An táng xanh: Góc nhìn mới về quản lý nghĩa trang đô thị
Mô hình nghĩa trang xanh và các hình thức an táng xanh xuất hiện như một giải pháp tất yếu nhằm giải quyết các vấn đề quỹ đất ngày càng hẹp, nghĩa trang quá tải, ô nhiễm môi trường...
Ngày 29.11, tọa đàm “Nghĩa trang và an táng xanh – hướng đến đô thị xanh, bền vững” do Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) phối hợp với Ban phục vụ lễ tang thành phố Hà Nội tổ chức, đã diễn ra tại Hà Nội. Tại sự kiện, các nhà nghiên cứu, nhà chức trách trình bày và thảo luận các vấn đề về chính sách, giải pháp công nghệ an táng, quản lý nghĩa trang hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Từng bước luật hóa công tác quản lý nghĩa trang
Sự kiện này cũng nằm trong chuỗi tọa đàm “Hạ tầng xanh trong đô thị” do Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng chủ trì, nhằm hệ thống hóa cơ sở lý luận về Hạ tầng xanh và các thành phần liên quan. Qua đó, đề xuất 10 khái niệm xanh: Đô thị xanh, hạ tầng xanh, giao thông xanh, thoát nước xanh, cấp nước xanh, công viên xanh, chiếu sáng xanh, quản lý chất thải rắn xanh, vệ sinh môi trường xanh, cuối cùng là nghĩa trang và an táng xanh.
Theo PGS-TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, hiện nay vẫn chưa có khái niệm đầy đủ, thống nhất về đô thị xanh và hạ tầng xanh trong đô thị: “Tại Việt Nam, thuật ngữ "xanh" đã được đề cập trong các chính sách của Nhà nước như Nghị quyết số 148/NĐ-CP ngày 11.11.2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện, Nghị quyết số 06/NĐ-TW ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, yêu cầu phải phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh”.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Lê Hồng Lân, Trưởng Ban Phục vụ lễ tang thành phố Hà Nội, cho biết: “Ngày nay, quỹ đất ngày càng hẹp, nghĩa trang quá tải, chi phí đắt đỏ cùng với vấn đề về môi trường đặt ra thách thức với nghi lễ an táng truyền thống. Mô hình nghĩa trang xanh và các hình thức an táng xanh xuất hiện như một giải pháp tất yếu nhằm giải quyết các vấn đề trên. Tọa đàm là cơ hội để cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu mô hình tiên tiến về nghĩa trang xanh và an táng xanh”.
Chia sẻ về định hướng chính sách trong thời gian tới, ThS. Nguyễn Khánh Long, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), cho biết mục tiêu của Bộ Xây dựng là dự thảo luật quản lý nghĩa trang, trong đó định hướng quy định về công trình xanh: “Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (5.2025), trong đó dự kiến quy định một số nội dung liên quan đến quản lý, xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng và cơ sở lưu tro cốt trong nội dung chính sách quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ”.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2114/QĐ-TTg về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Bộ Xây dựng có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng dự án Luật điều chỉnh nội dung về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang.
Thông qua kết quả rà soát công tác quản lý nghĩa trang của các địa phương gửi về Bộ Xây dựng, ông Long nêu lên một số bất cập trong chính sách: “Hiện nay, các địa phương gặp khó khăn khi lựa chọn địa điểm xây dựng nghĩa trang. Quản lý nghĩa trang chủ yếu thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009; Luật Quy hoạch năm 2017, chỉ giao nhiệm vụ xác định nhu cầu sử dụng đất nghĩa trang”. Trên thực tế, nhiều nghĩa trang phải đóng cửa do thiếu hoặc hết đất chôn cất, trong khi đó, các nghĩa trang dùng chung, dự án công viên nghĩa trang tuy được quy hoạch nhưng lại chậm triển khai.
Đề xuất giải pháp cho vấn đề trên, ông Long cho biết sắp tới có thể áp dụng các nội dung về công trình đầu mối hạ tầng trong Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn vừa được Quốc hội thông qua, từ đó lựa chọn địa điểm nghĩa trang hiệu quả trong quá trình đầu tư xây dựng”.
Bên cạnh đó, ông Long cũng chỉ ra 3 bộ luật: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) chưa rõ ràng đối với nghĩa trang do tính đặc thù của công trình, hay Luật giá cho chuyển nhượng mộ chưa có quy định cụ thể…
Để nghĩa trang thật sự “xanh”
Trình bày về thực trạng sử dụng đất xây dựng nghĩa trang hiện nay, ThS. Trần Quý Dương, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội), cho biết nhiều gia đình lấn chiếm đất nông – lâm – nghiệp làm quỹ đất nghĩa địa dự trữ cho gia đình, dòng họ, dẫn đến việc thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng rất tốn kém. Các nghĩa trang nằm sát khu dân cư, không thu gom nước ngầm gây ô nhiễm môi trường.
Từ đó, ông Dương đề xuất giải pháp xây dựng công viên nghĩa trang, phát triển thành không gian công cộng đa chức năng và không gian sinh thái. Công viên nghĩa trang vừa là nơi tưởng niệm người đã khuất, vừa tích hợp các chức năng phục vụ cộng đồng. Bán kính nghĩa trang nằm gần các tuyến giao thông công cộng chính của đô thị để người dân thuận tiện thăm viếng và sử dụng các tiện ích. Theo đó, cần phân khu vực công cộng – riêng tư để đảm bảo sự trang nghiêm cần thiết, bên cạnh bố trí khu vui chơi trẻ em, trò chơi giải trí (cờ vua, cờ tướng…).
PGS-TS. Nghiêm Vân Khanh, Phó Trưởng khoa Kỹ thuật hạ tầng và Môi trường Đô thị (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội), nêu quan điểm cần xét tới tính bền vững của công trình và diện tích quỹ đất hiện có, trước khi xây dựng công viên nghĩa trang trong đô thị: “Trước tiên quy hoạch phải đồng bộ, sau mới đến chuyển đổi xanh thành công viên nghĩa trang. Không nên lạm dụng cây xanh, cần có hình thức an táng phù hợp, thân thiện với môi trường”.
Về hình thức an táng xanh, PGS-TS. Đặng Trần Thọ, Viện trưởng Viện Công nghệ năng lượng (Đại học Bách Khoa Hà Nội), đề xuất cải tạo Đài hóa thân Hoàn Vũ với hệ thống xử lý khói thải phương pháp khô có sử dụng bộ lọc bụi tĩnh điện thay cho hệ thống túi vải.
Bởi theo ông Đặng Trần Thọ, do đặc trưng có nhiều bột canxi trong khói thải, các mắt lưới túi vải thường nhanh bị bịt kín, tiêu tốn nhiều khí nén: “Với bộ lọc bụi tĩnh điện, dòng khói được đi qua một điện trường rất mạnh dẫn đến hiện tượng ion hóa các hạt bụi. Các hạt bụi này được hút và bám trên bề mặt điện cực. Sau một thời gian, các vòi khí nén hoặc búa rung sẽ tác động để rũ bụi. Nhờ đó các loại bụi mịn có thể được loại bỏ”, Viện trưởng Viện Công nghệ năng lượng chia sẻ.
Bên cạnh các giải pháp về chuyển đổi xanh, TS. Hán Minh Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sgroup, đưa ra giải pháp số hóa công tác quản lý nghĩa trang tại Việt Nam, đó là Hệ thống Thông tin Địa lý (GIS). Ứng dụng GIS giúp lưu trữ các thông tin như vị trí phần mộ, tên người đã mất, ngày mất, tình trạng sử dụng đất; hỗ trợ tìm kiếm vị trí thích hợp để mở rộng nghĩa trang hoặc xây mới; theo dõi chất lượng môi trường và có khả năng tích hợp các hệ thống đô thị thông minh. Giải pháp này giúp tiết kiệm nguồn lực và tài nguyên thiên nhiên.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng cũng cần chú trọng văn hóa xanh bên cạnh các yếu tố về cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật. Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Kiến Tạo Xanh Group, văn hóa xanh bao gồm 4 thành tố: Văn hóa nhân bản, văn hóa kiến tạo, văn hóa phụng sự và văn hóa bản địa. Trước khi đầu tư xây dựng công trình, cần tính toán được sự bền vững, tức khả năng chống chọi với thiên tai và sự phát triển của công trình.
Thông qua tọa đàm “Nghĩa trang và an táng xanh – hướng đến đô thị xanh, bền vững”, các vấn đề về chủ đề trên dần được gợi mở, từ chính sách quản lý cho tới các giải pháp về công nghệ, mô hình xây dựng nghĩa trang xanh hài hòa với thiên nhiên. Từ đó, góp phần đồng bộ khái niệm “xanh” trong đô thị và giải quyết các thách thức của đô thị hóa trong đời sống đương đại.