Bà Phạm Khánh Phong Lan: 'Mùa Trung thu sắp đến, bánh nhà làm thì để nhà ăn'
Theo Giám đốc Sở ATTP TP.HCM, mùa bánh Trung Thu đến gần, sẽ xuất hiện bánh 'nhà làm' trên mạng xã hội, chợ online nhưng 'bánh nhà làm thì để nhà ăn thôi'.
Tại Tọa đàm Chống hàng giả, hàng gian - Làm sạch thị trường, bảo vệ niềm tin người tiêu dùng tổ chức ngày 2/7, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, cơ quan chức năng, người tiêu dùng không chỉ tập trung loại bỏ các sản phẩm vi phạm, mà luôn nhấn mạnh việc ủng hộ, khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm thật, chính hãng, hợp pháp.
Bà Lan cảnh báo mùa bánh Trung thu 2025 đang đến gần, chắc chắn sẽ xuất hiện tình trạng bánh trung thu "nhà làm" rao bán tràn lan trên mạng xã hội, chợ online.
"Tôi xin nói thẳng rằng bánh nhà làm thì để nhà ăn thôi. Nếu muốn bán ra thị trường thì bắt buộc phải tuân thủ đầy đủ các quy định công bố, từ hóa đơn chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, giấy khám sức khỏe của người trực tiếp làm bánh, làm sao biết được người mắc bệnh truyền nhiễm tham gia sản xuất thực phẩm.
Chúng tôi kiểm tra, phát hiện các điểm bán bánh Trung thu không có giấy tờ, đủ các thủ tục công bố quy định, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm. Người bán hàng online nếu làm ăn đàng hoàng thì không ngại gì việc công khai các giấy tờ chứng minh hàng hóa theo quy định", bà Phong Lan khẳng định.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, bánh trung thu "nhà làm" chỉ để nhà ăn, bán ra thị trường phải tuân thủ đầy đủ các quy định. (Ảnh: U. Nhi)
Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết quan điểm của cơ quan chức năng và của Sở là "không làm phiền những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, đúng pháp luật". Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải ý thức họ luôn bị kiểm tra đột xuất bất cứ lúc nào. Và nếu bị phát hiện vi phạm, các doanh nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm khắc để làm gương, để những cơ sở cố tình vi phạm phải chùn tay.
Hiện nay, lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường rất lớn, trong khi lực lượng quản lý lại còn mỏng, khiến công tác hậu kiểm gặp không ít khó khăn.
Tại TP.HCM, từ khi Nghị định 15/2018 có hiệu lực (tháng 2/2018) đến nay, có khoảng 1.500 sản phẩm đăng ký bản công bố, và tới 300.000 sản phẩm doanh nghiệp tự công bố. Đây là con số khổng lồ, việc hậu kiểm toàn bộ các sản phẩm là bất khả thi.
Sở An toàn thực phẩm đẩy mạnh ứng dụng số hóa, xây dựng hệ thống đánh giá mối nguy, để từ đó lựa chọn kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Trọng tâm là những nhóm sản phẩm có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao, những sản phẩm bị người tiêu dùng phản ánh, cũng như các mặt hàng đang quảng cáo quá mức trên thị trường, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
TP.HCM có lợi thế hơn các địa phương khác khi có đầu mối là Sở An toàn thực phẩm, không có chuyện ngành này đổ cho ngành kia khi có vụ việc xảy ra. Ngoài ra còn có thể xây dựng các kế hoạch kiểm tra dài hơi để kiểm tra, giám sát, nhưng chú trọng hơn vẫn là thanh, kiểm tra đột xuất.
Nhưng việc thanh tra định kỳ hiện nay phải lập danh sách trước, trình duyệt, tránh trường hợp phát hiện trùng lặp, bảo đảm mỗi cơ sở chỉ tiếp một đoàn thanh, kiểm tra với một nội dung. Điều này đúng nhưng đơn vị kiểm tra lại phải thông báo cho doanh nghiệp biết thời gian, nội dung kiểm tra, rất khó có hiệu quả thực chất.

Chợ thuốc sỉ TP.HCM trong cảnh đìu hiu, vắng lặng đợt cao điểm kiểm tra trong tháng 6 vừa qua. (Ảnh: N. Thúy)
Cũng theo bà Lan, doanh nghiệp làm ăn chân chính, đàng hoàng không ai ngại việc tiếp thanh tra, còn những doanh nghiệp đã "lấn cấn, làm sai" mới không muốn tiếp, ngại tiếp. Và khi có sai phạm, họ sẽ tìm cách "cãi".
"Đi thanh tra mà 'khua chiêng gõ mõ' trước, tạo điều kiện cho các cơ sở có thời gian chuẩn bị đối phó. Chúng tôi thống kê và thấy đa số thanh tra theo kế hoạch chúng tôi chỉ chỉ dừng ở xử lý vi phạm hành chính về giấy tờ. Những vi phạm họ giấu hết, và luôn phải tính đến việc bắt quả tang, nên chúng tôi vẫn chú trọng kiểm tra đột xuất", bà Lan nói.
Ngoài ra, việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, quản lý thị trường cũng còn nhiều khó khăn. Như đợt cao điểm vừa rồi kiểm tra các nhà thuốc, chợ dược phẩm, đi tới đâu họ đóng cửa không tiếp đến đó.
Đơn vị kiểm tra biết họ làm thực phẩm chức năng giả, đến kiểm tra thì họ đóng cửa, không tiếp, hay trả lời không bán thực phẩm chức năng... Thực tế, lực lượng chức năng chỉ được kiểm tra tại diện tích đã cấp phép, trong khi có thể họ cất thuốc giả, thực phẩm chức năng giả ở phòng khác, ở trên lầu...
Theo bà Lan, về dài hạn, để công tác quản lý an toàn thực phẩm thực sự hiệu quả, đòi hỏi phải có sự đầu tư đúng mức của Nhà nước cả về con người lẫn trang thiết bị. Khi lực lượng quản lý đủ năng lực, đủ phương tiện, việc thanh tra, kiểm tra mới thực sự đi vào chiều sâu, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giữ gìn niềm tin của xã hội vào chất lượng hàng hóa trên thị trường.
Bên cạnh đó, theo bà Lan rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các hệ thống bán lẻ lớn, bởi chính họ là "bộ lọc" quan trọng để đưa những sản phẩm hợp pháp, chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Thuốc, thực phẩm chức năng bị đổ trộm ven đường Nguyễn Văn Linh (TP.HCM) trong tháng 6/2025.
Bà Lan cho rằng khi nói đến việc làm sạch thị trường thì phải hiểu đó không chỉ là loại bỏ những mặt hàng vi phạm, mà còn mang ý nghĩa tích cực hơn là tạo lập một thị trường lành mạnh, minh bạch, nơi người tiêu dùng được bảo vệ tối đa. Hàng gian, hàng giả vốn không phải là vấn đề mới, mà đã kéo dài, tích tụ lâu nay và đến khi quá mức là "bùng nổ", tạo ra các vụ việc lớn khiến cộng đồng hoang mang.
"Hàng gian hàng giả lộng hành hiện nay rất oan cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bởi khi họ làm được sản phẩm nào kha khá là bị giả ngay, hàng nào có thương hiệu sống được là giả ngay. Nhiều doanh nghiệp làm hàng tốt, xuất khẩu đi nhiều nước khó tính nhưng thị trường TP.HCM vô không nổi, bởi bị làm giả quá nhiều", bà Lan nói.