Ăn tiết canh lợn: Nguy cơ rước bệnh vào thân
Tiết canh lợn là món ăn 'khoái khẩu' của nhiều người. Đây cũng là món ăn một số người quan niệm là giàu dinh dưỡng, có tác dụng bổ máu, giảm cân, tăng cường sinh lực cho phái mạnh và giúp phái nữ gìn giữ tuổi thanh xuân. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết về tác hại khôn lường của món ăn này. Đặc biệt, gần đây một số người đã nhập viện sau khi ăn tiết canh lợn...
Liên tiếp nhập viện
Mới đây, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Hưng Yên) đã ban hành quyết định về việc điều tra, xác minh thông tin một số người ăn tiết canh, lòng lợn tại quán ăn thôn Đồng Kỷ (xã Quỳnh An, tỉnh Hưng Yên) nghi nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn tử vong.
Cụ thể, vào ngày 5 - 6/7, có 17 người của thôn An Vị và thôn Đồng Kỷ đã ăn tiết canh ở 3 quán ăn gần nhau tại thôn Đồng Kỷ. Sau đó, 6 người phải đưa đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Côi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Đến ngày 8/7, trong 6 trường hợp này đã có 2 người tử vong. Hai nạn nhân này được xác định là anh Tr.V. D. (sinh năm 1974, trú thôn Đồng Kỷ) và anh Ng.D.Th (sinh năm 1970, trú thôn An Vị).

Bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC
Trạm Y tế Đông Hải đã báo cáo lãnh đạo địa phương; đồng thời cùng cán bộ trạm y tế và Công an xã giám sát, điều tra thông tin ca bệnh, người ăn sáng tại các quán ăn khu vực gần đó, yếu tố dịch tễ liên quan bữa ăn sáng có dùng tiết canh lợn và lòng lợn tại thôn Đồng Kỷ...
Đến 20 giờ ngày 14/7, Trạm y tế Đông Hải nhận được văn bản của Bệnh viện Bạch Mai (Bộ Y tế) thông báo, ngày 11/7, bệnh viện tiếp nhận 3 ca bệnh liên quan đến chùm ca bệnh sau ăn tiết canh lợn tại xã Quỳnh An (tỉnh Hưng Yên). Ba ca bệnh được theo dõi và tích cực điều trị tại Viện Y học nhiệt đới Bạch Mai (Bệnh viện Bạch Mai). Chiều 14/7, 1 trong 3 ca bệnh này đã được ra viện và tiếp tục theo dõi điều trị.
Trước đó, ngày 3/7, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cũng đã điều trị cho một bệnh nhân nam 30 tuổi, trú tại Hải Phòng, trong tình trạng nguy kịch nghi do nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh. Đó là anh V.Đ.H. (30 tuổi, ở Hải Phòng) có ăn tiết canh lợn. Trong vòng 3 ngày sau ăn, anh vẫn bình thường nhưng đến ngày thứ 3, người nhà phát hiện anh H. đã trong tình trạng lơ mơ, tím tái toàn thân, tiêu chảy kèm máu. Ngay lập tức, người nhà đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
TP Huế hiện cũng là nơi nhiều người bị nhiễm liên cầu lợn phải nhập viện điều trị trong thời gian qua. Theo ông Lê Viết Bắc - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Huế, cho biết đến thời điểm này, toàn TP Huế ghi nhận 31 ca nhiễm liên cầu lợn, trong đó 1 trường hợp tử vong. Ngành y tế đã tiến hành xử lý môi trường, điều tra dịch tễ nhưng chưa thể khẳng định được bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn từ khâu nào. Vì vậy, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Huế khuyến cáo người dân phải ăn chín uống sôi, tuyệt đối không ăn tiết canh, không tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết...
Không nên ăn tiết canh
Đồ sống với nhiều người là một món ăn được cho là bổ, mát, thậm chí trở thành một thói quen. Thế nhưng không phải thứ gì ăn sống cũng tốt, đặc biệt là các chế phẩm từ gia súc, gia cầm, trong đó có tiết canh. Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương thì cần hết sức cảnh giác với các món lòng lợn, tiết canh lợn…
ThS.BS Lê Sơn Việt - Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cảnh báo: Liên cầu lợn là loại vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng nặng, thường khởi phát trong vòng 24 - 72 giờ sau khi xâm nhập cơ thể. Chỉ sau một ngày từ lúc xuất hiện triệu chứng đầu tiên như sốt, đau bụng, tiêu chảy, bệnh có thể tiến triển rất nhanh đến sốc nhiễm trùng, hoại tử và suy đa tạng. Vì vậy, để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, người dân nên sử dụng thịt có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch.
“Người dân tuyệt đối không nên ăn tiết canh hay các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ. Nếu sau khi ăn mà có bất kỳ biểu hiện bất thường nào như sốt, đau đầu, buồn nôn, đi ngoài… cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, điều trị kịp thời” - BS Việt khuyến cáo.
Nhiều người cho rằng, khi ăn tiết canh lợn, việc vắt chanh, ớt cay hay uống rượu sẽ giúp hạn chế những nguy cơ với sức khỏe, hay đơn giản chỉ là ăn ở quán quen thì cũng yên tâm hơn. Thế nhưng các bác sĩ cho biết, đó chỉ là cảm quan, bởi trên thực tế việc ăn đồ sống không được nấu chín có rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: "Đơn giản nhất chúng ta sẽ bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, nhiễm trùng đường tiêu hóa; nặng hơn có thể các loại vi khuẩn, vi trùng, vi rút vào trong máu gây nhiễm trùng nặng các cơ quan: gây sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng máu, gây áp-xe, thậm chí gây tử vong rất cao".
Nhiều người nhập viện, có người tử vong sau khi ăn tiết canh nhiễm liên cầu lợn. Các bác sĩ cũng đã có quá nhiều cảnh báo, nhưng nếu mỗi người không tự ý thức, thói quen ăn tiết canh có thể rước bệnh vào thân, thậm chí biến thành “án tử”. Vì thế, bảo vệ sức khỏe của mình và người thân bắt đầu từ việc thay đổi thói quen ăn uống.
Theo các bác sĩ, liên cầu khuẩn (Streptococcus suis) là loại vi khuẩn có thể truyền sang người qua tiếp xúc trực tiếp với lợn nhiễm bệnh, hoặc ăn thực phẩm chế biến từ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ, đặc biệt là tiết canh. Bệnh có thể gây viêm màng não, nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan và nguy hiểm đến tính mạng nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Đây là căn bệnh có thể phòng tránh được bằng cách ăn chín, uống sôi và tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm.