANTT trong và ngoài bến xe. Đến thời điểm này, cơ bản tình hình trật tự đô thị đã được giải quyết. Về vấn nạn taxi, xe ôm... đỗ dưới lòng đường để đón trả khách, gây ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT, Công an phường cũng đã phối hợp với Ban quản lý Bến xe Mỹ Đình có biện pháp tổ chức lại cho hợp lý.
Bất chấp nguy hiểm vẫn lấn chiếm bán hàng
Trên nhiều tuyến phố tại phố cổ Hà Nội như Hàng Gai, Hàng Mã, Hàng Buồm, Đào Duy Từ... vỉa hè đang bị lấn chiếm do hoạt động kinh doanh của các hộ dân. Dạo qua các tuyến phố cổ, không khó bắt gặp hình ảnh các cửa hàng bán đồ lưu niệm, đồ ăn, quán cà-phê và những tiểu thương bán hàng rong đặt các quầy hàng xâm chiếm các vỉa hè, lấn chiếm làn đường dành cho người đi bộ.
Điều này ảnh hưởng đến an toàn giao thông, giảm chất lượng không gian công cộng, từ đó ảnh hưởng đến mỹ quan và cả môi trường khu vực phố cổ. Các tuyến hè phố vốn là nơi giao thoa giữa không gian sinh hoạt của người dân và du khách, nay bị đe dọa vì quá tải hoạt động kinh doanh, khiến người dân buộc phải chen lấn dưới lòng đường.
Tuyến phố Nhà Thờ, phường Hoàn Kiếm từ lâu đã được biết đến là con phố đẹp, là địa điểm check-in quen thuộc của giới trẻ. Để phục vụ số lượng khách đông, các hàng kinh doanh trà chanh thường lấn chiếm hết vỉa hè để bày bàn ghế cho khách ngồi.
Phố Phủ Doãn cũng từng biết đến là con phố có tình trạng lấn chiếm vỉa hè để bán trà đá diễn ra khá phổ biến, nhất là khu vực đối diện với Bệnh viện Việt-Đức. Các hàng trà đá ở đây chủ yếu phục vụ người nhà, bệnh nhân đi khám bệnh, xe ôm, taxi…Không chỉ thế, hàng ăn cũng nghiễm nhiên bày ra vỉa hè để bán hàng, khách ngồi vây quanh xì xụp. Khách đông nên ngồi chiếm hết cả vỉa hè một cách lộn xộn, không còn chỗ cho người đi bộ.
Đặc biệt, tại khu vực đường sắt đi qua các phố Phùng Hưng, Trần Phú, Lê Duẩn – nơi nổi tiếng với cái tên “phố cà phê đường tàu”, khung cảnh thường thấy là cảnh bàn ghế bày sát đường ray, khách ngồi kín lối, người lớn thì nhâm nhi cà phê và selfie với đường ray, trẻ nhỏ thì chạy chơi sát mép đường tàu… tiếng cười nói rộn ràng át cả tiếng còi tàu từ xa vọng lại. Bất chấp các biển cấm, bất chấp hàng rào chắn tạm thời, từng nhóm du khách vẫn hăm hở tìm đến “trải nghiệm” sự độc lạ theo những gì được lan truyền trên mạng xã hội.
Nhiều người dân đã bày tỏ lo ngại trước thực trạng vi phạm hành lang ATGT rất đáng báo động này. Chị Nguyễn Khánh Ly, trú tại phường Tây Hồ, Hà Nội lo ngại: “Tôi thấy có rất nhiều khách đến đây uống cà phê và check-in. Tôi rất lo vì không gian hẹp, lượng khách lại rất đông. Các vị trí này khá nguy hiểm vì khi mọi người đi qua đi lại trên đường ray, nếu tàu hỏa đi ngang qua rất dễ có thể xảy ra tai nạn bất kỳ lúc nào".
Dọc ven hồ Tây, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh diễn ra nhức nhối vào buổi tối, đặc biệt tại phố Trích Sài, phố Vệ Hồ... Trước ngày 1/7, cứ khoảng 20h tối, bàn ghế được bày xếp hàng dài la liệt ở vỉa hè ven hồ để kinh doanh nước.
Đặc biệt trong hai ngày cuối tuần, vỉa hè bị lấn chiếm không thương tiếc. Khách đến đây rất đông, chủ yếu là giới trẻ, ngồi vây kín dọc theo sát hồ, ăn uống và xả rác. Có những đoạn đường vỉa hè rất nhỏ bị bàn ghế lấn chiếm, người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường đông đúc. Thậm chí, những ghế đá dành cho du khách đi dạo ở hồ Tây ngắm cảnh cũng bị chiếm dụng để kinh doanh.
Rất nhiều người dân và du khách bức xúc về tình trạng này khi họ phải đi bộ dưới lòng đường nguy hiểm. Ngoài bán hàng, ở phía ven hồ còn dùng để xe của khách ở những quán cà phê, nhà hàng chiếm hết vỉa hè, buộc người đi bộ đi xuống lòng đường.
Một trong những khu dân cư đông đúc sinh sống ở khu vực đường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng bức xúc phản ánh, vỉa hè của con đường này bị chiếm dụng nghiêm trọng để kinh doanh, dựng xe, người dân đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường rất nguy hiểm. Cửa hàng kinh doanh thì chiếm dụng luôn vỉa hè phía trước để xe, hoặc kinh doanh ăn uống bún phở, cháo lòng… trên vỉa hè. Người dân mong chính quyền sớm dẹp bỏ tình trạng lấn chiếm này, trả lại vỉa hè cho người đi bộ.