Bài 1: Phường, xã - điểm tựa của cải cách, trụ cột của đời sống đô thị
Chưa bao giờ trong lịch sử phát triển TPHCM, vai trò của phường, xã lại được đặt vào vị trí trung tâm như hiện nay. Ngày 01//7/2025, với việc chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, TPHCM không chỉ cải tổ về thể chế hành chính, mà còn mở ra một hướng tiếp cận hoàn toàn mới: phát triển từ cơ sở, xây dựng thành phố từ những tế bào sống - nơi mỗi phường, xã không còn là cấp 'thực hiện', mà trở thành nơi 'kiến tạo', 'lắng nghe' và 'hành động vì người dân'.
Phường, xã là nơi gần dân nhất, hiểu rõ nhất từng con hẻm, từng cụm dân cư, từng mảnh đời sống thường nhật. Từ chuyện rác chưa thu đúng giờ, tiếng ồn từ một công trình xây dựng, ánh sáng đèn đường rọi thẳng vào giấc ngủ người già, đến việc một đứa trẻ phải đi xa mới có trường học, hay người bệnh lớn tuổi phải bắt xe qua vài phường mới đến được trạm y tế - tất cả đều hiện ra rõ nét ở cấp cơ sở. Ở đó, không cần lý luận cao siêu hay đồ án hàng trăm trang, chỉ cần một cuộc đi bộ thực tế qua khu phố cũng đủ để thấy những điều đang thiếu, những điều cần làm, và những giá trị mà chính quyền có thể tạo ra cho dân.
Chủ động xây dựng đô thị và nếp sống văn minh
Nếu một bản quy hoạch đô thị bỏ qua cấp phường/xã, hoặc vẫn tiếp tục sử dụng các tiêu chí cứng nhắc, hình thức, xa rời thực tiễn, thì đồng nghĩa với việc bỏ lỡ cơ hội cải thiện chất lượng sống từ gốc. Trong khi đó, nếu mỗi phường, xã có thể chủ động xây dựng một hệ tiêu chí riêng phù hợp với thực trạng của mình về giao thông an toàn, môi trường sống, tiện ích 15 phút, trật tự đô thị, nước sạch, quản lý rác thải... thì những vấn đề lớn nhất của thành phố sẽ dần được tháo gỡ từ cơ sở, không cần chờ đến cấp thành phố hay Trung ương. Phường, xã không phải là nơi thi hành chính sách một chiều, mà là nơi đối thoại với thực tiễn. Từ việc lắng nghe người dân, đối chiếu với quy hoạch, đến điều chỉnh các dự án đầu tư công, giám sát dịch vụ công và kiến nghị thay đổi - tất cả đều phải bắt đầu từ năng lực thật sự của chính quyền cơ sở. Khi phường làm tốt, người dân sẽ tin; khi xã biết "nắm chắc đất, sát từng người", mọi quyết định quy hoạch sẽ bám vào thực tiễn thay vì treo lơ lửng trong những bản vẽ viễn tưởng.

Người dân tản bộ, vui chơi tại Công viên bến Bạch Đằng
Đây chính là thời điểm để trao cho phường, xã quyền chủ động nhiều hơn, không chỉ trong việc triển khai, mà cả trong việc đề xuất, kiến tạo và điều chỉnh quy hoạch theo nhu cầu thực tế. Những người làm công vụ ở cơ sở nếu được đào tạo bài bản, có công cụ đo lường rõ ràng, có quyền hạn xử lý cụ thể, sẽ trở thành lực lượng tiên phong của một nền hành chính nhân văn, có năng lực và có trách nhiệm. Chưa bao giờ, quyền lợi và chất lượng sống của người dân đô thị được đặt vào trung tâm như lúc này. Không phải bằng khẩu hiệu, mà bằng cách tổ chức lại từ cấp thấp nhất - nơi mà từng đứa trẻ đến trường, từng người già đi khám bệnh, từng bước chân đi bộ ra chợ, từng công viên nhỏ trong khu phố đều được quy hoạch vì con người thật. Đó không chỉ là cải cách kỹ thuật, mà là tái lập lại đạo lý phát triển: phát triển phải vì người dân, bắt đầu từ nơi gần dân nhất. Chính quyền phường, xã nếu được trao quyền và dẫn dắt đúng, sẽ là những người kiến tạo nên sự khác biệt bền vững nhất của một TPHCM đáng sống.
Trước hết, về giao thông phải an toàn tuyệt đối cho tất cả mọi người, đặc biệt là người yếu thế. Giao thông đô thị không chỉ là để xe cộ lưu thông thuận tiện, mà trước hết là để người dân được di chuyển an toàn, nhất là những nhóm dễ tổn thương như người đi bộ, người già, trẻ em, người khuyết tật. Trong quá khứ, nhiều phường xây dựng đường lớn, mở rộng mặt cắt giao thông, nhưng lại bỏ quên lối băng qua đường, vỉa hè thông suốt hay điểm chờ xe buýt thân thiện, khiến người dân dù sống giữa đô thị vẫn thấy mình bị đẩy ra bên lề. Trong giai đoạn 2025 - 2030, mỗi phường cần coi việc giảm tai nạn giao thông nghiêm trọng là một chỉ số quản lý bắt buộc. Mục tiêu cụ thể có thể là: giảm ít nhất 10% số vụ tai nạn nghiêm trọng mỗi năm; bảo đảm ít nhất 80% dân cư trong bán kính 500m có lối đi bộ an toàn đến trường học, trạm y tế, chợ hoặc điểm dừng giao thông công cộng; mỗi phường phải có tối thiểu ba điểm giao thông công cộng hoạt động liên tục ít nhất 18 giờ/ngày, có mái che, ghế ngồi và hỗ trợ cho người yếu thế. Nguyên lý nền tảng ở đây là: giao thông không đo bằng số làn xe, mà bằng cảm giác an toàn của người đi bộ.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn trật tự và mỹ quan đô thị, bảo đảm an ninh và hình ảnh không gian công cộng. Không gian đô thị chính là tấm gương phản chiếu chất lượng quản trị. Một đô thị văn minh là nơi người dân bước ra khỏi nhà đã thấy môi trường sống gọn gàng, có trật tự: vỉa hè thông thoáng, công trình xây dựng đúng phép, mặt tiền nhà cửa đồng bộ, cây xanh được chăm sóc, ánh sáng ban đêm hợp lý và hệ thống biển hiệu, cáp điện không rối rắm. Mỗi phường cần có kế hoạch quản lý trật tự đô thị cụ thể, trong đó nêu rõ ranh giới chức năng của từng khu vực: khu dân cư, khu thương mại, khu hạn chế tập trung đông người. Phải tích hợp hệ thống chiếu sáng, camera an ninh, đường tuần tra ngay từ bước quy hoạch. Một chính quyền mạnh là chính quyền có thể giữ gìn trật tự và mỹ quan một cách kiên định, công bằng và minh bạch, từ đó tạo nên một thứ trật tự nội tâm cho người dân, giúp họ cư xử văn minh và gắn bó hơn với không gian sống của mình.

Trẻ em đến trường bằng xe đưa rước
Phát triển các mô hình đa chức năng
Quy hoạch đô thị hiện đại không còn xoay quanh chuyện "xây cái gì ở đâu", mà là "người dân sống ở đây có gì quanh mình". Một quy hoạch đúng là quy hoạch mà người dân dù ở phường trung tâm hay vùng ven đều có thể tiếp cận các dịch vụ thiết yếu chỉ trong vòng 15 phút đi bộ hoặc xe đạp.
Mỗi phường cần bảo đảm có ít nhất một cụm tiện ích tích hợp, bao gồm: trường học liên cấp, trạm y tế, công viên xanh và chợ dân sinh hoặc siêu thị mini. Các mô hình đa chức năng cần được ưu tiên, như: trường học gắn liền với sân chơi, thư viện cộng đồng; trung tâm y tế tích hợp khu chăm sóc người già hoặc trung tâm tư vấn dinh dưỡng. Chỉ tiêu cụ thể gồm: 90% trẻ em dưới 12 tuổi đến trường trong bán kính 15 phút di chuyển; tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ y tế tại phường đạt ít nhất 60% và tăng dần lên 80%; ít nhất 50% các tiện ích trong phường được tổ chức theo mô hình tích hợp đa chức năng. Đây không chỉ là bài toán hạ tầng - mà là bài toán công bằng không gian sống. Một thành phố không thể tự nhận mình hiện đại nếu người dân phải đi cả chục cây số để gặp bác sĩ hay đưa con đi học.
Một thành phố đáng sống không chỉ là nơi có nhà cao tầng hay đường lớn, mà là nơi cư dân có thể ngủ ngon vào ban đêm, hít thở không khí trong lành vào buổi sáng, không phải sống trong tiếng ồn, khói bụi và ánh đèn chói lóa xuyên cửa sổ. Mỗi phường cần có tối thiểu ba trạm đo chuyên biệt: bụi mịn, tiếng ồn và ánh sáng ban đêm, với dữ liệu được công bố công khai theo tháng qua cổng thông tin hoặc ứng dụng điện thoại. Các công trình xây mới bắt buộc phải có phương án chống ồn, chống bụi, che chắn kỹ thuật. Ánh sáng công cộng tuân thủ chuẩn đô thị ban đêm, đủ sáng nhưng không chói, không chiếu thẳng vào nhà dân. Mỗi khu phố cần có quy chế kiểm soát tiếng ồn, bao gồm quy định khung giờ sửa chữa, khung giờ tổ chức sự kiện và các giới hạn âm lượng khu dân cư. Khi một người dân không còn bị đánh thức bởi tiếng xe rác lúc nửa đêm hay ánh đèn đường chiếu thẳng vào phòng ngủ, thì khi đó, quy hoạch thực sự đã can thiệp để tạo ra hạnh phúc.

Tuyến Metro số 1 vận hành, giúp người dân đi lại thuận tiện
Vấn đề nước sạch và quản lý rác thải được xem là nền tảng đạo đức của một phường văn minh. Không ai có thể sống khỏe mạnh trong một khu dân cư không có nước sạch, hoặc phải đi ngang qua bãi rác tự phát mỗi ngày. Việc bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt đạt chuẩn và hệ thống thu gom, xử lý rác khoa học là hai nền tảng căn bản để đánh giá trình độ văn minh của một địa phương. Chỉ tiêu 100% hộ dân được cấp nước sạch có kiểm định đạt chuẩn quốc gia, được kiểm tra ít nhất mỗi 6 tháng; mỗi phường có ít nhất 1 trạm trung chuyển rác hiện đại, không gây mùi, hoạt động 24/24, có phân loại rác tại nguồn và không để tồn tại bất kỳ điểm đổ rác tự phát nào quá 24 giờ.
Việc bảo đảm hai điều tưởng chừng nhỏ bé này (nước sạch và rác sạch) chính là khởi đầu cho một "hạ tầng đạo đức đô thị”, nơi chính quyền thể hiện cam kết với sức khỏe và nhân phẩm của người dân.
Chính quyền địa phương hai cấp mới đi vào vận hành phải là người đầu tiên cam kết thực hiện các tiêu chí này. Nếu mỗi phường, xã được trao quyền và trách nhiệm rõ ràng - không chỉ trong quản lý hành chính mà còn trong thiết kế chất lượng sống, thì từ cấp cơ sở, TPHCM sẽ có cơ hội lớn để tái lập lại một hệ thống đô thị thân thiện, an toàn, nhân văn và đáng sống hơn. Khi quy hoạch không còn là một bản vẽ kỹ thuật khô cứng, mà là một hệ thống cam kết sống giữa chính quyền, nhà đầu tư và người dân, thì đô thị sẽ không chỉ phát triển nhanh, mà còn phát triển đúng. Chúng ta không thay đổi thành phố bằng những bản vẽ lớn. Chúng ta thay đổi thành phố bằng những chuyển động nhỏ, đều đặn, thiết thực và xuất phát từ lòng tôn trọng người dân. Lấy dân làm gốc là chấp nhận nghe kỹ hơn, đi sâu hơn và hành động gần hơn. Và khi đó, cải cách không chỉ còn là nhiệm vụ của chính quyền, mà trở thành niềm tin của cả xã hội. Đó là một sự khởi đầu thực sự, một sự khởi đầu đáng để tin tưởng.
(Còn tiếp...)