Anh-Đức ký hiệp ước quốc phòng lịch sử, Nga cảnh báo 'ăn miếng trả miếng' nếu cứ quyết làm một điều

Ngày 18/7, Vương quốc Anh và Đức đã ký hiệp ước quốc phòng song phương đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ song phương và thúc đẩy hội nhập quốc phòng châu Âu trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine vẫn tiếp diễn.

Thủ tướng Anh Keir Starmer (phải) và Thủ tướng Đức Friedrich Merz ký kết hiệp ước hợp tác song phương vào ngày 18/7 tại London. (Nguồn: Getty Images)

Thủ tướng Anh Keir Starmer (phải) và Thủ tướng Đức Friedrich Merz ký kết hiệp ước hợp tác song phương vào ngày 18/7 tại London. (Nguồn: Getty Images)

Tạp chí Defense News đưa tin, hiệp ước, có tên chính thức là “Hiệp ước Kensington về hữu nghị và hợp tác song phương”, Thủ tướng Anh Keir Starmer và người đồng cấp Đức Friedrich Merz ký tại London. Văn kiện mang tính lịch sử này bao gồm 17 lĩnh vực hợp tác, từ phát triển chung các hệ thống vũ khí đến tăng cường hợp tác giáo dục và xuất khẩu quốc phòng.

Một nội dung cốt lõi của hiệp ước là cam kết giữa hai quốc gia, đều là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau bằng biện pháp quân sự nếu một bên bị tấn công.

Ngoài ra, hai bên cũng sẽ hợp tác phát triển một loại vũ khí tấn công chính xác tầm xa mới, với tầm bắn vượt quá 2.000 km, dự kiến hoàn thiện trong vòng 10 năm tới. Đức mô tả đây sẽ là “một trong những hệ thống tiên tiến nhất từng được thiết kế”.

Bên lề lễ ký, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về việc cung cấp thêm vũ khí tầm xa cho Ukraine. ông Merz tuyên bố: “Ukraine sẽ sớm nhận được sự hỗ trợ bổ sung đáng kể trong lĩnh vực này”, được cho là ám chỉ kế hoạch chuyển giao tên lửa hành trình Taurus – loại vũ khí đang gây tranh cãi tại Đức.

Ngay sau tuyên bố này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo, nếu Ukraine tiếp tục nhận vũ khí tầm xa từ phương Tây, Moscow “sẽ có hành động đáp trả cứng rắn và tương xứng”. Bà nhấn mạnh, Nga có quyền tấn công các mục tiêu quân sự ở những quốc gia cho phép sử dụng vũ khí của họ nhằm vào Nga.

Ngoài nội dung răn đe Nga, hiệp ước Kensington còn hướng đến tăng cường hợp tác toàn diện giữa Anh và Đức. Hai bên sẽ phối hợp đối phó các mối đe dọa tàu ngầm ở Bắc Hải, phát triển phương tiện không người lái và chiến lược vận hành, củng cố sườn phía Đông của NATO và thúc đẩy xuất khẩu các khí tài đồng sản xuất như chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon và xe thiết giáp Boxer.

London và Berlin cũng cam kết dỡ bỏ các rào cản thể chế trong xuất khẩu quốc phòng – vấn đề từng gây ách tắc trong các thương vụ bán vũ khí, đặc biệt là sang Trung Đông.

Thủ tướng Merz khẳng định: “Đây là một ngày có ý nghĩa quyết định đối với quan hệ giữa Đức và Anh”. Trong khi đó, Thủ tướng Starmer nhấn mạnh, hiệp ước là minh chứng cho “một bước tiến dài trong hợp tác quốc phòng bền vững”.

Hiệp ước Kensington được ký chỉ vài ngày sau khi Anh và Pháp ký hiệp ước riêng nhằm đặt nền móng cho khả năng xây dựng một “ô hạt nhân châu Âu” trong tương lai. Những diễn biến này phản ánh xu hướng hội nhập quốc phòng nhanh chóng của châu Âu kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022 và càng gia tăng sau khi Tổng thống Donald Trump tái đắc cử ở Mỹ và từng nhiều lần chỉ trích cam kết quốc phòng của châu Âu và NATO.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/anh-duc-ky-hiep-uoc-quoc-phong-lich-su-nga-canh-bao-an-mieng-tra-mieng-neu-cu-quyet-lam-mot-dieu-321502.html
Zalo