Áp dụng công nghệ tiên tiến vào tất cả các khâu của tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp
Cuộc điều tra nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về nông thôn và nông lâm thủy sản phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu; làm dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ hằng năm...

Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu tại Lễ ra quân. Ảnh: GSO
Sáng 1/7, lễ ra quân Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 được tiến hành trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, việc thay đổi địa giới hành chính dẫn đến thay đổi về quản lý địa bàn điều tra ảnh hưởng đến quản lý lực lượng tham gia điều tra của ngành thống kê trên hệ thống phần mềm quản lý Tổng điều tra. Theo Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính), bà Nguyễn Thị Hương, Cục Thống kê sẽ áp dụng triệt để công nghệ tiên tiến vào tất cả các khâu của tổng điều tra; đồng thời, xây dựng hệ thống trả lời tự động chatbox để hỗ trợ cho điều tra viên, giám sát và lực lượng tham gia vào tổng điều tra.
Phóng viên: Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp là một trong những cuộc tổng điều tra quan trọng nhất của ngành thống kê. Xin bà phân tích rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc tổng điều tra này?
Cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm cung cấp thông tin đầy đủ về thực trạng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; tình hình kinh tế - xã hội nông thôn; cơ cấu lao động nông thôn.
Cuộc tổng điều tra được thực hiện với các mục đích chính: Thứ nhất, biên soạn các chỉ tiêu thống kê liên quan thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ việc đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nông thôn, khu vực nông lâm thủy sản và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương.
Tiếp đến phục vụ nghiên cứu đánh giá quy mô, cơ cấu lao động nông thôn và lao động nông lâm thủy sản; thay đổi kết cấu hạ tầng nông thôn; tình hình thực hiện một số nội dung của các chương trình, mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực nông thôn và nông lâm thủy sản; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu nông thôn và khu vực nông lâm thủy sản.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về nông thôn và nông lâm thủy sản phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu; làm dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ hằng năm về lĩnh vực nông lâm thủy sản và đáp ứng các yêu cầu thống kê khác.
Phóng viên: Cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 có điểm mới gì so với 10 năm trước? Ngành thống kê đã có sự chuẩn bị như thế nào cho cuộc tổng điều tra này?
Cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 có 6 điểm mới so với các kỳ tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp trước đây.
Cụ thể, thông tin của Tổng điều tra năm 2025 tăng so với năm 2016 nhằm đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu thông tin của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương về thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chuyển dịch cơ cấu ngành nông lâm thủy sản, cơ cấu lao động nông thôn; đồng thời, đã bổ sung nhiều thông tin chi tiết như: kinh tế số trong nông lâm thủy sản; thông tin về chỉ tiêu phát triển bền vững (SDG 2.4.1. Tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp bền vững và hiệu quả); bổ sung Phiếu doanh nghiệp, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã trong phương án Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 đảm bảo đầy đủ phạm vi của tổng điều tra.
Thay đổi về phương pháp thực hiện lập bảng kê đơn vị điều tra phiếu hộ giúp đồng thời thu thập đầy đủ thông tin và tiết kiệm kinh phí. Bảng kê trang trại được bổ sung thu thập thông tin đảm bảo kết nối giữa phiếu hộ và phiếu trang trại giúp công tác làm sạch, xử lý số liệu và phân tích kết quả điều tra.
Cùng với đó, khai thác tối đa dữ liệu hành chính và dữ liệu điều tra hiện có nhằm giảm thiểu thu thập từ thực địa giúp nâng cao hiệu quả của tổng điều tra; đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, làm sạch và hoàn thiện số liệu; trong đó, ứng dụng học máy để kiểm tra hoàn thiện mã ngành của hộ dựa trên căn cứ về ngành; sử dụng định vị và bản đồ số trong một số công đoạn của Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025…
Phóng viên: Với xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ, ngành thống kê ứng dụng công nghệ thế nào trong cuộc tổng điều tra?
Cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Trong những năm qua, Cục Thống kê đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong điều tra thống kê. Tính đến năm 2025, trên 90% tổng số cuộc điều tra được sử dụng phiếu điều tra điện tử trên thiết bị di động (CAPI) hoặc trực tuyến (Webform) và trong Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025, chúng tôi tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn gồm: lập bảng kê, quản lý mạng lưới điều tra, phân công điều tra viên và giám sát viên, thu thập thông tin, giám sát điều tra và làm sạch số liệu, khai thác kết quả…
Kết quả cuộc điều tra sẽ được phổ biến thông tin dưới dạng dữ liệu tổng hợp, hình ảnh trực quan hóa (infographic, video graphic …) bằng biểu đồ và trên không gian địa lý, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng tin.
Bên cạnh đó, Cục Thống kê đã chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin đủ năng lực quản lý, vận hành hệ thống phần mềm, quản trị dữ liệu từ Trung ương đến địa phương bảo đảm hoạt động thông suốt 24/7; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng.ư

Lễ ra quân Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 được tiến hành trên phạm vi cả nước. Ảnh: GSO
Phóng viên: Trong bối cảnh sắp xếp địa giới hành chính và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, việc tổng điều tra gặp những khó khăn, vướng mắc gì?
Cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 diễn ra trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên chuyển mình, thực hiện sắp xếp địa giới hành chính, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và tinh gọn bộ máy hành chính. Trong bối cảnh đó khi triển khai Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: việc thay đổi địa giới hành chính và sắp xếp tinh gọn bộ máy ảnh hưởng đến công tác kiện toàn Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn các cấp. Các cấp hành chính thường xuyên biến động về lãnh đạo nên việc kiện toàn Ban Chỉ đạo diễn ra liên tục trong thời gian từ tháng 12/2024 đến nay.
Việc nhân sự Ban Chỉ đạo các cấp thay đổi thường xuyên cũng ảnh hưởng đến tính liên tục trong chỉ đạo triển khai tổng điều tra nông thôn.
Lực lượng tham gia giám sát và triển khai tại cấp huyện, cấp xã có sự thay đổi lớn giữa khâu chuẩn bị và triển khai thực tế khi Tổng điều tra nông thôn diễn ra. Do thời điểm Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp diễn ra vào 1/7/2025 trùng với thời điểm chính quyền 34 tỉnh, thành mới bắt đầu đi vào hoạt động là thời điểm chuyển giao giữa 63 tỉnh cũ vào 34 tỉnh, thành mới; kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện nên công tác triển khai luôn cần sự giám sát liên tục của Ban chỉ đạo và Tổ thường trực các cấp; đặc biệt là cơ quan thường trực thực hiện Tổng điều tra.
Việc thay đổi địa giới hành chính dẫn đến thay đổi về quản lý địa bàn điều tra ảnh hưởng đến quản lý lực lượng tham gia điều tra của ngành thống kê trên hệ thống phần mềm quản lý Tổng điều tra.
Tôi cho rằng, đặt ra yêu cầu về dữ liệu Tổng điều tra nông thôn phục vụ biên soạn số liệu theo phạm vi 34 tỉnh, thành mới và các xã mới, đòi hỏi tổng điều tra nông thôn cần cập nhật thu thập thông tin phục vụ tính toán các chỉ tiêu theo đơn vị hành chính mới; đồng thời, phần mềm cần cập nhật để quản lý được đơn vị điều tra và lực lượng tham gia vào tổng điều tra nông thôn theo địa giới hành chính mới.
Phóng viên: Ngành thống kê có giải pháp, kiến nghị gì để khắc phục những khó khăn đó, thưa bà?
Cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Đứng trước những thách thức và khó khăn khi thực hiện tổng điều tra nông thôn trong bối cảnh đất nước đang thực hiện sắp xếp địa giới hành chính, tổ chính chức quyền địa phương 2 cấp và sắp xếp đơn vị hành chính. Ngành thống kê đã có những giải pháp, kiến nghị để khắc phục những khó khăn này.
Cụ thể, tham mưu Ban chỉ đạo Trung ương hướng dẫn kiện toàn Ban chỉ đạo ngay sau khi có những thay đổi về cơ cấu tổ chức và quản lý hành chính tại địa phương nhằm đảm bảo công tác chuẩn bị tổng điều tra, một trong những giai đoạn quan trọng nhất của điều tra thống kê, không bị gián đoạn và không bị ảnh hưởng đến chất lượng thông tin; đảm bảo thu thập thông tin đáp ứng mục tiêu của Tổng điều tra và đảm bảo cung cấp thông tin phục vụ chính quyền 2 cấp trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo tại địa phương.
Đồng thời, tham mưu Ban chỉ đạo Trung ương chỉ đạo và hướng dẫn bổ sung thu thập thông tin trong Tổng điều tra nông thôn để đáp ứng tổng hợp kết quả tổng điều tra theo đơn vị hành chính mới đặc biệt là theo xã mới.
Cục Thống kê thực hiện cập nhật hệ thống thu thập thông tin quản lý theo đơn vị hành chính mới. Hoàn thành công tác phân chia địa bàn phục vụ triển khai điều tra chính thức vào thời điểm 1/7/2025 theo đúng quy định của phương án điều tra.
Tổng điều tra nông thôn ngành thống kê đã áp dụng triệt để công nghệ tiên tiến vào tất cả các khâu của tổng điều tra; xây dựng hệ thống trả lời tự động chatbox để hỗ trợ cho điều tra viên, giám sát và lực lượng tham gia vào tổng điều tra; xây dựng hệ thống đường dây nóng để kịp thời giải đáp thắc mắc và hỗ trợ cho điều tra viên, giám sát viên.
Cùng với đó, tham mưu Ban chỉ đạo Trung ương chỉ đạo và hướng dẫn Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn các cấp tại địa phương sau khi kiện toàn khẩn trương chỉ đạo thực hiện tổng điều tra nông thôn trên địa bàn theo đúng phương án tổng điều tra đã quy định bảo đảm tiến độ và chất lượng của dữ liệu thu thập.
Phóng viên: Xin cám ơn bà!