Áp dụng cơ chế thị trường để hạn chế tình trạng 'xin-cho' quyền khai thác khoáng sản

Đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải áp dụng tối đa các cơ chế thị trường như đấu giá, đấu thầu trong hoạt động khai thác khoáng sản để hạn chế tới mức tối thiểu tình trạng 'xin-cho' quyền khai thác khoáng sản.

Đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Phải có biện pháp chống độc quyền trong khai thác khoáng sản

Chiều 20/6, thảo luận tại Tổ 8 của Quốc hội về dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động địa chất, khoáng sản, khắc phục được những tồn tại, hạn chế, bất cập của luật hiện hành.

Đại biểu cho rằng, những nội dung sửa đổi đã được các cơ quan liên quan nghiên cứu, soạn thảo, đề xuất chặt chẽ, với yêu cầu theo hướng khoáng sản là tài nguyên quốc gia và không phải là vô hạn.

Để hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu đề xuất phải có nội dung quy định về các biện pháp chống độc quyền trong khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản phục vụ đời sống và sinh hoạt.

Đại biểu nêu thực tế gần đây, trong việc đấu giá khoáng sản là vật liệu thông thường mà có những cuộc đấu giá các tổ chức, cá nhân đấu giá bỏ giá vượt nhiều lần giá khởi điểm.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 8. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 8. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

“Khoáng sản là tài nguyên không phải vô hạn, song ở một số địa phương có mỏ đất, mỏ cát… tổ chức đấu giá quyền khai thác, đã xuất hiện tình trạng một số tổ chức bỏ giá cao nhiều lần. Từ đó, khi thắng thầu trúng giá cao sẽ hình thành mặt bằng giá cao, nên sẽ có 1 nhóm tập trung trong tay khoáng sản với giá cao. Mỗi công trình đơn lẻ kể cả của người dân muốn mua vật liệu đều phải qua tay họ. Đây là 1 vấn đề đáng phải suy nghĩ”, đại biểu nêu vấn đề.

Theo đại biểu Toàn, đấu giá tạo cạnh tranh trong giao mỏ khai thác khoáng sản, tạo nguồn thu cho Nhà nước nhưng cần có các biện pháp chống độc quyền, nhất là với vật liệu phổ biến phục vụ sản xuất, đời sống, nếu không sẽ dễ rơi vào tình trạng khống chế thị trường, gây khó khăn cho tổ chức và đặc biệt là người dân khi có nhu cầu.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương (Tiền Giang) phát biểu. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Văn Dương (Tiền Giang) phát biểu. (Ảnh: quochoi.vn)

Cũng góp ý liên quan đến đấu giá, đại biểu Nguyễn Văn Dương (Tiền Giang) đề nghị áp dụng tối đa các cơ chế thị trường như đấu giá, đầu thầu trong hoạt động khai thác khoáng sản để hạn chế tới mức tối thiểu tình trạng “xin-cho” quyền khai thác khoáng sản.

Theo đó, đại biểu đề xuất tất cả các quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc đấu thầu thực hiện dự án khoáng sản, trừ khu vực chứa khoáng sản năng lượng, phóng xạ, hạt nhân, khu vực khoáng sản tại vành đai biên giới quốc gia, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Quy định rõ ràng về phân nhóm khoáng sản

Đóng góp ý kiến về trách nhiệm lập quy hoạch địa chất, khoáng sản, đại biểu Dương Văn An (Vĩnh Phúc) dẫn báo cáo của cơ quan thẩm tra cho biết hiện có 2 luồng ý kiến, với loại ý kiến thứ nhất tán thành với quan điểm của Chính phủ như quy định của dự thảo luật, đồng bộ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quản lý quy hoạch, cấp phép, kiểm tra, thanh tra hoạt động khoáng sản.

Đại biểu Dương Văn An (Vĩnh Phúc) phát biểu. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Dương Văn An (Vĩnh Phúc) phát biểu. (Ảnh: quochoi.vn)

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định theo hướng giao Bộ Công Thương tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm I; Bộ Xây dựng tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm II.

Đại biểu An bày tỏ tán thành với phương án 1, bởi theo đại biểu, ngành tài nguyên và môi trường có đầy đủ con người, trang thiết bị để điều tra về địa chất, khoáng sản. Người dân nhiều tỉnh, thành phố vốn đã quen với hình ảnh của những đoàn điều tra địa chất, khoáng sản của ngành tài nguyên và môi trường trong hàng chục năm qua.

Mặt khác, đại biểu cũng chỉ rõ, nếu giao ngành công thương lập các quy hoạch này thì khi đưa khu vực dự trữ khoáng sản vào khai thác, hoặc nếu thấy khai thác ở khu vực được phép khai thác sẽ không hiệu quả, gây tác động xấu đến môi trường, buộc phải đưa trở lại thành khu vực dự trữ thì Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phải ngồi lại thống nhất với nhau, mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp, tổ chức.

Ngoài ra, về mặt quản lý Nhà nước, đại biểu lập luận việc giao nhiệm vụ lập quy hoạch khoáng sản cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là phù hợp.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Liên quan quy định phân nhóm khoáng sản, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng, quy định về phân nhóm khoáng sản rất quan trọng, bởi từ việc phân nhóm sẽ đưa ra các quy định phù hợp về quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản, đóng cửa mỏ.

Đồng thời, quy định này sẽ tạo cơ sở cho việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trong cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản.

Do vậy, việc quy định phân nhóm khoáng sản phải hết sức rõ ràng để thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện khi luật có hiệu lực thi hành, đồng thời giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật Khoáng sản hiện hành.

Từ đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, quy định phân định rõ ràng các loại khoáng sản cụ thể theo công dụng, bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả trong công tác quản lý, tránh tạo kẽ hở pháp luật có thể dẫn đến sai phạm, thất thoát và lãng phí, đồng thời giúp tháo gỡ khó khăn trong khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp hiện nay.

Để bảo đảm chặt chẽ trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, đại biểu Yên cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 64 quy định về quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản khi xây dựng cơ bản mỏ, khai thác khoáng sản theo hướng ngoài điều kiện có thiết kế mỏ được lập, phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng và nộp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản thì cần bổ sung điều kiện là được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất.

Bên cạnh đó, nữ đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định vào khoản 1 Điều 105 về nguyên tắc đấu giá nội dung: Chỉ tiến hành đấu giá đối với khu vực đã được giải phóng mặt bằng, thu hồi đất theo quy định và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 113 của luật này phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ap-dung-co-che-thi-truong-de-han-che-tinh-trang-xin-cho-quyen-khai-thac-khoang-san-post815378.html
Zalo