An toàn thông tin trong kỷ nguyên số
Ngày 27/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm 'An toàn thông tin trong kỷ nguyên số'.
Phát biểu khai mạc, ông Hà Ánh Bình, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho biết, kỷ nguyên số đã và đang tạo nên những bước chuyển mình mạnh mẽ trong đời sống xã hội, kinh tế và văn hóa của Việt Nam cũng như toàn cầu. Đặc biệt, nền kinh tế số đang được kỳ vọng là động lực tăng trưởng cốt lõi, giúp Việt Nam đẩy mạnh hội nhập và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là những thách thức không nhỏ, trong đó có vấn đề an toàn thông tin-yếu tố then chốt trong sự bền vững của chuyển đổi số.
Những sự cố an ninh mạng, từ các cuộc tấn công có tổ chức đến những lỗ hổng trong việc quản lý thông tin, đang đặt ra nguy cơ nghiêm trọng không chỉ đối với doanh nghiệp hay cá nhân, mà còn với các cơ quan nhà nước, thậm chí là an ninh quốc gia.
Chính vì vậy, việc xây dựng những giải pháp hiệu quả để bảo vệ thông tin và dữ liệu không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là trách nhiệm chung của cả xã hội.
Ông Trương Đức Lượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần An ninh mạng Việt Nam cho biết, tấn công mạng luôn hiện hữu và ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển của ứng dụng công nghệ thông tin và xu thế trực tuyến.
Quý 3 năm 2024, hơn 5 triệu mối đe dọa được phát hiện (Kaspersky), 18,7% người dùng Internet Việt Nam là đối tượng của tấn công mạng (Kaspersky).
Do vậy, để bảo đảm an toàn thông tin cho tổ chức, doanh nghiệp cần tự trang bị: tường lửa, endpoint; thiết lập trung tâm giám sát và đánh giá bảo mật thường xuyên.
Đồng thời, hoạt động tập huấn cũng cần diễn tập định kỳ, hoạt động nhân sự ngoài thuê ngoài cần đào tạo nhân sự tại chỗ theo các chứng chỉ quốc tế.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong tương lai, an ninh mạng toàn cầu sẽ tiếp tục đối mặt với các thách thức ngày càng lớn, đặc biệt khi công nghệ 5G và IoT được triển khai rộng rãi, mở ra các lỗ hổng bảo mật mới.
Để đối phó, các quốc gia cần tăng cường đầu tư vào công nghệ bảo mật tiên tiến, nâng cao nhận thức cộng đồng và đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm xây dựng một không gian mạng an toàn và bền vững.
Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần đầu tư vào hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin. Xây dựng hệ thống pháp luật về quản lý và lưu trữ dữ liệu. Cấu hình an toàn cho thiết bị và phần mềm. Quản lý tài khoản và quyền truy cập. Quản lý lỗ hổng bảo mật. Giám sát và bảo vệ an ninh mạng…
Thạc sĩ Nguyễn Tấn Hoàng Hải, Giảng viên, khoa Luật Dân sự, Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn thông tin người tiêu dùng trong giao dịch điện tử.
Để đối mặt hiệu quả với các hành vi sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân trong các giao dịch điện tử, việc tăng mức chế tài hành chính là cần thiết để tăng cường sức ngăn chặn và đặt ra một mức độ trách nhiệm lớn hơn cho những hành vi này.
Do đó, cần thiết lập các quy định mới với mức phạt tài chính đáng kể và mang tính nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép thông tin cá nhân. Mức phạt cần phản ánh nghiêm trọng của việc xâm phạm quyền riêng tư và có thể tạo động lực lớn để ngăn chặn các hành vi nêu trên.
Chẳng hạn, Luật Bảo vệ dữ liệu châu Âu (General Data Protection Regulation-GDPR), mức xử phạt tiền tối đa đối với trường hợp vi phạm lớn về dữ liệu cá nhân là 4% tổng doanh thu năm hoặc 20 triệu Euro.
Phân tích sâu các quy định của pháp luật Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ánh Hồng, Trưởng bộ môn Luật Hình sự, Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân được nêu tại Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân và một số văn bản pháp luật khác, nhưng còn thiếu quy định về quyền được khôi phục dữ liệu cá nhân, quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba... Do vậy, cần cấp thiết xây dựng, ban hành “Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân” nhằm tạo khung pháp lý để bảo đảm việc bảo vệ thông tin cá nhân, xử lý triệt để các vi phạm.