Bác sĩ thi quốc gia để hành nghề: Bảo vệ quyền lợi người bệnh, hạn chế sai sót y khoa

Dự kiến năm 2027, Việt Nam sẽ tổ chức kỳ thi quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề y lần đầu tiên do Hội đồng Y khoa Quốc gia chủ trì, nhằm chuẩn hóa chất lượng bác sĩ, đảm bảo an toàn hơn cho người bệnh.

 Kỳ thi chứng chỉ hành nghề buộc các bác sĩ phải "vừa hồng vừa chuyên". Ảnh minh họa.

Kỳ thi chứng chỉ hành nghề buộc các bác sĩ phải "vừa hồng vừa chuyên". Ảnh minh họa.

Không chỉ “sát hạch” bác sĩ mà cả các trường y

Vấn đề tổ chức thi chứng chỉ hành nghề y đã được Bộ Y tế đặt ra cách đây gần chục năm, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn của người bệnh, nhưng đến nay mới được chính thức quyết định với việc thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia.

Việt Nam hiện chưa có kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề y như nhiều nước tiên tiến. Vì thế, các bác sĩ sau khi tốt nghiệp phải có 12 tháng (trước là 18 tháng) thực hành khám bệnh, chữa bệnh (KCB) mới được cấp giấy phép hành nghề.

Do đó, Hội đồng Y khoa Quốc gia sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề theo chuẩn quốc tế, đảm bảo tính độc lập, khách quan, góp phần kiểm soát chặt chẽ hơn việc tuân thủ các quy chuẩn về đạo đức, chuyên môn và quy trình KCB. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi của người bệnh, hạn chế các sai sót y khoa

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, đây cũng là công cụ để buộc các cơ sở đào tạo y khoa nâng cao chất lượng đào tạo, chấm dứt tình trạng đào tạo ồ ạt. Từ đó, chỉ những người đủ trình độ, đạo đức nghề nghiệp mới được cấp chứng chỉ hành nghề.

Khi đã vượt qua kỳ thi do Hội đồng Y khoa Quốc gia chủ trì, bác sĩ sẽ không phải trải qua 12 tháng hành nghề mà được cấp phép ngay. Đây là một niềm vui, nhưng cũng là thách thức với các bác sĩ, đòi hỏi họ phải có chất lượng tay nghề thực sự trước khi hành nghề.

Đẩynhanh chuẩn bị kỳ thi chứng chỉ hành nghề

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia cho biết Hội đồng đang khẩn trương xây dựng Bộ công cụ đánh giá năng lực, quy trình đánh giá, phần mềm ngân hàng đề thi, hệ thống tổ chức thi, đồng thời chuẩn bị nguồn nhân lực chuyên trách cho kỳ thi đầu tiên vào năm 2027.

“Việc xây dựng bộ công cụ phải dựa trên chuẩn năng lực do Bộ Y tế ban hành, có sự đồng thuận của các cơ sở đào tạo y khoa, các hội chuyên ngành, đảm bảo khách quan, minh bạch, phù hợp thực tiễn Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế. Đây là điều kiện tiên quyết để kỳ thi đạt chất lượng, công bằng và chính xác” – ông Thuấn nhấn mạnh.

Trao đổi với VietTimes, GS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường - Đại học Y Dược TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Y học Việt Nam, Trưởng Ban xây dựng Bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề KCB của Hội đồng Y khoa Quốc gia cho biết: Hội đồng Y khoa Quốc gia phải tổ chức biên soạn bộ công cụ kiểm tra đánh giá năng lực, xây dựng quy trình kiểm tra đánh giá năng lực, xây dựng phần mềm quản lý ngân hàng đề thi, xây dựng phần mềm quản lý tổ chức kỳ thi, rồi chuẩn bị cho công tác tổ chức kỳ thi…

 GS.TS Trần Diệp Tuấn cho biết Ban xây dựng bộ công cụ kiểm tra đánh giá năng lực đang chuẩn bị tích cực cho kỳ thi.

GS.TS Trần Diệp Tuấn cho biết Ban xây dựng bộ công cụ kiểm tra đánh giá năng lực đang chuẩn bị tích cực cho kỳ thi.

Riêng Ban xây dựng bộ công cụ kiểm tra đánh giá năng lực sẽ phải xây dựng test blueprint (bản thiết kế kiểm thử) dựa trên chuẩn năng lực được Bộ Y tế ban hành, xây dựng các câu hỏi, rồi qua các bước rà soát, phân tích, cải thiện chất lượng các câu hỏi, tạo lập các bộ đề thi và xác định chuẩn đậu… Trong đó, việc xây dựng test blueprint đòi hỏi sự đồng thuận của các trường.

“Đây là một thách thức rất lớn. Bởi đây là kỳ thi quốc gia chứ không phải của một vài trường. Chúng tôi sẽ cố gắng cùng các trường đạt được sự đồng thuận ở mức có thể chấp nhận được. Vì nếu tranh cãi mãi thì chúng ta sẽ không thể triển khai các bước tiếp theo” – GS Tuấn chia sẻ.

Ngoài ra, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là xây dựng đội ngũ chuyên trách để có thể duy trì hoạt động tổ chức kỳ thi trong những năm sau.

GS Tuấn thông tin thêm ở hội thảo gần đây, Hàn Quốc đã tổ chức kỳ thi quốc gia đầu tiên từ năm 1952, trong giai đoạn chiến tranh. Viện Khảo thí Nhân lực Y tế của họ có hơn 100 nhân sự chuyên trách, riêng bộ phận xây dựng ngân hàng đề thi có hơn 20 chuyên gia am tường về khảo thí.

“Hàn Quốc làm được trong giai đoạn chiến tranh thì chúng ta cũng phải làm được” - GS Tuấn nêu quan điểm.

Dù Việt Nam bắt đầu muộn hơn, Hội đồng Y khoa Quốc gia đặt quyết tâm sẽ học hỏi kinh nghiệm quốc tế, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả đánh giá năng lực hành nghề.

Bộ Y tế khẳng định sẽ đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Hội đồng Y khoa Quốc gia hoàn thành nhiệm vụ.

(còn tiếp...)

* Bài tiếp: PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: “Kỳ thi hành nghề y không nên tách riêng, phải cải tổ ngay từ tốt nghiệp”

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/bac-si-thi-quoc-gia-de-hanh-nghe-bao-ve-quyen-loi-nguoi-benh-han-che-sai-sot-y-khoa-post187174.html
Zalo