Bài 1: Khi con công nhân 'chịu' cảnh thiếu thốn cùng cha mẹ

Nhìn chung, trẻ em là con công nhân khu công nghiệp thiếu thốn ở tất cả các khía cạnh như: chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hằng ngày, nhà ở, chăm sóc sức khỏe định kỳ, tinh thần tình cảm, sự gắn kết gia đình,... Do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều công nhân, lao động phải gửi con về quê, không được sống cùng con, không có điều kiện trực tiếp chăm sóc trẻ.

Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khảo sát về đời sống công nhân lao động tại tỉnh Long An.

Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khảo sát về đời sống công nhân lao động tại tỉnh Long An.

Trong 10 năm (2014-2024), khu chế xuất- khu công nghiệp tiếp tục được thành lập và phát triển ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tính đến cuối năm 2023, cả nước có 431 khu công nghiệp, thành lập tại 59/63 tỉnh, thành phố, tạo việc làm cho khoảng 4,16 triệu lao động trực tiếp. Trong đó, 23 tỉnh, thành phố có từ 50 nghìn lao động trở lên, tập trung chủ yếu tại các vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng.

Đặc thù của các khu công nghiệp là số lượng lao động nữ đông. Đối tượng này đang phải đối mặt nhiều khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình, nhất là khi mang thai và nuôi con nhỏ. Các gia đình công nhân nhập cư chủ yếu sống trong các nhà trọ, thiếu nhà trẻ, lớp học gần nơi sinh sống và làm việc.

Những con số biết... buồn

Khảo sát năm 2024 của Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại 5 địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất gồm: Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Long An cho thấy chỉ có 3,2% người lao động có tích lũy. Số còn lại phải chi tiêu tằn tiện, không đủ trang trải cuộc sống, chiếm 72,2%.

Tỷ lệ người lao động được hỏi có thu nhập dưới 6 triệu đồng/người/tháng chiếm 15,1%; từ 6-8 triệu đồng là 38,5%; từ 8-10 triệu đồng chiếm 26,9%; thu nhập trên 10 triệu đồng chỉ chiếm 9,5%.

Với thu nhập thấp nhưng lại phải chi tiêu quá nhiều khoản sinh hoạt phí, dẫn đến việc lựa chọn trường lớp của các bậc phụ huynh là công nhân nhập cư gặp nhiều khó khăn, cũng như không thể có điều kiện chăm sóc con cái.

Phó ban Nữ Công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thu Phương cho biết, con cái theo cha mẹ đến các khu công nghiệp có xu hướng gửi tại các nhà trẻ tư nhân, nơi điều kiện và không gian hạn chế, người trông trẻ không được đào tạo bài bản, không có kỹ năng sư phạm; ít có sự đầu tư trang thiết bị nuôi dạy trẻ, chủ nhà không có chuyên môn.

Chỉ có 17,7% công nhân được khảo sát cho biết khu vực sống của họ có sân chơi cho trẻ.

Chỉ có 17,7% công nhân được khảo sát cho biết khu vực sống của họ có sân chơi cho trẻ.

Thậm chí, nhiều cơ sở lấy phòng trọ làm nơi giữ trẻ, học phí thấp dẫn đến nên chất lượng bữa ăn thấp, điều kiện phục vụ chưa bảo đảm, các cháu chỉ biết ăn và ngủ, không được dạy các kỹ năng cần thiết ở độ tuổi của mình.

Trưởng ban Gia đình và xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Trương Thị Thu Thủy chỉ ra: Thực tế cho thấy, nhu cầu gửi trẻ từ 6 tháng tuổi trong và ngoài giờ của các gia đình công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là rất lớn nhưng thực tế loại hình giáo dục này đang tồn tại nhiều khó khăn, bất cập.

Hệ thống trường công lập mới đáp ứng được nhu cầu gửi con của người dân trên địa bàn, các trường tư thục đảm bảo chất lượng lại có mức học phí cao.
Mặt khác, do giờ giấc làm việc khá đặc thù (đi sớm về muộn, tăng ca kíp), phần lớn công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất phải gửi con vào các nhóm lớp độc lập, tư thục (chi phí trung bình khoảng 2 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập của họ dao động từ 5 triệu đến dưới 10 triệu đồng/tháng/người).

Chị Lê Thị Linh, 30 tuổi làm ở 1 doanh nghiệp may, thuê trọ ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội cho biết: Số tiền gần 2 triệu đồng để gửi con mỗi tháng ở một cơ sở mầm non tư thục gần nhà trọ chiếm 1/3 tiền lương nhưng chị vẫn phải chấp nhận. Bởi, đây là cách duy nhất để vừa được đi làm, vừa được chăm sóc con mà không phải gửi về quê như trước.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất chưa bảo đảm, tình hình giáo viên biến động nhiều, địa phương chưa kiểm soát nổi sự bùng nổ nhanh chóng của loại hình này (nhiều nhóm lớp nhỏ lẻ chưa được cấp phép). Đây là một trong những nguyên nhân có nguy cơ gây ra các vụ bạo hành, mất an toàn cho trẻ.

Trước đó, năm 2013, Ban Nữ Công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiến hành khảo sát đối với lao động nữ di cư tại 10 tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy: Có tới 40% lao động nữ di cư có con ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và gần 30% lao động nữ có con ở các cấp học phổ thông phải gửi con về quê cho người thân nuôi dạy, không có điều kiện gần gũi, chăm sóc và nuôi dạy trẻ... Đồng nghĩa với việc, họ cũng không còn điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí, hạn chế về kiến thức, kỹ năng chăm sóc nuôi dạy con….

Một bộ phận người lao động không còn sự lựa chọn, bắt buộc phải gửi con về quê, phó mặc trách nhiệm chăm sóc con cái cho ông bà, người thân, nhà trường. Nhiều ông bà vì chiều cháu, không có biện pháp giáo dục đúng cách, dẫn đến các cháu hư, thậm chí vướng tệ nạn xã hội...

Cái khó "bó" cái khôn

Điều kiện sống của công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất còn rất nhiều khó khăn ảnh hưởng đến việc chăm sóc, nuôi dạy con của người lao động.

Chỉ có 26% công nhân, lao động được hỏi cho rằng nhà ở thoáng mát, có không gian cho trẻ chơi, 59% không có ti vi, 59,2% không có máy giặt, 91% không có máy tính, 63,1% không có điều hòa. Chỉ có 17,7% công nhân được khảo sát cho biết khu vực sống của họ có sân chơi cho trẻ.

Để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, người lao động thường xuyên làm thêm giờ, tăng ca, do đó họ ít có thời gian gần con.

Sau những giờ lao động mệt mỏi, thời gian quay trở về chăm sóc con cái dao động từ 1-4 giờ/ngày, phụ thuộc vào thời gian làm việc. Trường hợp gửi con về quê chỉ có thể gọi điện cho con.

Tại Hội thảo tham vấn giải pháp phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Thị Dinh cho biết: cả nước hiện có 221 đơn vị cấp huyện có khu công nghiệp với 13.137 cơ sở giáo dục mầm non bao gồm cả công lập và tư thục.
Các cơ sở này huy động được hơn 1,8 triệu trẻ em. Trong đó, tỷ lệ trẻ em là con công nhân làm việc tại các khu công nghiệp chiếm khoảng 21,5%.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, số lượng cơ sở giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động.

Tại địa bàn có khu công nghiệp, tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ đến cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục chiếm 56,9% do các địa điểm này hoạt động linh hoạt về thời gian nhận, trả trẻ, học phí phù hợp nhu cầu của người lao động thu nhập thấp, địa điểm gần nơi ở trọ của công nhân.

Con em công nhân lao động tại Khu nhà ở công nhân Kim Chung. (Ảnh: Ý Yên)

Con em công nhân lao động tại Khu nhà ở công nhân Kim Chung. (Ảnh: Ý Yên)

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mặc dù được quan tâm đầu tư phát triển, tỉ lệ trường mầm non công lập đạt 67,1% trên tổng số cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, nhưng các trường mầm non công lập chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân. Công tác quy hoạch, phát triển cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp, chưa phù hợp nhu cầu của công nhân, người lao động.

Cơ chế chính sách để thúc đẩy xã hội hóa phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp chưa đủ mạnh; chính sách đối với trẻ em, giáo viên ở địa bàn có khu công nghiệp còn thấp, chưa bao phủ được hết các đối tượng. Cơ hội tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng chưa bao phủ tới một số nhóm trẻ em, như: trẻ em dân tộc thiểu số, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quy hoạch chưa phù hợp nhu cầu của công nhân, người lao động; chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em còn một số hạn chế, nhất là trẻ em nhà trẻ;

Cơ chế chính sách để thúc đẩy xã hội hóa phát triển giáo dục mầm non chưa đủ mạnh. Một số địa phương, chưa phát huy rõ vai trò của các ban, ngành đoàn thể trong việc hỗ trợ ngành giáo dục theo dõi, quản lý, hỗ trợ hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là cơ sở độc lập tư thục.

41.9% công nhân khu công nghiệp gặp khó khăn trong giáo dục kiến thức, nhận thức cho trẻ; 59.6% trẻ chưa được đáp ứng về nhu cầu được vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi; 65% con công nhân thiếu tình cảm của cha mẹ, thiếu sự gắn kết trong gia đình do cha mẹ không có thời gian gần gũi; 61% công nhân khu công nghiệp bị giảm sự tập trung vào công việc do phải lo lắng cho con cái.

Những điều trên, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ cũng như hạnh phúc của gia đình người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

(Khảo sát năm 2024 của Ban Nữ công- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)

THANH HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bai-1-khi-con-cong-nhan-chiu-canh-thieu-thon-cung-cha-me-post847462.html
Zalo