Ánh sáng của Đảng về nơi bản xa (Bài 2): 'Hạt giống đỏ' nảy mầm trên vùng đất khó
Từ những bản làng nghèo nhất của huyện Mường Lát, sau 14 năm thực hiện Kết luận 50 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông tại các xã Mường Lý, Trung Lý và Tam Chung đang khởi sắc từng ngày. Sự thay đổi đó có đóng góp to lớn của những đảng viên người Mông tiên phong đi 'trước, làm trước', từ đó tạo sức lan tỏa trong Nhân dân cùng chung sức, đồng lòng vươn lên thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Người “truyền lửa” ở bản Ón
Bước sang tuổi 37, anh Giàng A Chống đã có 34 năm gắn bó với mảnh đất biên cương ở bản Ón, xã Tam Chung. Nhắc đến anh, người dân trong bản luôn dành tình cảm yêu mến, quý trọng. Bởi, anh không chỉ là đảng viên làm kinh tế giỏi, mà còn là người “truyền lửa” đưa tư tưởng tiến bộ đến đồng bào Mông bản Ón.
Anh Chống là thế hệ đầu tiên theo bố mẹ từ tỉnh Sơn La sang bản Ón sinh sống vào những năm 1990. Hơn ai hết, anh là người hiểu rất rõ những khó khăn, vất vả trong cuộc sống của dân bản trước kia. Đó là không điện, không đường, không trường, không trạm, không chi bộ, quanh năm bà con sống trong cảnh nghèo đói. Với mong muốn có cuộc sống “no cơm, ấm áo”, anh Chống luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua tại địa phương, nhất là lao động, sản xuất. Ngày 25/5/2010 đánh dấu mốc quan trọng khi anh được đứng trong hàng ngũ của Đảng, năm 2020, anh được Đảng ủy xã Tam Chung tin tưởng giao giữ chức bí thư chi bộ và Nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng bản Ón.
Để từng bước giúp bà con xây dựng cuộc sống mới, những năm qua, anh Chống cùng cấp ủy, đảng viên trong chi bộ luôn thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tập quán canh tác nương rẫy, khai hoang mở rộng diện tích lúa nước, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Anh Chống chia sẻ: “Thực hiện phương châm “mưa dầm thấm sâu”, thay vì theo kiểu giảng dạy, tôi trực tiếp đến nhà các hộ dân, lên tận nương rẫy để nắm tình hình sản xuất, đời sống của bà con, kể cho họ nghe về mô hình kinh tế, cách làm giàu mà tôi đã được học và những lợi ích khi xóa bỏ được hủ tục trong tang ma, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”.
Theo anh Chống, bà con người Mông chỉ tin, làm theo khi tận mắt nhìn thấy hiệu quả. Cụ thể như trong tang ma, để tuyên truyền bà con làm theo thì người thân trong gia đình anh là người đầu tiên của bản Ón đưa người chết vào trong quan tài. Ban đầu cũng có những lời xì xào, thậm chí là sự chống đối của một số người thân, nhưng anh đã khéo léo vận động từ già làng, trưởng bản đến những người có tiếng nói trong gia đình nghe theo. Đến nay, 100% bà con trong bản Ón đều đồng thuận thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và dần xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Anh Chống cũng là người tuyên truyền, vận động vợ vào Đảng và là đảng viên nữ người Mông đầu tiên được kết nạp tại bản Ón. Không chỉ làm tốt việc xã hội, gia đình anh là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế. Với 2ha trồng rừng, cây ăn quả và nuôi 12 con trâu, nhiều gia súc, gia cầm, giúp gia đình anh có cuộc sống khấm khá hơn. Bên cạnh đó, vợ chồng anh thường xuyên hướng dẫn bà con trong bản trồng lúa nước, trồng ngô, sắn cao sản, trồng rừng sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ đó, cuộc sống của đồng bào Mông bản Ón bớt khó khăn phần nào.
Đảng viên nữ đầu tiên ở bản Khằm 2
15 năm về trước, chị Lâu Thị Xía vì “phải lòng” mà đã rời bản Pha Đén, xã Pù Nhi theo chàng trai người Mông Giàng Seo Lềnh về làm dâu ở bản Khằm 2, xã Trung Lý. Vượt lên định kiến, phụ nữ Mông chỉ làm nương rẫy, quanh quẩn góc bếp, thì chị Xía lại khác hẳn. Chị năng nổ, nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội và tạo bước “đột phá” khi trở thành nữ đảng viên người Mông đầu tiên trong bản.
Nhớ lại quãng thời gian về làm dâu, rồi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, sau đó làm chi hội trưởng chi hội phụ nữ bản, với chị Xía đó như một giấc mơ. Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Xía chia sẻ: “Tôi may mắn hơn một số chị em đồng bào Mông vì được sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố, anh trai là đảng viên. Sau này có chồng và em chồng cũng đều là đảng viên. Gia đình nhà chồng tôi tiến bộ lắm, không có kiểu áp đặt con cái đâu, cứ động viên con tích cực tham gia nhiều hoạt động của bản, có như vậy mới tiến bộ được”.
Với suy nghĩ trên, chị Xía luôn luôn tích cực tham gia và có trách nhiệm với công việc của bản. Sau một thời gian rèn luyện, phấn đấu, ngày 9/9/2016, chị Xía vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Với trách nhiệm được giao là chi hội trưởng chi hội phụ nữ bản, chị đã đổi mới nội dung để tập hợp, thu hút hội viên tham gia trong các buổi sinh hoạt chi hội; vận động chị em tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Chị cũng hướng dẫn chị em thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong bản thực hiện tốt việc giữ gìn, bản sắc văn hóa đồng bào Mông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Không chỉ ở bản Ón hay Khằm 2, mà những đảng viên người Mông vừa làm kinh tế giỏi, vừa làm “Dân vận khéo” đã xuất hiện ở nhiều bản khác trên địa bàn huyện Mường Lát. Điển hình như: Đảng viên Thào A Thái, bản Tà Cóm, xã Trung Lý với việc nuôi 50 con bò, 18 con trâu, sau khi trừ chi phí thu nhập ước tính 100 - 200 triệu/năm; mô hình trồng cây ăn quả của đảng viên Sùng A Thào ở bản Suối Lóng, xã Tam Chung; mô hình trồng cây ăn quả của đảng viên Lý A Chư và Hờ A Dúa, bản Suối Phái, xã Tam Chung. Những đảng viên người Mông sản xuất giỏi không chỉ phát triển kinh tế gia đình, mà còn nhiệt tình hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho bà con địa phương để từ đó có thêm nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của cộng đồng.
Bằng sự tâm huyết, nhiệt tình, các đảng viên theo Kết luận 50 trên địa bàn huyện Mường Lát đã và đang “thắp lửa" đoàn kết, củng cố niềm tin của đồng bào Mông vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng huyện Mường Lát ngày càng phát triển.
Nhóm PV Phòng BĐ-TL
Bài cuối: Sức sống mới ở vùng đồng bào Mông