Anh hùng liệt sĩ Hoàng Lê Kha và ngôi trường mang tên ông

Ngày 17/6/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 2486/QĐ-UBND đổi tên Trường Trung học phổ thông Hoàng Lệ Kha thành Trường Trung học phổ thông Hoàng Lê Kha.

Ảnh Anh hùng, Liệt sĩ Hoàng Lê Kha tại Khu tưởng niệm ông ở tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Tư liệu

Ảnh Anh hùng, Liệt sĩ Hoàng Lê Kha tại Khu tưởng niệm ông ở tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Tư liệu

Ngôi trường trung học phổ thông của huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa mang tên Trường trung học phổ thông Hoàng Lệ Kha đã 33 năm, từ năm 1991.

Dù vậy, nhiều người Thanh Hóa chưa thật tường tận về sự nghiệp anh hùng của Liệt sĩ Hoàng Lệ Kha, vì sao ngôi trường được mang tên ông. Bài báo này một lần nữa giúp thế hệ trẻ, tìm hiểu, học tập và hiểu hơn về những cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của Anh hùng liệt sĩ Hoàng Lê Kha.

Từ 17/6/2024 trường Trung học phổ thông Hoàng Lệ Kha, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa chính thức đổi tên thành Trường Trung học phổ thông Hoàng Lê Kha theo QĐ số 2486/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Từ 17/6/2024 trường Trung học phổ thông Hoàng Lệ Kha, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa chính thức đổi tên thành Trường Trung học phổ thông Hoàng Lê Kha theo QĐ số 2486/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Trong bộ phim "Ván bài lật ngửa", tác phẩm nổi tiếng của nền điện ảnh nước nhà mà thế hệ chúng tôi được xem công chiếu từ năm 1983, hấp dẫn nhất là những tình tiết gay cấn trong hoạt động tình báo. Tập 3 của bộ phim "Ván bài lật ngửa" với tiêu đề "Phát súng trên cao nguyên" có 2 tình tiết liên quan đến ông Hoàng Lê Kha để lại ấn tượng đặc biệt.

Thứ nhất, cảnh trong phim, trong đoàn xe tháp tùng cùng Tổng thống Ngô Đình Diệm lên cao nguyên dự Hội chợ kinh tế cao nguyên, thì chiếc xe chở bà Nhu là chiếc Volga đen do Liên Xô sản xuất. Lúc xem phim tôi thốt lên: "xe Volga của Liên Xô".

Thứ hai, người chiến sĩ đặc công có tên là Phúc trong phim dùng súng bắn Ngô Đình Diệm khi ông Diệm đến khai mạc hội chợ. Dù đã có xe mô tô của một nữ thanh niên đợi sẵn, nhưng bị truy đuổi và cuối cùng người chiến sĩ quả cảm đó bị địch bắt. Sau khi thẩm vấn người ám sát Ngô Đình Diệm, trong cuộc nói chuyện với 3 anh em họ Ngô là Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, ông Nhu một mực nói phải bắn ngay người chiến sĩ đặc công của ta.

Khi hỏi ý kiến Nguyễn Thành Luân, nhà tình báo tài ba này đã nói rất thuyết phục về việc chưa lần ra tổ chức nào đứng đằng sau vụ việc mà mới nghe Phúc tự nhận Tỉnh ủy Tây Ninh mà trực tiếp Hoàng Lê Kha và 5 sếp khác giao nhiệm vụ cho anh ta.

Thực ra chi tiết này trong phim từng được ghi chép lại trong tư liệu lịch sử. Lúc bấy giờ, tôi chưa hề biết gì về ông Hoàng Lê Kha. Khi Thanh Hóa đặt tên cho một ngôi trường trung học là Hoàng Lệ Kha, phần nào tôi chắp nối thông tin và tìm đọc lại tư liệu lịch sử, có thể cái tên Hoàng Lệ Kha là chỉ người anh hùng Hoàng Lê Kha.

Ngày nay, khi tư liệu lịch sử được bạch hóa từ nhiều nguồn tin cậy, có thể nhận định về Anh hùng Liệt sĩ Hoàng Lê Kha như sau: Ông sinh năm 1917, tại làng Trang Cát, xã Hà Phong, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Ông được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương năm 1936 và từng hoạt động cách mạng tại Hà Nội. Khoảng năm 1940, ông Hoàng Lê Kha chuyển vào hoạt động tại Sài Gòn.

Tại đây ông tích cực tham gia các hoạt động yêu nước trong phong trào thanh niên, sinh viên. Năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền tại Sài Gòn và từ đó đến năm 1954 trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của tỉnh Gia Định.

Từ sau năm 1954, ông được phân công về hoạt động tại tỉnh Tây Ninh và được chỉ định làm Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách thị xã Tây Ninh và huyện Châu Thành.

Trong giai đoạn này địch đánh phá vô cùng ác liệt, ông Hoàng Lê Kha cũng như nhiều đồng chí của ông hoạt động trong điều kiện cực kỳ gian khổ và nguy hiểm. Ông đã chịu đựng và vượt qua mọi gian nguy để gây dựng phong trào, phát triển lực lượng cách mạng…

Tháng 8/1959, ông Hoàng Lê Kha bị sa vào tay địch ở ngoại vi thị xã Tây Ninh. Bắt được ông, bọn địch không thể nào khuất phục được người cộng sản kiên trung, kể cả khi chúng đưa ông ra xét xử…

Tháng 3/1960, bọn địch đưa ông Hoàng Lê Kha ra pháp trường, ông bị hành hình bằng máy chém và là người người cuối cùng chịu cực hình man rợ, dã man này.

Thế hệ học trò ngày nay của Trường Trung học phổ thông Hoàng Lê Kha.

Thế hệ học trò ngày nay của Trường Trung học phổ thông Hoàng Lê Kha.

Ông Hoàng Lê Kha, người con ưu tú của quê hương Thanh Hóa ngã xuống khi mới 44 tuổi đời để lại biết bao thương tiếc và cảm phục trong lòng đồng bào cả nước. Ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1997.

Tỉnh Tây Ninh đã xây dựng khu tưởng niệm rất trang trọng chính nơi ông đã ngã xuống. Trên tấm bia đá đỏ lớn đặt trước pho tượng của ông khắc ghi tiểu sử và dòng chữ: "Ông là người tận trung với Đảng, hiếu với dân, kiên cường bất khuất trước kẻ thù. Ông sống giản dị, thủy chung, được nhân dân tin yêu, tận tụy với nhiệm vụ đến hơi thở cuối cùng. Gương hy sinh lẫm liệt của ông đã nung nấu sục sôi lòng căm thù giặc, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào Tây Ninh và cả nước. Liệt sĩ Hoàng Lê Kha sống mãi với non sông".

Tưởng nhớ đến ông ngay trong thời kỳ còn chiến tranh, năm 1962, Tỉnh ủy Tây Ninh quyết định lấy tên ông đặt cho 1 ngôi trường và 1 xưởng in trong vùng giải phóng. Ngày nay một số tỉnh, thành trong cả nước đã lấy tên Anh hùng liệt sĩ Hoàng Lê Kha đặt tên cho trường học và đường phố.

Cách đây 1 năm tôi đem chuyện cần đổi tên trường Hoàng Lệ Kha thành Hoàng Lê Kha thưa chuyện với Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng. Ông Hưng cho biết: sẽ chỉ đạo các ngành, sở có liên quan chuẩn bị tổng thể, chu đáo để tiến hành sớm đổi tên trường Hoàng Lệ Kha thành Hoàng Lê Kha, đúng tên người anh hùng liệt sĩ của quê nhà. Và, tháng 6/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định về việc này.

Ngày khai trường năm học 2024-2025, ngôi trường chính thức mang tên Trường Trung học phổ thông Hoàng Lê Kha sẽ đón con em quê hương người anh hùng tựu trường.

Gia Bảo

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/anh-hung-liet-si-hoang-le-kha-va-ngoi-truong-mang-ten-ong-179240701235440895.htm
Zalo