Ba cuộc đời, ba thế hệ hay câu chuyện chuyển mình của một đất nước

Bộ ba tiểu thuyết 'Đất lành - Đời con - Ly tán' viết về ba cuộc đời - ba thế hệ - ba thời kỳ là câu chuyện chuyển mình của con người đất nước Trung Quốc từ quân chủ sang hiện đại.

Từ nửa sau thế kỷ XIX vắt sang nửa đầu thế kỷ XX, đất nước Trung Quốc rộng lớn đã trải qua một giai đoạn biến động lớn lao. Giai đoạn Thanh mạt chứng kiến chế độ quân chủ tồn tại hàng nghìn năm suy nhược rồi sụp đổ trước Cách mạng Tân Hợi, để rồi rơi vào tình trạng hỗn loạn của thời kỳ quân phiệt, trải qua cuộc Bắc phạt như một nỗ lực tái lập trật tự để rồi rơi vào cuộc nội chiến và bóng đen xâm lược của đế quốc Nhật Bản cận kề từ đầu thập niên 1930.

Đây chính là nền lịch sử của bộ ba tiểu thuyết Đất lành - Đời con - Ly tán của nữ văn sĩ Pearl S. Buck, cũng là giai đoạn bản thân tác giả đã trải nghiệm trực tiếp trên đất Trung Hoa từ khi mới năm tháng tuổi cho đến khi bà rời đất nước này lần cuối cùng năm 1934.

Việc tự thân trải nghiệm thực tế tại Trung Quốc suốt quãng thời gian dài sóng gió ấy đã cung cấp cho tác giả một vốn sống đủ phong phú để tạo nên một bộ tiểu thuyết đồ sộ không chỉ về thời lượng mà cả về không gian, thời gian, biến cố, tính cách nhân vật.

Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của bộ tiểu thuyết còn đến từ tính thực tế, chân thực hiển hiện trong từng chi tiết. Pearl S. Buck không cần phải quá kén chọn câu từ cho tác phẩm của mình mà để cho dòng chảy câu chuyện cứ thế tự nhiên diễn ra, với các biến cố, chi tiết rất giản dị, sống động khiến người đọc cứ thế vô thức nhập tâm vào câu chuyện như thể đang đứng giữa không gian của tiểu thuyết.

Ba tập của bộ tiểu thuyết là câu chuyện về ba thế hệ của gia đình họ Vương. Khởi đầu là anh nông dân nghèo Vương Long thời Thanh mạt dần trở thành địa chủ vào những năm đầu Dân quốc đến cậu con trai út Mãnh Hổ ngang tàng của Vương Long, bỏ ruộng đất cầm súng xưng hùng xưng bá trong giai đoạn nội chiến quân phiệt nhiễu nhương. Để rồi Vương Nguyên, cháu nội của Vương Long, con trai Mãnh Hổ, lại sống dậy trong tim tình cảm dành cho đất đai trong bối cảnh của một nước Trung Hoa đang trên con đường dứt khoát bước vào kỷ nguyên hiện đại bất chấp những bất trắc vô định của những năm đầu thập niên 1930 đầy dông bão.

Trật tự xã hội cũ vĩnh viễn chết đi theo Vương Long, trật tự xã hội mới còn xa mới định hình rõ rệt trên con đường đời của Vương Nguyên, nhưng bộ tiểu thuyết của Pearl S. Buck thể hiện rõ ràng thông điệp cũng như niềm tin của tác giả rằng một trật tự mới của Trung Quốc hiện đại là điều tất yếu, sự nhiễu nhương của giai đoạn chuyển tiếp tàn khốc, mà đại diện là tính cách, cuộc đời của Mãnh Hổ, đối lập hoàn toàn với bố và con trai ông ta, cũng chỉ là bước chuyển tất yếu sẽ không thể kéo dài mà sớm muộn cũng phải nhường chỗ cho một trật tự mới.

Là một tác phẩm vừa đậm tính biểu tượng vừa mang hơi thở hiện thực sống động, các nhân vật của bộ ba Đất lành - Đời con - Ly tán rất thực tế với các nét tính cách đặc trưng cho những lớp người mà nhân vật đó đại diện, những nét đặc trưng có tính khái quát cao, gói gọn cả mặt tốt lẫn mặt xấu của cả một tầng lớp người trong các giai đoạn nhất định.

Ở Vương Long, đó là tính cách chịu thương chịu khó, căn cơ nhưng tham lam, hãnh tiến của người nông dân khi leo lên thành địa chủ, ở Mãnh Hổ là một nông dân bị thời thế đào luyện thành một quân phiệt tàn nhẫn, thủ đoạn, máu lạnh nhưng vẫn giữ lại được trong sâu thẳm trái tim những tình cảm tốt đẹp của con người, và ở Vương Nguyên là một tính cách hòa lẫn những nét truyền thống Trung Hoa với đón nhận ảnh hưởng từ bên ngoài, nhất là phương Tây qua quá trình tiếp thu nền giáo dục hiện đại.

Ba cuộc đời, ba thế hệ gia đình họ Vương như thể khép lại trọn một vòng giai đoạn chuyển tiếp nghiệt ngã của đất nước, dân tộc Trung Hoa từ xã hội truyền thống trong thể chế quân chủ suốt hàng nghìn năm đột ngột chuyển biến sang xã hội hiện đại với thể chế chính trị mới du nhập từ các tư tưởng phương Tây nhưng chưa kịp định hình rõ nét trong cuộc pha trộn với các giá trị truyền thống.

Nhưng bộ tiểu thuyết không chỉ dừng lại ở đó. Ba thế hệ của nhà họ Vương có thể coi như hệ tọa độ gốc để tác giả mở rộng không gian tác phẩm của mình ra toàn xã hội Trung Hoa đồ sộ, phức tạp trong thời kỳ biến động chóng vánh khó tin đó mà vẫn giữ được mạch nội dung không bị tản mát, lộn xộn. Ba giai đoạn của ba tập sách vừa gắn kết với nhau vừa có mức độ độc lập nhất định về nội dung, tới mức độc giả có thể tùy hứng coi mỗi phần của bộ tiểu thuyết như một tiểu thuyết độc lập mà không bị mất đi bao nhiêu tính trọn vẹn khi cảm nhận.

Chẳng vậy mà không chỉ độc giả mà cả các nhà phê bình văn học chuyên nghiệp cũng có đánh giá khác nhau về từng phần của bộ sách, với sự ưu ái tùy lúc dành nhiều hơn cho phần này hay phần kia của bộ ba. Nhưng có một điều đa số các nhà phê bình đều khá nhất trí với nhau, đó là nhìn ở góc độ một chỉnh thể duy nhất, Đất lành - Đời con - Ly tán là một tác phẩm xuất sắc, một trong những tác phẩm đáng chú ý nhất của một nhà văn phương Tây viết về chủ đề Trung Hoa hiện đại.

Và nhắc đến văn nghiệp đồ sộ của Pearl S. Buck, hiển nhiên không thể bỏ qua bộ tiểu thuyết này cũng như đóng góp của nó vào việc tạo dựng tên tuổi cho tác giả trên văn đàn thế giới.

PGS.TS Dịch giả Lê Đình Chi

Nguồn Znews: https://znews.vn/ba-cuoc-doi-ba-the-he-hay-cau-chuyen-chuyen-minh-cua-mot-dat-nuoc-post1480169.html
Zalo