Aukus lục đục từ hiệp ước an ninh mới

Hiệp ước an ninh Aukus mới thay thế cho hiệp ước cũ vừa được chính phủ Australia công bố hôm 12/8 tiết lộ những chi tiết khiến dư luận Australia bất bình, vì nó phản ánh mức độ thiệt thòi mà Australia phải gánh chịu khi mua tàu ngầm của Mỹ và cùng với Anh chế tạo lại thành tàu ngầm hạt nhân.

Mỹ, Anh hoặc Australia có thể chấm dứt hợp tác về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân chỉ cần thông báo trước 1 năm, theo các điều khoản của hiệp ước mới được thiết kế nhằm hiện thực hóa Hiệp ước an ninh Aukus. Văn bản thỏa thuận mới được Chính phủ Australia công bố ngày 12/8 nhằm bác bỏ các khiếu nại rằng chính phủ đã không thông báo cho công chúng biết về các cam kết chính trị có ý nghĩa quan trọng với Mỹ và Anh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Australia Richard Marles tại cuộc hội đàm ở Washington.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Australia Richard Marles tại cuộc hội đàm ở Washington.

Nhưng, những người phản đối thỏa thuận Aukus cho biết hiệp ước này chứa “nhiều lá bài có lợi cho Mỹ”, làm tăng thêm mối lo ngại đã tồn tại từ trước rằng một Tổng thống Mỹ trong tương lai có thể rút lại việc bán tàu ngầm lớp Virginia cho Australia vào những năm 2030. Lo ngại này xuất phát từ tình trạng đình trệ tại các xưởng đóng tàu ngầm của Mỹ đang gây ra sự chậm trễ trong việc đáp ứng các yêu cầu đã cam kết.

Theo kế hoạch Aukus được công bố tại San Diego vào năm 2023, Australia có kế hoạch mua ít nhất 3 tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ vào thập niên 2030. Sau đó, Australia và Anh sẽ chế tạo một lớp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới được gọi là SSN-Aukus, sẽ đi vào hoạt động từ những năm 2040. Là một phần của kế hoạch Aukus theo giai đoạn, Mỹ và Anh sẽ tăng cường các chuyến thăm luân phiên của tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của riêng họ đến căn cứ HMAS Stirling ở Tây Australia từ năm 2027.

Thỏa thuận mới sẽ cho phép chuyển giao vật liệu hạt nhân cho Australia và thay thế cho một hiệp ước hiện có cho phép “trao đổi thông tin về động cơ hạt nhân của hải quân”. Hiệp ước mới nêu rõ rằng hiệp ước hiện hữu “sẽ vẫn có hiệu lực cho đến ngày 31/12/2075”, nhưng bổ sung thêm rằng bất kỳ bên nào cũng có thể chấm dứt hiệp ước “bằng cách thông báo bằng văn bản trước ít nhất 1 năm” cho các quốc gia khác. Nếu bất kỳ quốc gia nào vi phạm hoặc chấm dứt hiệp ước, các quốc gia khác có “quyền yêu cầu trả lại hoặc tiêu hủy bất kỳ thông tin, tài liệu và thiết bị nào” đã trao đổi. Hiệp ước gồm một số biện pháp bảo vệ, bao gồm cả việc Australia phải đạt được thỏa thuận với Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) trước khi Anh hoặc Mỹ chuyển bất kỳ nguyên liệu hạt nhân nào cho Australia. Nguyên liệu hạt nhân sẽ được chuyển đến Australia theo “các đơn vị năng lượng hàn hoàn chỉnh” và chỉ được sử dụng cho hệ thống đẩy hạt nhân của hải quân.

Nếu Australia vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân hoặc kích nổ thiết bị nổ hạt nhân, Mỹ và Anh có quyền ngừng hợp tác thêm theo thỏa thuận và yêu cầu trả lại bất kỳ nguyên liệu hoặc thiết bị hạt nhân nào đã được chuyển giao theo thỏa thuận.

Tài liệu tiết lộ rằng Australia đã đồng ý chịu trách nhiệm về mọi rủi ro an toàn hạt nhân. Australia sẽ bồi thường cho Mỹ và Anh “trước mọi trách nhiệm pháp lý, mất mát, chi phí, thiệt hại hoặc thương tích” phát sinh từ các rủi ro hạt nhân liên quan đến thiết kế, sản xuất, lắp ráp, chuyển giao hoặc sử dụng bất kỳ nguyên liệu và thiết bị nào.

Tàu ngầm lớp Virginia sẽ được bán cho Australia.

Tàu ngầm lớp Virginia sẽ được bán cho Australia.

David Shoebridge, người phát ngôn về quốc phòng của đảng Xanh Australia, cho biết ông “chưa bao giờ thấy một thỏa thuận quốc tế thiên vị vô trách nhiệm như vậy được ký bởi Chính phủ Australia”. “Mọi khía cạnh của thỏa thuận này đều là một đòn giáng vào chủ quyền của Australia”, ông Shoebridge cho biết.

Shoebridge và những người chỉ trích Aukus khác đã lên tiếng báo động vào đầu tháng 8 khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tiết lộ rằng hiệp ước mới đi kèm với “một sự hiểu biết không ràng buộc về mặt pháp lý” bao gồm các cam kết chính trị bổ sung. Nhưng, tài liệu bổ sung này đã được công bố cùng với hiệp ước vào hôm 12/8 và không nói bất cứ điều gì cụ thể về việc liệu Australia có tham gia bất kỳ hành động quân sự cụ thể nào do Mỹ lãnh đạo đối với Đài Loan hay không.

Tài liệu dài 2 trang liệt kê 10 điểm để “hướng dẫn” việc thực hiện hiệp ước. Trong đó bao gồm một tuyên bố rằng Mỹ và Anh “không nên vô lý từ chối cung cấp thông tin, tài liệu hoặc thiết bị cho Australia”. Các chính phủ cũng thừa nhận rằng sự hợp tác nên được thực hiện theo cách không ảnh hưởng xấu đến khả năng đáp ứng các yêu cầu quân sự tương ứng của Mỹ và Anh”.

Chính phủ Australia luôn khẳng định rằng họ sẽ đưa ra các quyết định độc lập, có chủ quyền về cách sử dụng tàu ngầm và không đưa ra cam kết trước với Mỹ về việc tham gia bất kỳ hành động quân sự nào trong tương lai. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết hiệp ước này là “một cột mốc quan trọng khác của Aukus”.

Donald Rothwell, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết hầu hết các hiệp ước đều có thời hạn mở và trên thực tế vẫn đang tiếp tục hoạt động cho đến khi chúng bị thay thế hoặc thay thế và chấm dứt lẫn nhau.

Theo cựu Thủ tướng Australia Paul Keating, việc Australia tham gia Hiệp ước phòng thủ Aukus có nguy cơ trao quyền kiểm soát quân sự của đất nước cho Washington và trở thành “tiểu bang thứ 51 của Mỹ”.

Phát biểu trên chương trình 7:30 của Đài ABC vào tối 15/8, ông Keating lập luận rằng Australia đã “tự biến mình thành mục tiêu xâm lược” khi tham gia liên minh quân sự với Mỹ và Anh để ngầm chống lại Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông Keating cho biết Australia không có bất đồng nào với Trung Quốc và những lo ngại về các âm mưu của Trung Quốc đối với Đài Loan là không có cơ sở. Ông Keating là một người phản đối lâu năm việc Công đảng Australia ủng hộ hiệp ước Aukus. Ông cho rằng Australia không hề bị Trung Quốc đe dọa.

Bình luận của ông được đưa ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles và Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong đã có mặt tại Washington để đàm phán về hiệp ước và một thỏa thuận mới nhằm bao gồm việc chuyển giao nguyên liệu hạt nhân cho Australia theo thỏa thuận.

An Châu (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/aukus-luc-duc-tu-hiep-uoc-an-ninh-moi-i740865/
Zalo