Apple phải đánh đổi gì để được bán iPhone 16 tại Indonesia

Không riêng Apple, Samsung hay Oppo đều phải cam kết tăng cường sản xuất nội địa để có thể bán smartphone tại Indonesia.

Trong căn phòng sạch tại Tangerang, cách Jakarta (Indonesia) một giờ lái xe, các kỹ thuật viên tỉ mỉ lắp bảng mạch, loa, camera, màn hình và pin để tạo nên smartphone hoàn chỉnh.

Thành lập hơn 10 năm trước, đây là một nhà máy nhỏ của Oppo (Trung Quốc). Toàn bộ quy trình lắp ráp điện thoại diễn ra trong khoảng 500 giây (chưa đầy 8 phút).

“Vào thời điểm đó, không có nhà máy smartphone nào tại Indonesia... cũng không có cái gọi là ngành công nghiệp điện thoại thông minh.

Hiện tại, đây là một trong những ngành nghề phổ biến với các kỹ sư trẻ ở đất nước này”, Dwiputera, Giám đốc Phát triển Sản phẩm tại Oppo, chia sẻ với Nikkei Asia.

Lợi thế của Indonesia

Với hơn 1.000 nhân viên, cơ sở này là một trong những trung tâm sản xuất smartphone lớn nhất của Oppo ở nước ngoài, chỉ sau Ấn Độ. Một số đối thủ như Vivo, Xiaomi, Samsung hay Apple cũng tìm kiếm cơ hội mới khi các thị trường phát triển như Trung Quốc, châu Âu chững lại.

Sự quan tâm của các hãng smartphone tại Indonesia là cơ hội để chính phủ nước này thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất trong nước, bằng cách yêu cầu công ty sản xuất một số linh kiện nếu muốn bán sản phẩm tại đây.

Một số thương hiệu như Oppo sẵn sàng tuân thủ quy định khi nhận thấy tầm quan trọng của Indonesia. Tuy nhiên, sự việc gần đây với Apple cho thấy bài toán đầu tư không hề đơn giản.

 Công nhân nhà máy Oppo tại Tangerang (Indonesia). Ảnh: Nikkei Asia.

Công nhân nhà máy Oppo tại Tangerang (Indonesia). Ảnh: Nikkei Asia.

Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Canalys, Oppo dẫn đầu thị phần smartphone tại Indonesia với 20% trong 3 quý đầu năm 2024, theo sau là Xiaomi, Vivo, Samsung và Transsion. Trong khi đó, thị phần của Apple chỉ khoảng 1%.

Để bán smartphone tại Indonesia, chính phủ nước này yêu cầu ít nhất 35% "nội dung thiết bị" sản xuất tại địa phương. Tỷ lệ này trên sản phẩm Oppo khoảng 36-37%, gồm pin, củ sạc và phần mềm.

Theo IDC, Vivo cũng vận hành một số nhà máy lắp ráp smartphone tại Tangerang, trong khi Xiaomi và Transsion hợp tác với nhà cung ứng nội địa, chẳng hạn như Sat Nusapersada, Yifang C.M.E. và Adi Reka Mandiri. Samsung vận hành một nhà máy tại Cikarang, khu công nghiệp phía đông Jakarta.

 Sự hiện diện của một số hãng công nghệ lớn tại Indonesia. Ảnh: Nikkei Asia.

Sự hiện diện của một số hãng công nghệ lớn tại Indonesia. Ảnh: Nikkei Asia.

Ngược lại, Apple không có hoạt động sản xuất nội địa để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh. Thay vào đó, công ty đáp ứng quy định về “nội dung địa phương” bằng cách đầu tư phát triển nhân tài.

Tuy nhiên cuối tháng 10, Indonesia không cấp phép bán iPhone 16 với lý do Apple không đầu tư như cam kết. Thông qua đàm phán, chính phủ nước này yêu cầu Táo khuyết tăng mức cam kết và đầu tư sản xuất nội địa.

“Nếu bất cứ thương hiệu muốn hiện diện tại Đông Nam Á, Indonesia đóng vai trò quan trọng chiến lược vì đông dân. Nước này cung cấp cơ sở để các thương hiệu phát triển. Chính phủ cũng nhận thức đòn bẩy đến từ dân số”, nhà phân tích Sheng Win Chow từ Canalys nhận định.

Không dễ lập chuỗi cung ứng

Tuy nhiên, chuỗi cung ứng hoàn thiện không thể xây dựng một sớm một chiều. Nhiều thương hiệu chỉ lập cơ sở lắp ráp thành phẩm tại Indonesia, phần lớn linh kiện vẫn nhập từ Trung Quốc.

Vị trí địa lý của Indonesia cũng là lý do khiến chuỗi cung ứng tại đây còn non trẻ. Theo Chủ tịch Pegatron T.H. Tung, việc hàng nghìn hòn đảo trải khắp nơi tạo thách thức trong việc mở rộng cụm chuỗi cung ứng hiệu quả.

Nguồn tin trong ngành cho biết Apple ngại sản xuất tại Indonesia với lý do tương tự. Công ty đã yêu cầu nhà cung ứng thành lập nhà máy tại Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ, vậy nên mở rộng sang địa điểm mới có thể tốn kém, mất thời gian đôi bên.

 Thị phần một số hãng smartphone lớn tại Indonesia. Ảnh: Nikkei Asia.

Thị phần một số hãng smartphone lớn tại Indonesia. Ảnh: Nikkei Asia.

Hơn nữa, Indonesia không phải quốc gia duy nhất chào đón đầu tư công nghệ. Theo nhà phân tích Sheng Win Chow, Việt Nam và Ấn Độ là những đối thủ lớn với loại hình đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung, Việt Nam hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Apple đã yêu cầu đối tác chuyển một số hoạt động sản xuất AirPods, iPad, Apple Watch và MacBook sang Việt Nam, tăng lượng iPhone sản xuất ở Ấn Độ.

Microsoft, HP, Dell và Amazon cũng yêu cầu nhà cung ứng chuyển sang Việt Nam hoặc Thái Lan, giúp các quốc gia này hình thành hệ sinh thái chuỗi cung ứng mới ngoài Trung Quốc.

“Tương tự Ấn Độ, Indonesia và ASEAN đều muốn các hãng công nghệ không chỉ chuyển dây chuyền lắp ráp giá trị thấp, mà còn đưa nhiều linh kiên, bộ phận giá trị cao hơn đến đất nước”, Chiu Shih-fang, nhà phân tích chuỗi cung ứng công nghệ tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nói với Nikkei Asia.

 Một số người sử dụng smartphone tại Việt Nam. Ảnh: Nikkei Asia.

Một số người sử dụng smartphone tại Việt Nam. Ảnh: Nikkei Asia.

Tất nhiên, các nhà sản xuất vẫn nhận thấy cơ hội tại Indonesia. Trong đó, 2 hãng máy tính Asus và Acer (Đài Loan) đã sản xuất thiết bị trong nước nhằm đáp ứng quy định của chính phủ.

Asus sản xuất dòng điện thoại Zenfone tại Indonesia từ năm 2015, hợp tác với một công ty sản xuất trong nước vào cuối 2022 với ngành hàng laptop tiêu dùng.

Trong khi đó, Acer sản xuất tại Indonesia từ năm 2012, nắm giữ khoảng 35% thị trường máy tính cho cơ quan chính phủ và 85% máy tính giáo dục, theo số liệu của GfK.

Tiềm năng lớn

Ngoài khả năng thiết lập chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, nhiều câu hỏi xoay quanh tiềm năng của Đông Nam Á trong khía cạnh bán hàng xét đến tỷ lệ dân số trẻ, những người dự kiến đóng góp lớn vào sức mua trong tương lai.

Ví dụ, giá bán smartphone trung bình tại Indonesia khoảng 167 USD theo dữ liệu từ Canalys. Các nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đều trên 300 USD.

Những thị trường phát triển hơn tại châu Á như Singapore, Nhật Bản có giá trung bình lần lượt 790 và 703 USD. Các thương hiệu cho rằng thị trường mới nổi sẽ phát triển theo quỹ đạo tương tự khi tầng lớp trung lưu ngày càng phổ biến.

Lợi thế khác của khu vực này đến từ kênh bán hàng và nhà phân phối mở, trái ngược những thị trường lâu đời như Nhật Bản hay Mỹ, nơi doanh số smartphone do nhà mạng thống trị.

 Giá bán smartphone trung bình tại một số nước Đông Nam Á. Ảnh: Nikkei Asia.

Giá bán smartphone trung bình tại một số nước Đông Nam Á. Ảnh: Nikkei Asia.

Tại Indonesia, các thương hiệu như Vivo, Xiaomi, Transsion và Realme đều có cửa hàng riêng tại trung tâm mua sắm. Oppo thậm chí mở "trung tâm trải nghiệm" trong trung tâm thương mại cao cấp Pacific Place ở Jakarta, chỉ cao hơn một tầng so với cửa hàng Samsung.

"Thời tiết ở Indonesia khá nóng, vậy nên nhiều gia đình dành thời gian rảnh tại các trung tâm mua sắm này.

Có hàng trăm trung tâm mua sắm ở Jakarta. Sự hiện diện tốt tại những nơi này là chìa khóa tăng cường nhận diện thương hiệu", Stanny, một người dân tại Jakarta, nói với Nikkei Asia.

Không chỉ đơn thuần đáp ứng yêu cầu từ chính phủ, các cửa hàng còn là cơ hội để thương hiệu quảng bá thành quả của địa phương.

"Nó được sản xuất tại Indonesia", nhân viên bán hàng một trung tâm điện thoại ở Jakarta nhấn mạnh khi cầm trên tay chiếc điện thoại thương hiệu Vivo.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/phai-dau-tu-neu-muon-ban-smartphone-tai-indonesia-post1517590.html
Zalo