Ba thập kỷ bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Hành trình gác lại quá khứ
Năm 2025 đánh dấu cột mốc đặc biệt trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (12/7/1995 - 12/7/2025) và 2 năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện (10/9/2023).
Từ những khác biệt trong quá khứ, Việt Nam và Hoa Kỳ ngày nay đã trở thành những đối tác tin cậy, cùng hướng tới một tương lai thịnh vượng và bền vững. Hành trình này là minh chứng sống động cho sức mạnh của khát vọng hòa bình, lòng vị tha, tầm nhìn xa và sự nỗ lực không ngừng từ cả hai phía được xây dựng, vun đắp từ niềm tin, lòng tin chính trị trên tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai.

Lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký vào ngày 27/1/1973 là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu: TTXVN
Việc ký kết thành công Hiệp định Paris vào ngày 27/1/1973 là một bước ngoặt quan trọng để kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhìn lại hơn 20 năm sau đó, hai nước đã trải qua những giai đoạn thăng trầm để tiến tới bình thường hóa quan hệ. Vượt qua những khác biệt, trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau và hợp tác cùng có lợi, hai nước từng bước khởi động các cuộc tiếp xúc, đối thoại nhằm tìm kiếm con đường hợp tác.
Khát vọng hòa bình và hòa giải

Đêm 11/7/1995 (giờ Washington), Kênh truyền hình BBC đã phát chương trình đặc biệt truyền đi hình ảnh Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đọc Tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ảnh: TTXVN phát
“Hôm nay, tôi tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam” - đó là phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Cliton ngày 11/7/1995.
Tiếp đó, ngày 12/7/1995 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Thủ tướng nhấn mạnh: “Từ lâu, Chính phủ và nhân dân Việt Nam vẫn chủ trương Hoa Kỳ và Việt Nam cần hướng về tương lai, xây dựng mối quan hệ bình thường giữa hai nước. Vì vậy, Chính phủ và nhân dân Việt Nam hoan nghênh quyết định ngày 11/7/1995 của Tổng thống Bill Clinton và sẵn sàng cùng Chính phủ Hoa Kỳ thỏa thuận một khuôn khổ mới cho quan hệ giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, cùng có lợi và phù hợp với các nguyên tắc phổ biến của luật pháp quốc tế”.

Sáng 12/7/1995, tại Hà Nội (11/7 theo giờ Mỹ), Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ảnh: Minh Đạo/ TTXVN
Đúng như Tuyên bố của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, để có những tuyên bố lịch sử trên, cần phải nhấn mạnh đó là nhờ khát vọng hòa bình và những nỗ lực hòa giải từ cả hai phía. Đó là việc, chỉ hai tuần sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) để chủ trì giải quyết vấn đề nhân đạo tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA).
Trong cuốn sách “Quá khứ không hoàn hảo – kiến tạo hòa bình, tính chính đáng và hòa giải trong quan hệ Mỹ - Việt” xuất bản năm 2023, tác giả Edward Miller đã viết: “Chỉ một tuần sau khi kết thúc chiến tranh, vào ngày 7 tháng 5 năm 1975, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi thông điệp tới Chính phủ Hoa Kỳ rằng “Hà Nội mong muốn có mối quan hệ tốt đẹp và sớm bình thường hóa quan hệ song phương với Hoa Kỳ”.
Song từ mong muốn đến hiện thực, hai đất nước đã phải mất thêm 20 năm - quãng thời gian gần bằng đúng cuộc chiến tranh đã trải qua. Trong gần 20 năm đó, bánh xe lịch sử đã chứng kiến những nỗ lực hàn gắn không ngừng nghỉ từ cả hai phía, để đến năm 1994, Hoa Kỳ tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam và sau đó 1 năm, hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Sau năm 1995, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ liên tục được thúc đẩy. Năm 2000, Tổng thống Clinton trở thành nguyên thủ Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm Việt Nam sau chiến tranh. Những chuyến thăm Việt Nam tiếp theo của Tổng thống George W. Bush (2006), Tổng thống Barack Obama (2016), Tổng thống Donald Trump (2017, 2019) và Tổng thống Joe Biden (2023) là dấu ấn rõ nét về sự phát triển ổn định và bền vững trong quan hệ hai nước.

Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, Phu nhân Hillary Clinton và con gái chụp ảnh chung với Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Phu nhân tại Lễ đón ở Phủ Chủ tịch, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 17/11/2000. Ông Bill Clinton là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên tới Việt Nam, 25 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Đây là chuyến thăm lịch sử, nhằm làm chuyển biến quan hệ giữa hai nước sau chiến tranh. Ảnh: Minh Điền/TTXVN
Đặc biệt, chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015 là lần đầu tiên một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến Hoa Kỳ, đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ về sự tin cậy chính trị và đối thoại thẳng thắn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng ở Thủ đô Washington D.C, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 6 - 10/7/2015. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Hoa Kỳ của người lãnh đạo cao nhất Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ sau khi kết thúc chiến tranh. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng sau cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Có lẽ cách đây 20 năm, không ai có thể hình dung được rằng hôm nay, tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng của Hoa Kỳ lại có một cuộc gặp rất là thú vị giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam với Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”. Và Tổng Bí thư nhấn mạnh: Hoa Kỳ và Việt Nam đã trải qua "một chương khó khăn trong lịch sử"; từ hai nước cựu thù, Việt Nam, Hoa Kỳ ngày nay đã trở thành bạn, đối tác và hơn nữa là Đối tác toàn diện và “sắp tới tương lai còn phát triển tốt hơn nữa”.
Lời “dự đoán” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành hiện thực. Chỉ 8 năm sau, tại Trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trịnh trọng thông báo hai bên đã thông qua Tuyên bố chung, nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững.
Để có những bước tiến rất dài trên trong một biên độ thời gian như thế, hai nước đã cùng nhau xây dựng cây cầu hữu nghị dựa trên lòng tin, tầm nhìn chiến lược của các nhà lãnh đạo, sự ủng hộ to lớn của nhân dân hai nước.
Những nền tảng then chốt
Vậy điều gì đã làm nên lòng tin chiến lược Việt Nam - Hoa Kỳ. Giới nghiên cứu và quan sát quan hệ hai nước đều có chung nhận định, một trong những nền tảng then chốt để xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia là sự hợp tác tích cực trong khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin với hàng loạt dự án đã và đang được triển khai, ghi nhận tính hiệu quả những nỗ lực chung trong hợp tác song phương về lĩnh vực này.
Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, từ năm 2019 đến nay, Bộ đã chỉ đạo Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) hợp tác với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức các hoạt động cải thiện chất lượng sống cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại các địa phương bị phun rải nặng, từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ (65 triệu USD) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (75 tỷ đồng). Hợp tác triển khai thành công Dự án Xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng (hoàn thành năm 2018), giải phóng được khoảng 32,4 ha đất, bàn giao cho cơ quan chức năng để mở rộng sân bay Đà Nẵng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là một trong những minh chứng rõ nét hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ trong khắc phục hậu quả chiến tranh.

Lễ ký thỏa thuận bắt đầu tiến trình lập kế hoạch và chuẩn bị cho việc xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa giữa Quân chủng Phòng không - Không quân và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) (Hà Nội, 11/5/2018). Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Bên cạnh đó, hai nước còn hợp tác hỗ trợ cải thiện chất lượng sống cho người khuyết tật tại các địa phương Việt Nam bị phun rải nặng chất da cam được triển khai theo lộ trình đã thống nhất.
Công tác tìm kiếm hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh cũng là biểu tượng của sự hòa giải, thể hiện tinh thần bao dung, gác lại quá khứ, hướng đến tương lai giữa hai nước. Trong hơn nửa thế kỷ qua, Việt Nam đã tìm kiếm và trao trả cho Hoa Kỳ hơn 1.200 bộ hài cốt. Đến nay, với sự hỗ trợ của Việt Nam, đã có 740 hài cốt quân nhân Hoa Kỳ được xác định danh tính và đưa về với gia đình. Kết quả này minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ, từ việc rà soát thông tin, khai quật hiện trường đến bàn giao di vật.
Phát biểu trong chuyến công tác cùng Đại sứ Hoa Kỳ đến bản Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hồi tháng 4/2025 để chứng kiến công tác tìm kiếm hài cốt quân nhân Hoa Kỳ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh: Việt Nam luôn thực hiện cam kết của mình, không chỉ trên phương diện ngoại giao mà còn trên tinh thần nhân văn.
"Việc chúng ta triển khai ngay hoạt động tìm kiếm người Hoa Kỳ mất tích ở Việt Nam sau khi ký kết Hiệp định Paris (1973) thể hiện cam kết của Việt Nam, tuân thủ những thỏa thuận với phía Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, tôi cũng đánh giá cao sự thể hiện lòng bao dung của người Việt Nam. Nó thể hiện tư tưởng lớn, tầm nhìn của lãnh đạo Việt Nam. Lòng bao dung, sự khoan dung, gạt qua thù hận, tôi nghĩ là điều lớn nhất về phía Việt Nam", Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt chia sẻ.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định: Đây không chỉ là một nhiệm vụ nhân đạo mà còn trở thành hình mẫu trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh giữa hai nước, góp phần xây dựng biểu tượng về sự hòa giải giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. "Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc hàn gắn những vết thương chiến tranh, xây dựng một tương lai hòa bình và thịnh vượng. Trong nhiều thập kỷ qua, những nỗ lực nhằm xác định, tìm kiếm và nhận dạng người Hoa Kỳ mất tích đã trở thành nền tảng quan trọng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia. Chúng ta đang kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và sẽ không thể có ngày hôm nay nếu không có những nỗ lực như thế này”, Đại sứ nhấn mạnh.

Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton chứng kiến lễ trao trả hài cốt của quân nhân Hoa Kỳ tối 18/11/2000 tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Minh Điền/ TTXVN
Cùng hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, những năm qua, các trường đại học và trung tâm lưu trữ của Hoa Kỳ cũng rất chủ động cung cấp thông tin cho phía Việt Nam để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Việt Nam.
“Cách đây một vài năm, Hoa Kỳ đã cung cấp thông tin cụ thể về một mộ chôn tập thể 35 chiến sĩ Việt Nam. Tôi chính là người bàn giao tài liệu này cho Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ khi đó là ông Hà Kim Ngọc. Khoảnh khắc bàn giao đó tôi sẽ không thể quên khi Đại sứ Ngọc bật khóc nói rằng ông sẽ không thể nào biết được những thông tin này quý giá thế nào với chúng tôi, đặc biệt là với 35 gia đình liệt sĩ khi họ sẽ có thông tin về những người con của họ" - ông Kelly McKeague, Giám đốc Cơ quan tìm kiếm tù binh và người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chia sẻ.
Nền tảng tiếp theo là hợp tác phát triển kinh tế, đóng vai trò là trụ cột trong quan hệ hai nước. Động lực mạnh mẽ từ hợp tác kinh tế – thương mại, với kim ngạch tăng hơn 300 lần trong 30 năm, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Có nhiều khoản đầu tư đáng kể của Hoa Kỳ vào Việt Nam, cũng như ngày càng có nhiều nhà đầu tư Việt Nam hướng tới Hoa Kỳ.

Công ty Doosan Enerbility Việt Nam (Doosan Vina) xuất khẩu gần 2.000 tấn Module “Made in Vietnam” đến Nhà máy Golden Triangle Polymers đặt tại bang Texas, Hoa Kỳ sau hơn 10 tháng sản xuất (Quảng Ngãi, 3/2024). Ảnh: TTXVN phát
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, giảng viên cao cấp về chính trị và quan hệ quốc tế, học giả Fulbright thường trú tại Đại học Mỹ (AU) nhận định, đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam là yếu tố để tăng cường quan hệ hai nước.
Còn theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, quan hệ hai nước phát triển đã mang lại lợi ích cho cả Hoa Kỳ và Việt Nam. Hai nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ có tính chất tương hỗ cho nhau. Nền kinh tế Hoa Kỳ cần những hàng hóa của Việt Nam và ngược lại, Việt Nam cũng như vậy. Do đó tạo được đà tăng trưởng thương mại giữa hai nước.
Có thể khẳng định lòng tin là yếu tố quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Nhìn lại nền tảng then chốt trong xây dựng lòng tin không thể không nhắc đến vai trò rất quan trọng của các cựu binh Hoa Kỳ như Thượng nghị sỹ John Kerry, Thượng nghị sỹ John McCain và nhiều nghị sỹ khác như ông Patrick Leahy hay Jim Webb... đã đóng vai trò cầu nối quan trọng trong việc vận động chính giới Hoa Kỳ ủng hộ bình thường hóa quan hệ hai nước. Bên cạnh đó là cộng đồng người Việt, sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa giải, phát triển quan hệ hợp tác song phương...
Theo Đại sứ Marc Knapper, thông qua các chương trình do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ và dự án hợp tác giữa các trường đại học tại Việt Nam và Hoa Kỳ, nhiều sinh viên và chuyên gia trẻ của Hoa Kỳ đang có cơ hội học tập, giảng dạy và làm việc tại Việt Nam. Những kinh nghiệm và tình bạn mà họ có được sẽ góp phần duy trì mối quan hệ hai nước.
Có thể thấy 30 năm - quãng thời gian đủ dài để hàn gắn những vết thương chiến tranh và cũng chứng minh rằng: Khi có lòng tin và sự thiện chí, mọi trở ngại đều có thể vượt qua. (Còn tiếp)