Ấm no sẽ trở lại bản Cơm

Mặt trời nhô qua mỏm núi. Nắng vàng tô điểm những thửa ruộng bậc thang ở bản Cơm, xã Pù Nhi (Mường Lát). Những bông lúa trĩu nặng hứa hẹn một vụ mùa no ấm nữa sẽ về với bà con dân tộc Mông nơi đây.

Cô trò khu bản Cơm, Trường Mầm non Pù Nhi cùng cán bộ Đồn Biên phòng Pù Nhi bên gian hàng 0 đồng.

Cô trò khu bản Cơm, Trường Mầm non Pù Nhi cùng cán bộ Đồn Biên phòng Pù Nhi bên gian hàng 0 đồng.

Cách trung tâm xã Pù Nhi và Quốc lộ 15C khoảng 5km, bản Cơm giáp cụm Nậm Ngà, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào). Đến bản hôm nay, chúng tôi không cần phải “chật vật” như vài năm trước mà đi ô tô về tận cuối bản. Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Hơ Dị Lênh đón chúng tôi bằng cái bắt tay nồng ấm, nụ cười rạng rỡ. Anh mở đầu câu chuyện: "Được Đảng, Nhà nước quan tâm, đời sống người dân ở bản đổi thay mỗi ngày. Điện về, đường đẹp, con em trong bản đi học ở trung tâm xã thuận lợi, việc giao thương buôn bán của bản cũng bắt đầu phát triển, đời sống đồng bào cũng dần đổi thay”.

Bên hiên nếp nhà tường trình, chuyện xưa, chuyện nay rôm rả... Rất nhiều năm về trước, xung quanh nơi đây là là núi cao, thung sâu, cây rừng mọc um tùm. Đồng bào dân tộc Mông chủ yếu sống bằng săn bắt thú rừng, trồng ngô... Họ di cư từ cánh rừng này tới cánh rừng khác, khai thác, mang “chiến lợi phẩm” từ rừng đổi lấy gạo và nhu yếu phẩm hằng ngày, cái ăn không thiếu. Bản Cơm - bản nhiều rừng, bản no đủ cũng bắt nguồn từ đó. Tuy nhiên, rừng khai thác mãi cũng hết. Những cánh rừng trơ trọi, những thửa ruộng bạc màu..., đời sống của đồng bào rơi vào cảnh khó khăn. Nhiều năm liền, tỷ lệ đói, nghèo của bản là 100%...

Nhớ lại những ngày đã qua, anh Lênh không khỏi bùi ngùi: Con đường vào bản gập ghềnh đất đá với những khúc cua dốc cao uốn lượn. Nhiều hộ dân sống trong những nếp nhà lụp sụp, siêu vẹo. Kinh tế ở bản chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trồng ngô theo hình thức “tự cung tự cấp”. Cơm không no ngày 3 bữa, Nhà nước phải cứu đói thường xuyên. Cái ăn không đủ, cái học cũng vì thế mà bị xem nhẹ. Nhiều học sinh phải bỏ học để ở nhà đi rừng, làm nương rẫy giúp bố mẹ. Có nhiều hộ trong bản rơi vào bế tắc tưởng chừng không lối thoát.

Ô tô vào tận bản Cơm, xã Pù Nhi (Mường Lát).

Ô tô vào tận bản Cơm, xã Pù Nhi (Mường Lát).

Trước thực trạng trên, ban quản lý bản đã tăng cường vận động người dân trên địa bàn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Những năm gần đây, nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm, lại được Đảng, Nhà nước quan tâm nên đời sống của bà con dân bản đã có nhiều chuyển biến tích cực. 35ha ruộng lúa nước trong bản đã cấy cả được hai vụ, do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, năng suất lúa từng bước được nâng lên và đạt bình quân 4 - 5 tấn/ha/vụ giúp bà con chủ động được nguồn lương thực, không còn lo cái đói bủa vây ngày giáp hạt.

Năm 2024, Đồn Biên phòng Pù Nhi đứng chân trên địa bàn xã Pù Nhi đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” tại bản Cơm. Mong muốn khơi dậy ý chí tự lực, vươn lên của mỗi người dân, chung tay xây dựng bản ấm no, phát triển, Đồn Biên phòng Pù Nhi đã hỗ trợ con giống, vật nuôi cho các gia đình khó khăn; giúp đồng bào chuyển đổi một phần diện tích đất sản xuất kém năng suất sang trồng cây có giá trị cao hơn như: cây bồ đề, trẩu, tếch, sắn...

Năm 2024, toàn bản có 45ha sắn, 35ha lúa nước, hơn 20ha lúa nương... và trên 1.000 con gia súc, hơn 2.000 con gia cầm... Trong bản hiện có 30 thanh niên đi làm việc tại các huyện trong tỉnh và khu công nghiệp ngoài tỉnh và 2 thanh niên đang làm hồ sơ để đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt hơn 20 triệu đồng/người. Trong 2 năm qua, trong bản đã có 10 hộ thoát khỏi hộ nghèo, nâng tổng số hộ thoát nghèo lên 30 hộ/184 hộ.

Không chỉ hỗ trợ giúp đồng bào phát triển kinh tế, Đồn Biên phòng Pù Nhi còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Pù Nhi tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương về củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng chi bộ bản trong sạch vững mạnh; xây dựng các thiết chế văn hóa...

Diện mạo bản được cải thiện khi đồn huy động các nguồn lực lắp đặt hệ thống đèn đường bằng năng lượng mặt trời; phối hợp xây dựng cổng chào vào bản; xây dựng vị trí tập kết xử lý rác thải, làm đường hoa, khảo sát thiết kế trồng cây xanh trên các tuyến đường liên bản... Đồn còn phối hợp với trung tâm học tập cộng đồng của xã mở lớp xóa mù chữ và chống tái mù chữ cho phụ nữ và trẻ em gái trong bản; trao tặng tủ sách pháp luật cho nhà văn hóa và điểm trường tiểu học bản Cơm (Trường Tiểu học Pù Nhi), đồng thời vận động nhà hảo tâm tặng ban quản lý bản Cơm một bộ máy vi tính. Đồn Biên phòng Pù Nhi phấn đấu từ năm 2025-2027, vận động xóa đói, giảm nghèo cho 20 hộ đặc biệt khó khăn của bản Cơm...

Bên những ngôi nhà tường trình của đồng bào dân tộc Mông, cây ăn quả, cây trẩu nở hoa rực rỡ.

Bên những ngôi nhà tường trình của đồng bào dân tộc Mông, cây ăn quả, cây trẩu nở hoa rực rỡ.

Chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá bản Cơm sau khi rời nhà anh Lênh. Giữa lưng chừng núi, điểm trường mầm non khu bản Cơm (Trường Mầm non Pù Nhi) mới được xây dựng do nhà hảo tâm trao tặng. Còn điểm trường tiểu học bản Cơm cũng đã được xây dựng kiên cố... Tại đây, có 71 học sinh lớp 1 và lớp 2, do 2 thầy giáo người Mông đứng lớp. Giữa một vùng đất xanh tươi, trong trẻo tiếng trò đồng thanh học bài. Sự đổi thay ở bản Cơm đã bắt đầu như thế...

Trở lại những bản làng vùng cao nói chung, bản Cơm nói riêng, chứng kiến sự đổi thay ở những nơi này mới thấy sức mạnh của ý Đảng lòng dân, sự đồng thuận, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong công cuộc đổi mới quê hương, đất nước. Chặng đường phía trước vẫn còn dài, không ít gian nan, hy vọng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng hành của bộ đội biên phòng và nỗ lực của mỗi người dân, bản sẽ có những thay đổi tích cực, sớm trở thành “Bản sáng vùng biên”...

Bài và ảnh: Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/am-no-se-tro-lai-ban-com-37149.htm
Zalo