Áo tuyên bố ý định sẵn sàng xem lại chính sách trung lập, cân nhắc gia nhập NATO
Ngày 26/7, Ngoại trưởng Áo Beate Meinl-Reisinger bày tỏ sẵn sàng khởi xướng một 'tranh luận quốc gia' về khả năng nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngoại trưởng Áo Beate Meinl-Reisinger. (Nguồn: Radio 580)
Phát biểu được bà Meinl-Reisinger đưa ra trong một cuộc phỏng vấn của tờ Welt (Đức) nói rõ: “Nền trung lập không thể bảo vệ nước Áo. Tôi hoàn toàn cởi mở với việc tổ chức một cuộc tranh luận công khai về tương lai chính sách an ninh và quốc phòng của Áo”.
Theo nhà ngoại giao, mặc dù hiện chưa có đa số ủng hộ trong quốc hội hay trong dân chúng về việc gia nhập NATO, nhưng "cuộc tranh luận này vẫn có thể mang lại nhiều kết quả tích cực”.
Áo tuyên bố trung lập vĩnh viễn vào năm 1955 như một phần trong thỏa thuận với Liên Xô và các cường quốc phương Tây nhằm khôi phục hoàn toàn chủ quyền sau Thế chiến II. Dù không phải là thành viên NATO, Áo vẫn tích cực tham gia nhiều sứ mệnh gìn giữ hòa bình do Liên minh châu Âu (EU) dẫn dắt, đồng thời ủng hộ Chính sách an ninh và quốc phòng chung của EU.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, cả các quan chức đương nhiệm lẫn cựu quan chức Áo đã bắt đầu công khai cân nhắc khả năng gia nhập NATO, một bước chuyển đáng kể so với chính sách trung lập mà quốc gia này duy trì kể từ năm 1955.
Cảnh báo trung lập không đồng nghĩa với thụ động, Ngoại trưởng Áo cho rằng, nước này không thể ngây thơ trước những rủi ro an ninh đang gia tăng: “Thế giới đã thay đổi. Chúng ta không thể ngồi yên và cho rằng: nếu ta không gây hấn với ai, thì cũng sẽ không ai làm gì ta”.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Phần Lan và Thụy Điển, hai quốc gia từng trung lập lâu năm, đã đưa ra quyết định lịch sử khi nộp đơn xin gia nhập NATO. Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của liên minh vào tháng 4/2023, còn Thụy Điển gia nhập vào tháng 3/2024.
Về phía Ukraine, Kiev đã nộp đơn xin gia nhập NATO theo cơ chế rút gọn vào tháng 9/2022. Dù tiếp tục thúc đẩy nguyện vọng gia nhập, đến nay vẫn chưa có tiến triển cụ thể nào về việc kết nạp Ukraine.
Trong nhiều năm, Nga đã viện dẫn việc NATO mở rộng về phía Đông là một trong những nguyên nhân khiến Moscow phải cứng rắn với Kiev. Một trong những điều kiện hàng đầu mà Nga đưa ra nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine là cấm vĩnh viễn Kiev gia nhập liên minh quân sự này.